Biến sông Tô Lịch thành công viên: Mơ hồ hay khả thi?

JVE muốn cải tạo sông Tô Lịch trở thành Công viên lịch sử-văn hóa-tâm linh bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản.

Phải xem xét kỹ càng

Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE) - doanh nghiệp từng thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano - Bioreactor, vừa gửi tới Thành ủy, UBND TP Hà Nội đề xuất giải pháp tổng thể, cải tạo sông Tô Lịch trở thành “Công viên lịch sử-văn hóa-tâm linh” bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản.

Theo doanh nghiệp này, để có thể hồi sinh sông Tô Lịch đúng nghĩa thì cần phải có giải pháp tổng thể để giải quyết toàn bộ các vấn đề như: vấn đề thu gom nước thải; vấn đề cấp nước bổ cập cho sông sau khi thu gom hết nước thải; vấn đề xử lý triệt để tận gốc nguồn gây ra mùi hôi thối; vấn đề xử lý tầng bùn đáy; vấn đề xử lý nước đã bị ô nhiễm ở trong lòng sông; vấn đề thoát nước chống ngập khi mưa bão; vấn đề bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh; vấn đề phát triển du lịch...

Trao đổi với Đất Việt về đề xuất này, GS.TSKH Trần Hữu Uyển, nguyên Viện trưởng Viện Cấp thoát nước Việt Nam cho rằng, ý tưởng của JVE thì hay nhưng ông cảm thấy "mơ hồ" khi doanh nghiệp này muốn khôi phục sông Tô Lịch theo hướng du lịch tâm lịch.

"Tôi nghĩ mục tiêu lớn nhất là xử lý ô nhiễm, cải tạo con sông Tô Lịch, rồi sau mới tính đến những việc khác. Cần có một hội đồng khoa học tập hợp các chuyên gia, nhà khoa học bàn bạc kỹ, cho ý kiến về việc cải tạo này cũng như các giải pháp cụ thể để khôi phục dòng sông", GS Uyển nói.

Phối cảnh sông Tô Lịch sau cải tạo theo đề xuất của Công ty JVE.

Trong khi đó, hoan nghênh thiện chí của JVE, PGS.TS Đào Trọng Tứ, chuyên gia Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) cho biết, hiện nay Trung tâm của ông của đang thực hiện một đề tài mang tính chất phản biện, đánh giá các giải pháp đã thực hiện để phục hồi sông hồ Hà Nội.

Ông cũng đã theo dõi thông tin về đề xuất của JVE và xem cả phối cảnh sông Tô Lịch sau cải tạo theo đề xuất của công ty này. Theo phối cảnh đó, sông Tô Lịch sẽ kè thẳng đứng và kè đáy (mở rộng mặt cắt lòng sông, bỏ mái cỏ hiện nay). Dọc hai bên sông là hàng cây, đường đi dạo với không khí trong lành. Sông Tô Lịch được hồi sinh với nước trong ngần, cá bơi lội tung tăng, hai bên bờ là những thảm thực vật, những hàng cây đầy hoa lá hương thơm ngào ngạt.

Trên sông là dịch vụ thuyền rồng du lịch chở khách thăm quan, chiêm ngưỡng vẻ đẹp đầy sắc màu. Suốt dọc hai bên sông luôn là những nơi sạch nhất, đẹp nhất, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí của mọi người dân Hà Nội và khách du lịch trong và ngoài nước. Dọc theo bờ sông dài 15km sẽ tái hiện chiều dài lịch sử Việt Nam…

Theo PGS.TS Đào Trọng Tứ, về kỹ thuật vẽ như trên không có gì khó, song về mặt khoa học phải xem xét cho thật kỹ càng.

Trước hết, Hà Nội có 6 con sông chết, ngoài Tô Lịch có sông Nhuệ, sông Đáy, sông Kim Ngưu, Lừ, Sét. Các con sông này đều đang ở trong tình trạng ô nhiễm tồi tệ, tại sao doanh nghiệp chỉ chọn sông Tô Lịch để đề xuất cải tạo, từ đó xây dựng Công viên lịch sử-văn hóa-tâm linh mà không có các con sông khác?

Thứ hai, các nhà khoa học và nhà quản lý đều đã xác định giải pháp cơ bản để cứu sông Tô Lịch gồm 2 bước: Một là, sông Tô Lịch hiện nay chỉ có nguồn nước duy nhất là nước thải, phải xử lý càng triệt để càng tốt nguồn nước thải sinh hoạt trước khi đưa nó trở lại sông Tô Lịch.

Hai là, phải bổ cập nước cho sông Tô Lịch để vừa hỗ trợ làm sạch thêm, vừa đảm bảo sông có dòng chảy tương đối.

