Biến phế phẩm thành cát nhân tạo

tận dụng nguồn tài nguyên lớn nhưng bị 'lãng quên' lâu nay, Công ty CP Thiên Nam đã mạnh dạn đầu tư công nghệ biến phế phẩm của ngành than thành cát nhân tạo, góp phần bảo vệ môi trường.

Phế phẩm biến thành... tiền

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Quảng Ninh, các điểm khai thác cát trên địa bàn mới chỉ đáp ứng từ 10 - 15% nhu cầu. Hầu hết các đơn vị xây dựng sử dụng cát nhập từ các địa phương khác, chi phí vận chuyển cao. Do đó, việc sản xuất cát nhân tạo từ đá cát kết tại bãi thải đang mở ra hướng đi mới, bền vững cho ngành công nghiệp vật liệu xây dựng và phù hợp với nhu cầu phát triển.

Năm 2016, UBND tỉnh Quảng Ninh đồng ý, cho phép Công ty CP Thiên Nam đầu tư dự án thu hồi, chế biến đá cát kết tại các vị trí đầu tầng thải mỏ than khu vực bãi thải Đông Cao Sơn (bãi thải lớn của vùng than Cẩm Phả).

Hàng năm, lượng đất đá từ các mỏ thải ra khoảng 32 - 36 triệu tấn, tốn rất nhiều chi phí để xử lý. Ở giai đoạn 1, Công ty CP Thiên Nam đầu tư dây chuyền nghiền sàng, phân loại sản phẩm, công suất 550 tấn/giờ/dây chuyền. Sau khi sản xuất ra sản phẩm, được sự hướng dẫn của các Sở, ngành liên quan, Công ty CP Thiên Nam chủ động đưa cát nghiền đi giám định chất lượng. Đến nay, sản phẩm cát nghiền cho bê tông và vữa của Công ty được Viện Vật liệu (Bộ Xây dựng) giám định chất lượng đạt TCVN 9025-2012; Vinacontrol cấp Giấy chứng nhận Hợp quy sản phẩm QRCM0546 và Giấy chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015 QSV0722 và đạt TCVN 7570:2006.

Dây chuyền sản xuất cát nhân tạo

Ông Vũ Đình Kiên, Giám đốc Công ty CP Thiên Nam, TP. Cẩm Phả cho biết, các bãi thải ngành than ảnh hưởng trực tiếp đến các khu dân cư và hạ tầng giao thông, môi trường. Những bãi thải đất đá của ngành Than có 42% tỷ lệ đá cát kết có thể thu hồi tái chế thành vật liệu xây dựng, vật liệu san nền. Thực tế trên thế giới, cát nhân tạo được sử dụng rộng rãi, mang lại hiệu quả cao. Tôi đã mang mẫu đất đá của Việt Nam sang nước ngoài phân tích, nghiên cứu và kết quả ngoài sự mong đợi.

Quy trình sản xuất cát nghiền từ đá cát kết rất phức tạp, ban đầu, đất đá thải đổ vào máy cấp liệu rung, được tách ra ngoài theo băng chuyền về máy đập thô và được đưa vào máy kẹp hàm và máy nghiền phản kích. Sau công đoạn nghiền, đá được sàng phân loại theo các kích cỡ khác nhau rồi chuyển qua máy nghiền cát. Quá trình này làm cho vật liệu va đập chuyển động tương hỗ với tốc độ cao, ma sát giữa các nguyên liệu tạo thành sản phẩm cát thô. Sản phẩm tạo ra là những hạt cát 0 - 4mm được cấp vào máy rửa cát để loại bỏ tạp chất.

Bảo vệ môi trường bền vững

Cát nhân tạo có những tính chất đặc biệt như, hạt cát đồng đều, có thể điều chỉnh modul và tỷ lệ thành phần hạt theo từng yêu cầu cấp phối các loại bê tông khác nhau. Cát nhân tạo tiết kiệm xi măng, nhựa đường, rút ngắn thời gian thi công và tăng tuổi thọ công trình. Việc cát nghiền nhân tạo từ đá cát kết tại các bãi thải đang mở ra hướng đi mới lạ, hiệu quả của Quảng Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung.

Ngày 14/7/2017, Bộ Xây dựng có Văn bản số 1579/BXD-VLXD báo cáo Văn phòng Chính phủ về việc sản xuất và sử dụng cát nghiền cho bê tông và vữa của Công ty CP Thiên Nam đạt tiêu chuẩn cho bê tông và vữa là cần thiết và phù hợp với Nghị quyết số 46 ngày 9/6/2017 của Chính phủ.

Việc tận dụng đá từ bãi thải Đông Cao Sơn, giảm tải áp lực đất đá đổ thải, giảm nguy cơ trượt lở bãi thải khi thời tiết bất thường. Qua đó, cung ứng cát xây dựng và giảm việc khai thác tài nguyên cát tự nhiên từ lòng sông, hạn chế sạt lở.

Giá cát nghiền nhân tạo của Công ty CP Thiên Nam thấp hơn các loại cát trên thị trường từ 15 - 20%. Tại Quảng Ninh, cát nghiền nhân tạo được sử dụng trong một số công trình trọng điểm như: Dự án cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái... Ngoài ra, để nội địa hóa và tiến tới mang thương hiệu Việt Nam, Công ty CP Thiên Nam và Công ty CP Công nghiệp ô tô đang bắt tay nghiên cứu dây chuyền nhà máy sản xuất cát nghiền từ đá cát kết, với mục tiêu 90% do Việt Nam chế tạo, sản xuất và tiến tới làm chủ công nghệ.

Theo kết quả kiểm tra của Đoàn liên ngành do Sở Xây dựng Quảng Ninh chủ trì tại các trạm trộn bê tông thương phẩm và bê tông nhựa sử dụng cát nghiền nhân tạo của Công ty CP Thiên Nam sản xuất bê tông, các chỉ tiêu cơ lý tại hiện trường đạt TCVN 7570:2006. Do đó, hoàn toàn có thể áp dụng rộng rãi ở nhiều công trình, hạng mục xây dựng.

Đăng Hùng

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/moi-truong-va-phat-trien/201711/bien-phe-pham-thanh-cat-nhan-tao-2862464/