Biến nguy cơ thành cơ hội

Ðến thời điểm hiện tại, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã cung cấp khoảng 800 nghìn khẩu trang bằng vải dệt kim kháng khuẩn (sử dụng khoảng 30 lần) và mỗi ngày sản xuất, cung cấp 10 tấn vải không dệt kháng khuẩn cho các đơn vị sản xuất ba triệu chiếc khẩu trang sử dụng một lần ra thị trường.

Ðây là sự nỗ lực rất lớn của lãnh đạo Vinatex và các đơn vị thành viên trong việc chủ động, góp sức phòng, chống dịch Covid-19. Mặc dù chưa bao giờ sản xuất khẩu trang, đang kín các đơn hàng xuất khẩu, nhưng trước tình hình phức tạp của dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu thị trường, Vinatex và các đơn vị thành viên đã thương lượng với đối tác để giãn tiến độ giao hàng, tập trung tìm nguồn nguyên liệu trong nước, bố trí các dây chuyền may tiến hành sản xuất khẩu trang để phục vụ nhu cầu bức thiết của người dân.

Kết quả xét nghiệm các mẫu vải của Vinatex đưa vào sử dụng may khẩu trang đã đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe nhất của nhà dệt may và dệt nhuộm Mỹ. Muốn đạt kết quả theo tiêu chuẩn nêu trên, doanh nghiệp phải mất bốn ngày thực hiện quy trình phun kháng khuẩn và các loại vải dùng để sản xuất khẩu trang kháng khuẩn hiện nay, theo kết quả công bố có tính kháng khuẩn gấp 100 lần so các loại vải thông thường. Do chưa có kinh nghiệm sản xuất khẩu trang, cùng với nhu cầu tăng đột biến, trong những ngày vừa qua, lượng cung không đủ cầu. Các đơn vị đã không ngừng nghiên cứu nâng cao công suất, tăng ca kíp, làm thêm ngày nghỉ...

Ðến nay, mỗi công nhân có thể may được 400 khẩu trang/ngày, nâng khả năng đáp ứng nhu cầu khoảng sáu triệu khẩu trang trong tháng 2 và 12 triệu chiếc trong tháng 3, qua đó, từng bước giảm dần "cơn khát" khẩu trang trên thị trường. Không chỉ ngành dệt may, ngành dầu khí cũng khẩn trương vào cuộc nghiên cứu, sản xuất các loại nước rửa tay khô sát khuẩn đáp ứng nhu cầu thị trường. Ðáng chú ý, Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Việt Nam (VNPoly) kịp thời sản xuất, bán ra thị trường năm tấn nguyên liệu sợi xơ dài (DTY) để sản xuất khẩu trang y tế. Mới đây, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã tổ chức pha chế nước rửa tay khô theo công thức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và cung cấp miễn phí hơn ba nghìn chai trong đợt đầu cho cán bộ, công nhân viên, các đơn vị trong Petrolimex, các khách hàng và một số cơ quan trên địa bàn hoạt động. Việc làm nêu trên thể hiện tính nhân văn, sự phản ứng nhanh nhẹn của lãnh đạo một số ngành kinh tế mũi nhọn trong việc chung tay, góp sức đẩy lùi dịch bệnh trong cộng đồng.

Thế nhưng, hiện vẫn còn không ít doanh nghiệp có thái độ thờ ơ, bàng quan trước dịch bệnh hoặc lợi dụng dịch bệnh để kiếm tiền phi pháp. Một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã cố tình lách luật, bất chấp các thủ đoạn găm hàng bán chênh lệch giá cao; sản xuất hàng giả, hàng nhái tuồn ra thị trường... Việc làm này không chỉ gây tổn hại cho xã hội, xâm hại nghiêm trọng quyền, lợi ích chính đáng của người dân mà còn là hành vi tiếp tay cho dịch bệnh hoành hành, phát triển. Ðã đến lúc các lực lượng chức năng phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, bám sát thị trường để kịp thời ngăn ngừa, xử lý các hành vi vi phạm. Nhà nước cần áp dụng các chế tài đủ mạnh, thậm chí truy tố các đối tượng vi phạm, tăng cường giám sát để ngăn chặn và xử lý hành vi móc ngoặc, bao che, bảo kê cho những đối tượng buôn bán trái phép. Ðối với những đơn vị để xảy ra tình trạng nêu trên, lãnh đạo đơn vị phải chịu trách nhiệm với vai trò người đứng đầu...

QUỲNH CHI

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/cung-suy-ngam/item/43336702-bien-nguy-co-thanh-co-hoi.html