Biển Nam Định trước nỗi lo rác thải

Nam Định có đường bờ biển dài 72km, với vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi, là thế mạnh để phát triển kinh tế và du lịch sinh thái, thu hút hàng triệu lượt du khách mỗi năm. Tuy nhiên, những năm qua tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải xâm lấn ven biển gây tác động không nhỏ, ảnh hưởng đến sự phát triển của địa phương.

Chúng tôi đi dọc bờ biển Nam Định theo đường ven đê biển bằng xe máy từ Vườn quốc gia Xuân Thủy (huyện Giao Thủy), qua xã Hải Lý (huyện Hải Hậu), đến thị trấn Rạng Đông (huyện Nghĩa Hưng). Vào ngày biển động, tại các bến đỗ, tàu bè nhỏ của ngư dân tập trung neo đậu đông đúc. Bờ biển thuộc xã Giao Hải, huyện Giao Thủy, chỉ gần 2km nhưng theo quan sát của chúng tôi, rác thải tràn ngập trên bãi cát. Thùng xốp, bao tải, chai lọ thủy tinh… những thứ tưởng chừng chỉ có ở những bãi rác dân sinh lại tràn trên bãi biển. Anh Phạm Văn Chung, 40 tuổi, sống ở khu vực cho biết: “Tình trạng rác thải trên bờ biển xuất hiện từ mấy năm trước, do bãi ngày càng bồi nên rác thải dạt vào ngày càng nhiều hơn”.

Theo người dân nơi đây, nguyên nhân một phần do rác từ các nơi khác đổ dồn về theo dòng chảy của các cửa sông lớn ra biển. Tuy nhiên, tại bãi biển xã Giao Long, huyện Giao Thủy, mặc dù có biển cấm đổ rác nhưng các bãi rác tự phát vẫn mọc lên với đủ các loại: Túi ni lông, hộp xốp, chai lọ, thậm chí vỏ ngao, vỏ ốc, động vật chết cũng được người dân đổ ra bờ biển gây nên mùi hôi thối nồng nặc.

 Rác thải đổ thẳng ra bờ biển ở Nam Định.

Rác thải đổ thẳng ra bờ biển ở Nam Định.

Nhà thờ đổ ở xã Hải Lý (huyện Hải Hậu) và biển Quất Lâm (huyện Giao Thủy) là hai địa điểm du lịch nổi tiếng, cũng không tránh khỏi hiện tượng rác thải dồn đọng trên bãi tắm. Tình trạng nghiêm trọng đến mức, cách đây chưa lâu, một cán bộ Ban quản lý Khu du lịch Quất Lâm phải thừa nhận: “Rác thải đã quá tầm kiểm soát của ban quản lý”. Bởi có những thời điểm dịp nghỉ lễ, khách du lịch đông, ban quản lý phải huy động tối đa nhân lực nhưng với phương tiện thô sơ, chủ yếu là cuốc, cào, xẻng, xe đẩy nên không thể thu gom triệt để rác.

Tình trạng rác thải gây ô nhiễm các bãi biển đã và đang là vấn đề nóng. Ông Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch UBND thị trấn Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng cho biết: “Rác thải ở các bãi biển có nhiều nguyên nhân, trong đó có yếu tố tự nhiên. Nam Định có 4 nhánh sông lớn đổ ra biển là cửa Ba Lạt (sông Hồng), cửa Đáy (sông Đáy), cửa Lạch Giang (sông Ninh Cơ) và cửa Hà Lạn (sông Sò). Rác từ thượng nguồn chảy ra biển, theo sóng đánh vào bãi biển Nam Định nhất là vào mùa mưa bão. Rác đổ về nhiều mà lực lượng thu gom mỏng nên không xuể”. Ngoài ra, lượng khách du lịch ngày càng tăng, ý thức của một số khách chưa tốt, thói quen xả rác bừa bãi của một bộ phận người dân, hoạt động nuôi trồng thủy sản của ngư dân ven biển và các hoạt động sản xuất cơ khí, đóng tàu dọc các tuyến sông cũng làm phát sinh nhiều chất thải gây ra tình trạng ô nhiễm.

Để bảo vệ môi trường biển, các huyện: Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng đã tổ chức nhiều đợt ra quân thu gom xử lý rác thải ven biển. Vừa qua, tại Quất Lâm, Huyện đoàn Giao Thủy phối hợp với Ban Thanh niên Bộ đội Biên phòng tổ chức ra quân bảo vệ môi trường biển năm 2019. Ngay sau lễ phát động, hơn 1.000 đoàn viên thanh niên đã đồng loạt ra quân vệ sinh môi trường biển.

Ông Đỗ Hải Điền, Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu cho biết: “Bảo vệ môi trường biển khỏi những tác động của ô nhiễm rác thải là nhiệm vụ luôn được địa phương quan tâm. Vừa qua chúng tôi đã ra quân tổ chức thu gom, xử lý rác thải trên các tuyến kênh mương. Đặc biệt, tại các khu du lịch đã thành lập các tổ tự quản bảo đảm vệ sinh môi trường biển; tăng cường kiểm tra, giám sát, yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động dọc ven biển có cam kết và triển khai các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường”.

Bên cạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng, việc khuyến khích thực hiện xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường cũng được các địa phương nơi đây quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, để giải quyết hiệu quả vấn đề ô nhiễm môi trường ven biển Nam Định đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, các tổ chức và mỗi người dân.

Bài và ảnh: PHẠM KIÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/bien-nam-dinh-truoc-noi-lo-rac-thai-575013