Biển Phước Hải, nhiều dự án du lịch bị bỏ hoang

Để có đất phục vụ các dự án du lịch triệu USD, rất nhiều người dân làng chài Phước Hải (huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã nhường lại mảnh đất canh tác, sinh sống bằng nghề nông- ngư cả trăm năm của dòng họ để phục vụ dự án du lịch, hứa hẹn sẽ đem lại sự phát triển vượt trội cho vùng quê biển này. Tuy nhiên, sau gần chục năm, nhiều dự án vẫn chưa được thực hiện để cỏ vẫn mọc um tùm, hoang vắng.

Một góc bờ biển Phước Hải với nhiều dự án bỏ hoang nhiều năm qua.

Thu hồi rồi chậm triển khai, người dân thiệt thòi

Bà S (xin được giấu tên) đã 64 tuổi là một người dân Phước Hải “gộc”, từ đời ông cha bà đã sinh sống, canh tác tại vùng biển Phước Hải. Từ năm 1931, gia đình bà đã được cấp chủ quyền trên mảnh đất hơn 15.000m2 nằm một bên biển Phước Hải và gia đình bà coi đó là tài sản dành dụm cho cả 9 người con, trong đó có bà S. Toàn bộ diện tích đó, gia đình bà trồng chủ yếu cây tràm và cứ 2-3 năm thì gia đình bà lại thu hoạch được từ 30-40 triệu đồng.

Nhưng đến khoảng năm 2010, dự án xây dựng sân golf và dịch vụ Hương Sen đổ về Phước Hải, mảnh đất gia tài của gia đình bà S cùng nhiều hộ dân khác đang trồng tràm, trồng lúa bị nằm trong diện bị thu hồi trắng để phục vụ dự án.

Sau khi thông báo được đưa ra, quyết định thu hồi đất cũng nhanh chóng về tới tay, gia đình bà S được bồi thường hơn 2,4 tỉ đồng cho toàn bộ diện tích hơn 15.000m2 đất, cây tràm và nhà cửa.

Bà S nói: “Hồi đó người ta đã trả cho gia đình tôi số tiền 7-8 tỉ đồng mà chưa bán vì đó là tài sản ba mẹ tôi dự tính để lại cho 9 anh em tôi. Nhưng đến giờ thì địa phương thu hồi lại phục vụ dự án nhưng bồi thường chưa được 3 tỉ đồng”.

Bà S cho biết: “Vào năm 2000, khi mở rộng đường Long Phú - Minh Đạm, gia đình tôi có hiến phần đất có diện tích gần 1.000m2 mà không hề nhận một đồng tiền bồi thường hỗ trợ của Nhà nước, nhưng nay ngược lại, thu hồi hết hơn 15.000m2 đất nhà tôi mà trong quyết định thu hồi đất có ghi mức hỗ trợ chỉ bằng 0,5 lần giá đất nông nghiệp là quá thấp so với giá trị ngoài thị trường.

Các hộ lân cận không thuộc diện quy hoạch thì được bán theo giá thị trường cao gấp 4 lần so với giá đất địa phương đền bù, mà vị trí đất của tôi lại nằm ở mặt tiền đường có chiều dài gần 200m. Tại sao lại thu hồi đất của tôi với giá rẻ “bèo” như vậy?”.

“Tôi hoàn toàn đồng ý việc làm khu du lịch để phát triển kinh tế, nhưng chủ đầu tư phải là người thỏa thuận với chủ đất là chúng tôi chứ không phải thông qua địa phương để thu hồi với mức giá thấp như vậy vì ngoài chỗ tôi trồng cây tràm còn nhiều nơi người dân còn trồng lúa, hàng chục hộ như vậy. Phải chi cứ để người dân chúng tôi trồng trọt, canh tác để đến khi nào nhà đầu tư có đủ năng lực thì mới liên hệ mua đất” - bà S nói.

Tuy nhiên, điều mà bà S cảm thấy buồn nhất là từ lúc thu hồi đất đến nay đã khoảng 8 năm mà dự án vẫn chưa được triển khai, cỏ vẫn mọc hoang từng ngày.

“Mỗi lần đi ngang qua khu đất của mình, tôi lại cảm thấy xót” - bà S kể lại: “Dự án này đã quy hoạch rất lâu rồi, từ năm 2003 thì tôi đã biết có dự án và gia đình tôi khi đó cũng chỉ sản xuất cầm chừng mà không dám mở rộng để đầu tư, rồi đến bảy năm sau mới tiến hành thu hồi và để hoang đến tận bây giờ”.

