Biến thách thức thành cơ hội

Phân tích những điểm mới liên quan đến vấn đề lao động ở Việt Nam, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu chỉ ra 3 điểm quan trọng nhất, đó là: Đình công, lao động cưỡng bức và công việc không sử dụng lao động nữ. Ngoài ra, còn có các vấn đề như thương lượng tập thể, lao động trẻ em, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương tối thiểu…

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu chủ trì hội thảo

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu chủ trì hội thảo

Chủ động đón nhận thách thức

Ngày 3/12, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức Hội thảo “Vai trò của tổ chức Công đoàn trong bối cảnh thực thi tiêu chuẩn lao động quốc tế tại Việt Nam”. Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã tham gia các Hiệp định tự do thế hệ mới, trong đó có các tiêu chuẩn lao động quốc tế sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người lao động, cũng như tạo các cơ hội để tổ chức Công đoàn tổ chức các hoạt động chăm lo người lao động được tốt hơn…

Trao đổi về “Những cơ hội và thách thức khi Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (AVFTA)”, ông Ngọ Duy Hiểu khẳng định: CPTPP được đánh giá là Hiệp định thương mại tự do chất lượng cao, với mức độ cam kết sâu nhất từ trước đến nay - không chỉ đề cập đến các lĩnh vực truyền thống mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như: Lao động, môi trường, mua sắm công, doanh nghiệp nhà nước, xóa đói giảm nghèo, phòng chống tham nhũng...

Bên cạnh đó, CPTPP thể hiện sự toàn diện và tiến bộ, bảo đảm quyền lợi thiết thực đối với mọi người dân (người dân các nước thành viên đều được hưởng lợi từ các hoạt động thương mại, đầu tư, cơ hội việc làm…).

Phân tích những điểm mới liên quan đến vấn đề lao động ở Việt Nam, ông Ngọ Duy Hiểu chỉ ra 3 điểm quan trọng nhất, đó là: Đình công, lao động cưỡng bức và công việc không sử dụng lao động nữ. Ngoài ra còn có các vấn đề như thương lượng tập thể, lao động trẻ em, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương tối thiểu…

Cụ thể, Hiệp định CPTPP và EVFTA yêu cầu các nước thành viên có nghĩa vụ tôn trọng, thúc đẩy và thực thi các tiêu chuẩn lao động quốc tế được nêu trong Tuyên bố 1998 của ILO, đó là: Quyền tự do liên kết và công nhận hiệu quả quyền thương lượng tập thể; xóa bỏ tất cả các hình thức lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc; bãi bỏ lao động trẻ em, cấm những hình thức lao động trẻ em tệ hại nhất; không phân biệt đối xử trong lao động và nghề nghiệp.

Nhận định những tác động tích cực về kinh tế, lao động – việc làm, lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết: Thị trường các nước trong CPTPP và EU có quy mô lớn, hiện đại, có tầm quan trọng lớn đối với Việt Nam. Theo đó, người lao động có cơ hội học hỏi tiến bộ khoa học - công nghệ, từ đó nâng cao trình độ tay nghề; có nhiều cơ hội lựa chọn nghề nghiệp, việc làm, cơ hội có thu nhập cao…

Tham gia CPTPP và EUFTA sẽ giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn vào thị trường tài chính thế giới; mở ra cơ hội thu hút đầu tư, hợp tác với các nước thành viên, nhằm hiện đại hóa sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất trên phạm vi toàn cầu…

Về tác động ngành, các ngành dự kiến có mức tăng trưởng lớn là: Thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, dệt may, một số phân ngành sản xuất và dịch vụ. Đặc biệt, với các tiêu chuẩn rất cao về quản trị minh bạch, các Hiệp định sẽ góp phần giúp chúng ta tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương...

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cũng chỉ rõ những tác động tiêu cực đến lao động, việc làm khi Việt Nam tham gia CPTPP và EUFTA. Đó là Việt Nam có nguồn nhân lực khá dồi dào nhưng chất lượng thấp, lực lượng lao động kỹ thuật cao còn hạn chế. Về việc làm, sẽ có sự cạnh tranh giữa các ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp trong và ngoài nước; một bộ phận người lao động sẽ mất việc làm (nhất là các ngành thâm dụng lao động). Về tiền lương: Do cạnh tranh, một số doanh nghiệp cắt giảm lao động, cắt giảm tiền lương và phúc lợi. Nguy cơ tăng khoảng cách thu nhập trong công nhân lao động.

Về chuyển dịch lao động, ông Hiểu cho rằng, sự di chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị giữa các doanh nghiệp với nhau sẽ gây ra những khó khăn về sinh hoạt, nhà ở, giáo dục, y tế… gây áp lực về giải quyết việc làm. Đồng thời, quan hệ lao động có nhiều thay đổi, việc bảo vệ người lao động trở nên phức tạp hơn…

Xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ

Trao đổi về “Những cơ hội và thách thức khi Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (AVFTA)”, ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh đến những thách thức trong việc phát triển đoàn viên, xây dựng công đoàn cơ sở, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là trong vấn đề đại diện, thương lượng, bảo vệ quyền lợi người lao động khi Bộ luật Lao động sửa đổi có hiệu lực và những giải pháp cơ bản cần tập trung trong thời gian tới.

Đối với Công đoàn, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh: Tham gia CPTPP và EUFTA sẽ góp phần tăng nhanh số lượng lao động và các doanh nghiệp - đây sẽ là nguồn phát triển đoàn viên và thành lập Công đoàn dồi dào cho tổ chức Công đoàn. Người lao động sẽ có nhu cầu được tổ chức Công đoàn quan tâm đến đời sống, việc làm, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng. Do đó, đây sẽ là điều kiện thuận lợi để Công đoàn Việt Nam tập hợp, vận động người lao động tham gia vào tổ chức của mình.

Bên cạnh đó, tham gia CPTPP và EVFTA cũng đòi hỏi hệ thống pháp luật nước ta phải hoàn thiện, phù hợp với thông lệ và pháp luật quốc tế. Vì vậy, đây là cơ hội cho Công đoàn Việt Nam tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động để có thể thu hút, tập hợp người lao động về tổ chức mình. Đồng thời thúc đẩy tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực lao động và Công đoàn.

Tuy nhiên, ông Ngọ Duy Hiểu cũng chỉ rõ những thách thức đối với tổ chức Công đoàn đó là lần đầu tiên vấn đề “đa Công đoàn” được quy định và áp dụng tại Việt Nam. Công đoàn Việt Nam vừa phải cạnh tranh với các tổ chức đại diện người lao động khác để thu hút, tập hợp, phát triển đoàn viên; đồng thời, vừa phải giữ vững vị trí, vai trò là tổ chức chính trị - xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng để đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động…

Từ những vấn đề nêu trên, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đề nghị thời gian tới, các cấp công đoàn cần đẩy mạnh tuyên truyền về nội dung, thời cơ và thách thức của CPTPP đối với Công đoàn Việt Nam đến cán bộ công đoàn, đoàn viên và người lao động. Bên cạnh đó, cần đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động công đoàn, để Công đoàn Việt Nam thực sự là tổ chức của người lao động, do người lao động, vì người lao động.

Đặc biệt, một trong những giải pháp Công đoàn Việt Nam cần tập trung là phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bảo Duy

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/bien-thach-thuc-thanh-co-hoi-100584.html