Trước đề xuất này, JVE đã có dự án ồn ào sử dụng thí điểm công nghệ Nano - Bioreactor để làm sạch một đoạn sông Tô Lịch. Ở thời điểm họ bắt đầu, dù vui mừng có dự án thí điểm làm sạch sông Tô Lịch, song ông Tứ đã nhận định đó là giải pháp không thành công, bởi làm sạch sông khác với làm sạch hồ, sông phải có dòng chảy. JVE sử dụng công nghệ Nano-Bioreactor để làm sạch sông Tô Lịch, nhưng nước thải sinh hoạt vẫn cứ đổ vào sông thì ô nhiễm vẫn cứ hoàn ô nhiễm.

"Sau khi phải dừng dự án đó lại, giờ JVE lại muốn cứu sông Tô Lịch theo hướng du lịch tâm linh. Tại sao trước đây họ không đề cập chuyện đó? Hoặc đây có thể là từng bước đi của họ, chúng ta chỉ có thể chờ đợi và hy vọng", PGS.TS Đào Trọng Tứ nói và bày tỏ mong muốn được gặp gỡ lãnh đạo JVE để trao đổi về ý tưởng của họ.

Những bài học hồi sinh dòng sông chết

Theo PGS.TS Đào Trọng Tứ, ở Hà Nội, trừ sông Hồng, các con sông khác đều đang ở trong tình trạng ô nhiễm nặng nề do nước thải sinh hoạt, nước thải từ làng nghề đổ xuống. Thế nhưng, ngay cả sông Hồng cũng đang vô cùng nhếch nhác. Những ai từng trải nghiệm chuyến du lịch bằng tàu dọc sông Hồng ở Hà Nội đều thấy buồn về tình trạng lấn chiếm, đổ phế thải dọc bờ sông.

Trong khi Hà Nội đang loay hoay với các dòng sông của mình thì nhiều nơi đã thành công trong việc làm sống lại những con sông "chết".

PGS.TS Đào Trọng Tứ dẫn hai ví dụ. Thứ nhất là Hàn Quốc phục hồi thành công sông Cheonggyecheon, hay còn gọi là Cheonggye. Đây là con sông chảy giữa lòng thủ đô Seoul của Hàn Quốc, gắn liền với lịch sử lâu đời của thành phố này.

Từng bị biến thành cống nước xấu xí của thành phố, nhưng năm 2002, ông Lee Myung-bak đắc cử chức thị trưởng Seoul với cam kết khôi phục suối Cheonggyecheon (sau này ông Lee trở thành Tổng thống Hàn Quốc thứ 10).

Cảnh quan khu vực trung tâm sau khi cải tạo dòng Cheonggyecheon, Hàn Quốc

Dự án khởi công từ tháng 7/2003 với kinh phí lên đến 900 triệu USD, bắt đầu với khâu tháo dỡ cầu vượt và phá đường cao tốc Cheonggye trước khi hồi sinh dòng chảy dài hơn 5 km qua trung tâm thành phố Seoul sau một tháng. Do con sông gần như cạn khô, hàng ngày khoảng 120.000 tấn nước từ sông Hàn, phụ lưu và mạch nước ngầm được bơm vào 4 điểm chính để phục hồi thủy lộ.

Tháng 10/2005, dòng sông Cheonggye được khai thông sau 47 năm kể từ ngày bị lấp. Môi trường trong lành còn thu hút các loài chim, cá và côn trùng về trú ngụ. Theo một báo cáo năm 2009, số lượng các loài chim sống ven suối tăng từ 6 lên 36, các loài cá tăng từ 4 đến 25 và các loài côn trùng từ 15 tăng lên 192.

Dòng suối còn có thác nước, cầu đi bộ, đường chạy cho người dân rèn thể lực, hai hàng cây xanh bên bờ dài 8 km, một công viên 400 ha. Một số nghiên cứu cho thấy dòng nước còn giúp giảm 3-4 độ C nhiệt độ trung bình của khu vực trung tâm Seoul.

Như vậy, từ một dòng sông "chết", Cheonggye trở thành không gian ngập bóng cây xanh cho người dân thư giãn, hàng trăm triệu khách du lịch ghé thăm kể từ ngày mở cửa.

Trường hợp thứ hai là TP.HCM làm sống lại kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, biến nó từ một dòng kênh đen ngòm, hôi thối, đầy rác ngày nào giờ trở thành nơi tổ chức hoạt động vui chơi và nơi ai cũng muốn ngắm khi tới Sài Gòn. TP.HCM đã thực hiện dự án cứu con kênh này với một tiến trình chặt chẽ, bài bản và khoa học.

Bởi vậy, một lần nữa, PGS.TS Đào Trọng Tứ bày tỏ hy vọng Hà Nội có thể hồi sinh các con sông của mình. Đặc biệt, với con sông duy nhất còn “sống” là sông Hồng, ông cho rằng Hà Nội cần có các biện pháp bảo vệ, chỉnh trang khu vực hai bờ con sông này trước khi quá muộn.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/bien-song-to-lich-thanh-cong-vien-mo-ho-hay-kha-thi-3419155/