Bà S hiện giờ đã phải chuyển qua buôn bán, còn miếng đất nhỏ thì trồng cây ăn trái. Ông H - là anh trai của bà S, cũng chia sẻ: “Phần đất bị thu hồi trên do ba mẹ chúng tôi để lại cho 9 người con trong gia đình do bà S đứng tên, sau khi bị thu hồi chúng tôi cũng không còn đất riêng để xây cất nhà đất riêng, tôi có gia đình và có 2 con trưởng thành nhưng vẫn phải sống tạm bợ bên nhà vợ, tôi cũng xin chính quyền địa phương được cấp một lô đất để ổn định cuộc sống, nhưng họ chỉ hứa mà chưa thấy đất ở đâu…”.

Một dự án bị bỏ không hoang phí.

Xây hàng rào rồi để cỏ mọc um tùm

Trường hợp của bà S cũng chỉ là một trong nhiều trường hợp người dân bị thu hồi đất để phục vụ các dự án du lịch rồi đất bị bỏ hoang.

Theo điều tra của PV Báo Lao Động, một dự án khác là dự án Khu du lịch Minh Đạm tại thị trấn Phước Hải được chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2003, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã ban hành quyết định phê duyệt kinh phí bồi thường hỗ trợ thu hồi đất phục vụ dự án Khu du lịch Minh Đạm là hơn 3,5 tỉ đồng chia làm 3 đợt. Toàn bộ diện tích bị thu hồi là hơn 163.000m2 đất bao gồm 2 lô A và lô B tại thị trấn Phước Hải, giao cho dự án du lịch hơn 157.000m2. Điều đó cho thấy rất nhiều người dân và cũng rất nhiều diện tích đất đã được thu hồi để phục vụ dự án.

Nhưng nay, dự án vẫn đang nằm trên giấy, UBND tỉnh đã ra quyết định thu hồi dự án này, hiện trạng đất vẫn là đất trống bỏ hoang, chỉ được dựng rào tạm bằng tôn.

Còn dự án Sân golf và dịch vụ Hương Sen có diện thích trên 90ha - nơi mà bà S và nhiều hộ dân khác bị thu hồi hàng chục ngàn mét vuông đất - cũng đang là hiện trạng… đất trống.

Mãi đến năm 2017 tỉnh mới có công văn về việc chấm dứt hoạt động của dự án này, nhưng đến năm 2018 chủ đầu tư lại tiếp tục có đơn khiếu nại về việc thu hồi dự án.

“Mục sở thị” các dự án bị bỏ hoang, từ trung tâm thị trấn Phước Hải chạy dọc con đường ven biển ra tới đèo Nước Ngọt, đoạn giáp ranh với thị trấn Long Hải, chúng tôi không khỏi xót xa bởi hai bên đường là rất nhiều dự án bị bỏ hoang nhiều năm nay. Có những dự án chỉ kịp dựng hàng rào tôn lên rồi để đó, bây giờ hàng rào bằng tôn cũng bị gió bão xô ngã chỏng chơ, dấu vết hoen gỉ cũng cho thấy dự án đã bị bỏ hoang rất nhiều năm, những bãi cọc bêtông, gạch đá xây dựng cũng nằm trơ với mưa nắng, mặc cho cây cối mọc bò hoang dại.

Tại Khu du lịch Thùy Dương, hàng rào được xây kiên cố xếp mái ngói đỏ trông khá đẹp mắt, chạy dài dọc bãi biển nhưng nhiều đoạn bên trong hàng rào cũng chỉ là cây cỏ mọc hoang, không thấy bóng người.

Nhiều đoạn bãi biển hai bên là hàng cây dương cũng đang trở thành nơi chăn bò, xả rác của nhiều người dân. Ông Võ Thanh Phượng - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phước Hải, H.Đất Đỏ - cũng ngán ngẩm: Các dự án thường có “chiêu trò” cứ làm được một chút rồi lại xin điều chỉnh tiến độ, giãn tiến độ. Như dự án xây dựng sân golf và dịch vụ Hương Sen bây giờ cứ vào 2 ngày cuối tuần là chúng tôi phải đưa lực lượng công an xuống chỉ để làm mỗi nhiệm vụ canh giữ không cho người dân vào xả rác vì dự án không được triển khai đã trở thành nơi người dân khắp nơi về vui chơi và xả rác. Một năm chúng tôi cũng tốn “bộn tiền” để gom rác.

HÀ ANH CHIẾN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/bien-phuoc-hai-nhieu-du-an-du-lich-bi-bo-hoang-628515.ldo