Biến quá khứ thành di sản của tương lai trên vùng đất hoa lửa Điện Biên

Tháng 5, đường lên Điện Biên quanh co, núi đồi trùng điệp, cánh đồng Mường Thanh lúa đang lên tươi tốt, trải rộng ngút ngàn.

Bức tranh thiên nhiên rực rỡ, đầy sức sống cùng với những chứng tích bi tráng, hào hùng của Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” 70 năm trước khiến cho bước chân du khách thêm hân hoan trên vùng đất hoa lửa vào tháng 5 lịch sử.

Điện Biên - điểm hẹn lịch sử. Ảnh: Đỗ Nga

Quần thể di tích chiến trường, nguồn tài nguyên riêng có

Bên dòng sông Nậm Rốm huyền thoại vẫn cuộn chảy, cánh đồng Mường Thanh rộng lớn miền Tây Bắc như đang ôm trọn ký ức của chiến trường xưa, ông Nguyễn Hữu Thiện- cựu chiến binh (Quế Võ, Bắc Ninh) xúc động được đặt chân trên đồi A1- trận địa oanh liệt trong chiến dịch Điện Biên Phủ, với những hàng dây thép gai, hầm hào công sự, lô cốt hiện hữu… “Chúng tôi như được sống trong những thời khắc hào hùng của cả dân tộc từ 70 năm trước. Cảm xúc, niềm tự hào trào dâng thật khó diễn tả bằng lời”- ông Thiện nói.

Hòa trong không khí về vùng chiến địa của muôn triệu con tim đất Việt, trước ngày kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ ông vinh dự được tham gia một sự kiện ý nghĩa tại Điện Biên. Trong cảm nhận của riêng mình, ông cho hay, mảnh đất hoa lửa Điện Biên đang đổi thay khang trang, nhưng trên hết những chứng tích của chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn đó, trầm mặc với thời gian trong lòng vựa lúa Mường Thanh để mỗi du khách, mỗi người dân luôn có cơ hội tìm về với quá khứ lịch sử oanh liệt của dân tộc.

Những chứng tích bi tráng, hào hùng của Chiến dịch Điện Biên Phủ trầm mặc với thời gian, là điểm hẹn để mỗi người dân tìm về với lịch sử oanh liệt của dân tộc. Ảnh: Chảo Mắn On

Lán làm việc của Ban thông tin Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Đỗ Nga

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên, hiện Quần thể di tích Chiến trường Ðiện Biên Phủ có 45 điểm di tích thành phần, trong đó các điểm được đưa vào phục vụ khách tham quan bao gồm: Đồi A1, Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Hầm Đờ-cát, Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đặc biệt, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là điểm đến không thể thiếu của du khách trong hành trình khám phá Điện Biên. Sức hút chủ yếu đến từ bức tranh Panorama chiến dịch Điện Biên Phủ - bức tranh lớn nhất Đông Nam Á, một trong ba bức tranh lớn nhất trên thế giới.

Thời gian qua, Quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ luôn được xem là di sản tinh thần quý báu của quân và dân tỉnh Điện Biên, đặc biệt giữ vai trò quan trọng trong định hướng thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh Điện Biên. Với ý nghĩa đó, Ðề án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Chiến trường Ðiện Biên Phủ đến năm 2030 hiện đang được cả hệ thống chính trị Điện Biên quyết liệt thực hiện, nhằm xây dựng Điện Biên trở thành trung tâm du lịch của khu vực Tây Bắc.

Quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ luôn được xem là di sản tinh thần quý báu của quân và dân tỉnh Điện Biên. Ảnh: Chảo Mắn On

Để đẩy mạnh việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích chiến trường Điện Biên Phủ cho xứng tầm phục vụ phát triển du lịch, ông Vừ A Bằng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết, tỉnh Điện Biên đã và đang thực hiện đề án bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử Điện Biên Phủ thông qua việc huy động các nguồn lực từ ngân sách nhà nước và của cả xã hội để trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử này. Qua đó, để vừa mang tính giáo dục truyền thống, vừa tạo ra những sản phẩm du lịch lịch sử hấp dẫn cho Điện Biên; đồng thời vừa phát huy nguồn tài nguyên du lịch nhân văn riêng có của địa phương.

