Biện pháp thiết thực hạn chế những vật dụng biến thành hung khí

Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, CATP Hà Nội đã đồng thời triển khai 4 cao điểm, trong đó có cao điểm tuyên truyền, vận động thu hồi, quản lý và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, và đã thu được những kết quả tích cực.

Hiệu ứng tích cực từ công tác tuyên truyền

Trung tá Nguyễn Thành Lâm - Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH (CATP Hà Nội) cho biết, trong công tác tuyên truyền, CATP đã tiến hành cấp phát 25.000 bộ tài liệu tuyên truyền, 2 triệu bản cam kết với cơ quan, đơn vị, trường học, hộ dân trên địa bàn quản lý không sản xuất, tàng trữ, mua, bán và sử dụng trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và thuốc pháo. 99,8% số đối tượng trong diện đã nghiêm túc thực hiện việc ký cam kết.

Lực lượng công an các cấp đã tổ chức gần 1.700 buổi tuyên truyền với hơn 18.000 người dân tham gia, 268 lượt tuyên truyền vận động cá biệt cho 32 đối tượng nghi vấn tàng trữ, sử dụng trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ… Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí trong và ngoài lực lượng công an đẩy mạnh tuyên truyền nội dung Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ cùng Nghị định 137/2020/NĐ-CP ngày 27-11-2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo để người dân, các cơ quan, tổ chức nghiêm túc chấp hành các quy định của Nhà nước về pháo; tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn các hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại pháo, thuốc pháo.

Vũ khí thô sơ có tính sát thương đã trở thành nỗi kinh hoàng của nhân dân

Bên cạnh đó, CATP đã cung cấp đường dây nóng qua Fanpage, cổng thông tin điện tử và các phương tiện thông tin, truyền thông khác để vận động người dân nâng cao ý thức phòng ngừa, tích cực tố giác các hành vi vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ công cụ hỗ trợ và pháo.

Trong quá trình thực hiện cao điểm, qua công tác đấu tranh xử lý, lực lượng công an toàn thành phố đã phát hiện, điều tra, khám phá 87 vụ với 174 đối tượng; trong đó đã khởi tố 26 vụ, 82 đối tượng; xử phạt vi phạm hành chính 25 vụ, 28 đối tượng, thu số tiền 222 triệu đồng, tiếp tục đấu tranh làm rõ với các vụ việc còn lại; thu hồi, thu giữ 338 khẩu súng các loại, gần 2.200 viên đạn, 12 quả lựu đạn, đầu đạn các loại, hơn 1.000 công cụ hỗ trợ, 1.004 vũ khí thô sơ và 87 hộp linh kiện vũ khí. Đáng chú ý, trong cao điểm, CATP Hà Nội đã phá thành công 1 chuyên án, bắt 4 đối tượng có hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ, qua vụ việc thu giữ 10 khẩu súng, 115 viên đạn và 6 công cụ hỗ trợ cùng nhiều công cụ, phương tiện để chế tạo súng.

Về công tác thu hồi, trong cao điểm từ ngày 15-12-2023 đến ngày 29-2-2024, thông qua các hình thức tuyên truyền, vận động, các đơn vị thuộc CATP đã tiếp nhận, thu hồi được 310 khẩu súng các loại; 1.880 viên đạn các loại; 12 quả lựu đạn, đầu đạn các loại; 2 kíp nổ; 417 công cụ hỗ trợ; 978 vũ khí thô sơ và 87 hộp linh kiện vũ khí. So với cùng kỳ cao điểm, số lượng vũ khí thu hồi được tăng 159 khẩu súng, 286 công cụ hỗ trợ, 434 vũ khí thô sơ. “Điều đó thể hiện ý thức của nhân dân thông qua công tác tuyên truyền của lực lượng công an đã tiến lên một bước. Người dân đã nhận thức được sự nguy hiểm của việc tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong gia đình, đã tự nguyện giao nộp. Cùng với đó là quyết tâm cao của lực lượng công an các đơn vị, địa phương đã không ngừng đấu tranh với các loại tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đảm bảo cuộc sống bình yên của nhân dân” - Trung tá Nguyễn Thành Lâm nhìn nhận.

Chặn đầu vào tội phạm

Theo chỉ huy Phòng Cảnh sát hình sự, công tác đấu tranh, phòng ngừa, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tại công an các đơn vị, địa phương thời gian qua bước đầu đã làm giảm tội phạm sử dụng các loại này. Đó là tín hiệu mừng nhưng trên thực tế, loại tội phạm sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ gây án vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp khó lường.

Trong tham luận tại Hội nghị sơ kết công tác công an quý I-2024 của Bộ Công an, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc CATP Hà Nội đã kiến nghị đề nghị đưa danh mục kinh doanh dao, kéo vào quản lý theo diện cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự. Đây cũng là một trong những biện pháp để hạn chế việc biến những vật dụng sinh hoạt thường ngày thành hung khí có tính sát thương cao, ảnh hưởng đến sự an toàn của người dân.

Cùng với đó, CATP Hà Nội kiến nghị Bộ Công an chỉ đạo tăng cường truyền thông chính sách trên ứng dụng VNeID và trên các trang mạng xã hội, báo chí về một số điểm mới của dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (sửa đổi); chú trọng vào các quy định mới như: nghiêm cấm mang trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đến nơi công cộng; che giấu, không tố giác, giúp người khác cải tạo, lắp ráp vũ khí, công cụ hỗ trợ; các quy định về dao có tính sát thương cao… Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ có liên quan chủ động tham mưu lãnh đạo Bộ tăng cường phối hợp trong công tác trao đổi thông tin, kiểm tra, phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (giữa Bộ Công an với Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Thông tin và Truyền thông…); tạo giải pháp hiệu quả trong phát hiện, đấu tranh, xử lý các hành vi lợi dụng mạng xã hội thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo. Ngăn chặn, cắt đứt nguồn cung vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo được vận chuyển qua các tuyến biên giới, thẩm lậu vào địa bàn nội địa…

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/bien-phap-thiet-thuc-han-che-nhung-vat-dung-bien-thanh-hung-khi-post571763.antd