Biện pháp hòa bình - công cụ hữu hiệu giải quyết tranh chấp

Một trong những yếu tố khiến cho tình hình Biển Đông luôn phức tạp là việc khó tìm được 'tiếng nói chung' trong việc thảo luận các giải pháp giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, giải pháp hòa bình dựa trên hệ thống pháp luật quốc tế hiện nay có hiệu quả rất tốt, được sự ủng hộ của các quốc gia, các tổ chức khu vực và Liên hợp quốc.

Lưới điện quốc gia ra xã đảo Tiên Hải, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: TTXVN

Lưới điện quốc gia ra xã đảo Tiên Hải, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: TTXVN

Nhiều biện pháp hòa bình

Hiện nay, trên Biển Đông có các tranh chấp về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên một số vùng biển đảo, quần đảo. Các quốc gia còn có sự khác nhau về quan điểm và cách thức tiếp cận giải quyết tranh chấp như lựa chọn biện pháp pháp lý, biện pháp đàm phán, hoặc kiên trì giữ nguyên hiện trạng. Cùng với đó, trong lịch sử trước đây, trên Biển Đông còn xuất hiện tình trạng sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp. Giới chuyên gia về luật biển đánh giá, hệ thống luật pháp quốc tế hiện nay đã đưa ra nhiều biện pháp hòa bình giúp giải quyết tranh chấp. Trên thực tế, hệ thống pháp luật quốc tế hiện hành là công cụ rất hiệu quả và được các bên liên quan thống nhất sử dụng, nhằm ngăn chặn việc sử dụng vũ lực gây bất ổn an ninh, hòa bình và ổn định tại khu vực.

Ở các khu vực biển đảo trên thế giới đều đang xảy ra tranh chấp. Các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp theo luật quốc tế hiện đại đều xuất phát từ nguồn là Hiến chương Liên hợp quốc. Từ thực tiễn cho thấy, các biện pháp hòa bình phát huy hiệu quả rất tốt với quy mô bao trùm toàn diện.

Tại Biển Đông, cách thức để giải quyết tranh chấp chủ quyền được pháp luật quốc tế quy định là các bên liên quan cần nghiên cứu vận dụng những biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế. Trong đó, biện pháp đàm phán trực tiếp là có tầm quan trọng hàng đầu. Đây là sự tiếp xúc trực tiếp giữa các bên hữu quan - chủ thể luật quốc tế để giải quyết, những vấn đề mà các bên quan tâm. Trong trường hợp tranh chấp xảy ra, các bên trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, thảo luận để tìm giải pháp hòa bình giải quyết tranh chấp. Đàm phán trực tiếp là biện pháp cơ bản, hữu hiệu và thông dụng nhất để giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia. Đây cũng là biện pháp được Nhà nước Việt Nam áp dụng đối với mọi trường hợp giải quyết tranh chấp về biên giới lãnh thổ trong lịch sử hiện đại của mình.

Cùng với đó là những biện pháp hỗ trợ như môi giới và trung gian với sự tham gia của bên thứ ba. Trong vai trò môi giới, bên thứ ba không tham gia đàm phán với các bên tranh chấp và không kiến nghị giải pháp giải quyết tranh chấp. Vai trò môi giới của bên thứ ba kết thúc khi các bên gặp gỡ hoặc tổ chức đàm phán. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, môi giới cũng có thể tham gia đàm phán nhưng phải được sự thỏa thuận của các bên tranh chấp. Trong trường hợp này, bên thứ ba đã đóng vai trò trung gian. Trong vai trò trung gian, bên thứ ba dàn xếp cho các bên tranh chấp gặp gỡ, đàm phán và cùng tham gia vào quá trình đàm phán với các bên tranh chấp. Trung gian thường đề xuất những sáng kiến cụ thể giải quyết từng phần hoặc toàn bộ tranh chấp. Những sáng kiến này có tính chất khuyến nghị đối với các bên tranh chấp, trách nhiệm lựa chọn giải pháp cuối cùng thuộc về các bên tham gia tranh chấp. Vai trò trung gian tích cực và chủ động hơn vai trò môi giới.

Ngoài ra, còn có biện pháp khác là các Ủy ban điều tra và hòa giải. Khi tranh chấp phát sinh, các bên có thể thỏa thuận thành lập ủy ban điều tra hoặc ủy ban hòa giải để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình hoặc để tạo cơ sở áp dụng các biện pháp hòa bình khác. So với các biện pháp môi giới và trung gian, những biện pháp này được áp dụng theo trình tự chặt chẽ hơn. Về các biện pháp xét xử, các bên tham gia tranh chấp chủ quyền biển đảo có thể thỏa thuận áp dụng biện pháp trọng tài hoặc tòa án quốc tế để giải quyết tranh chấp chủ quyền.

Giải pháp quốc tế

Ngoài các biện pháp đàm phán trực tiếp, còn có giải pháp giải quyết hòa bình các tranh chấp chủ quyền biển đảo tại các tổ chức quốc tế là Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khu vực. Trong số các cơ quan của Liên hợp quốc, ngoài tòa án quốc tế có chức năng giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa các quốc gia, còn có Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an thực hiện các chức năng giải quyết tranh chấp quốc tế, duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Trong đó, Hội đồng Bảo an thực hiện các chức năng môi giới, trung gian, điều tra. Đại hội đồng Liên hợp quốc có thẩm quyền thông qua các nghị quyết về hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế.

Đối với các tổ chức quốc tế khu vực, Khoản 1, Điều 33, Hiến chương Liên hợp quốc quy định việc giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế thông qua các tổ chức quốc tế khu vực bằng các dàn xếp, các thỏa thuận, hiệp định mang tính chất khu vực được xem là một trong các phương thức giải quyết do Liên hợp quốc kiến nghị với các nước thành viên.

Nhà giàn DK1 nằm trên thềm lục địa phía Nam của Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) với 10 thành viên chính thức, trong đó có Việt Nam cũng đóng vai trò tích cực trong việc giải quyết các tranh chấp quốc tế giữa các nước thành viên với nhau, nhất là việc giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo. Hiệp định Thân thiện và hợp tác Đông Nam Á ký tại đảo Bali, Indonesia, ngày 24-2-1976 xác định, giải quyết bất đồng hoặc tranh chấp bằng biện pháp hòa bình là một trong 6 nguyên tắc cơ bản trong quan hệ giữa các nước thành viên.

Vấn đề căn cơ giải quyết tranh chấp trên Biển Đông hiện nay là các bên phải cùng xây dựng lòng tin chiến lược, thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, luật biển quốc tế. Nếu sử dụng biện pháp quân sự sẽ càng khiến khu vực này rơi vào vòng xoáy của bất ổn khi chiến tranh toàn diện kéo dài nhằm bảo vệ chủ quyền theo quan điểm mỗi nước.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bien-phap-hoa-binh-cong-cu-huu-hieu-giai-quyet-tranh-chap-post432437.html