Hướng tới thành điểm hẹn hấp dẫn vùng Trung du miền núi phía Bắc

Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 7/5/2021 của Tỉnh ủy Điện Biên và Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ: Lấy du lịch là kinh tế mũi nhọn để phát triển, trong đó, xác định “Phát triển du lịch là nhiệm vụ xuyên suốt, lâu dài và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Với tầm nhìn chiến lược này, tỉnh Điện Biên xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và dựa trên ba trụ cột chính: Du lịch lịch sử - tâm linh văn hóa; du lịch sinh thái, khám phá cảnh quan thiên nhiên và du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe.

Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là điểm đến không thể thiếu của du khách trong hành trình khám phá Điện Biên. Ảnh: Hoa Quỳnh

Để phục vụ, phát triển du lịch xứng tầm, thời gian qua, tỉnh Điện Biên đã tập trung cải thiện, nâng cấp hạ tầng gắn với phát triển du lịch. Theo đó, giai đoạn 2021-2023, tỉnh Điện Biên đã đầu tư trên 5.000 tỷ đồng phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, du lịch, dịch vụ, khách sạn, vui chơi giải trí.

Đáng chú ý, cuối năm 2023, Dự án xây dựng, mở rộng Cảng hàng không Điện Biên hoàn thành và đã đón các chuyến bay bằng máy bay hiện đại, cỡ lớn như A320, A321 từ hai trung tâm kinh tế là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; khánh thành cầu Thanh Bình bắc qua sông Nậm Rốm, đây là công trình giao thông rất quan trọng nằm ở khu vực trung tâm TP Điện Biên nối với các phường Thanh Bình, Thanh Trường, Cảng Hàng không Điện Biên, là nút thắt giao thông từ nhiều năm nay cần được tháo gỡ.

Năm 2024, thực hiện hai sự kiện lớn là đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2024, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, vì vậy, ông Phạm Văn Thăng, Trưởng Phòng Quản lý Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên cho biết, tỉnh Điện Biên đã ban hành kế hoạch tổ chức, đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu về giao thông, hạ tầng đô thị, chỉnh trang đô thị, khu, điểm du lịch.

Cùng với đó, địa phương khuyến khích nâng cấp, mở rộng quy mô cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng, trung tâm mua sắm phục vụ du khách; trùng tu, tôn tạo điểm di tích văn hóa, lịch sử, nhất là Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, đưa vào khai thác các công trình tiêu biểu như: Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ, bức tranh Panaroma trong Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Mường Phăng… nhằm kịp phục vụ nhân dân và thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và nước ngoài đến thăm Điện Biên.

Khách du lịch thăm quan khu Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Đỗ Nga

Tính cả giai đoạn 2021 - 2023, Điện Biên đón gần 2,2 triệu lượt khách du lịch, trong đó có khoảng 13,38 nghìn lượt khách quốc tế. Tốc độ tăng trưởng bình quân lĩnh vực du lịch đạt 23,6%/năm; tổng doanh thu từ du lịch đạt gần 3.700 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng khách bình quân đạt 26,4%/năm.

Những kết quả đạt được đang là xung lực để tỉnh Điện Biên hiện thực đặt mục tiêu trong năm 2024 đón 1,3 triệu lượt khách du lịch, tổng doanh thu từ hoạt động này đạt khoảng 2.200 tỷ đồng; năm 2025, đạt hơn 1,45 triệu lượt khách, tổng doanh thu hơn 2.380 tỷ đồng; đến năm 2030, đạt tương ứng hơn 2,65 triệu lượt và hơn 5.000 tỷ đồng.

Để hiện thực hóa mục tiêu đề ra, ông Phạm Văn Thăng cho biết, hiện tỉnh Điện Biên đang tập trung khai thác nguồn lực để thực hiện xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng về lịch sử, văn hóa, sinh thái, du lịch văn hóa, cộng đồng, sinh thái mới; các sản phẩm du lịch chất lượng cao như đua thuyền, dù lượn, xem biểu diễn thực cảnh, tắm nước khoáng nóng và trị liệu độc đáo, hấp dẫn để thu hút, kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch.

"Khó khăn và thử thách đang phải đối diện để cán đích mục tiêu đề ra còn rất lớn, tuy nhiên, với tiềm năng, lợi thế cũng như quyết tâm của cả hệ thống chính trị, ngành du lịch Điện Biên sẽ có những bứt phá mới trong thời gian tới, sớm đưa Điện Biên trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của vùng Trung du miền núi phía Bắc"- ông Phạm Văn Thăng chia sẻ.

Bảo Thoa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bien-qua-khu-thanh-di-san-cua-tuong-lai-tren-vung-dat-hoa-lua-dien-bien-318461-318461.html