Biển, tình yêu và con đường mòn trên biển

Con đường mòn trên biển, con đường huyền thoại với biết bao kỳ tích trong cuộc chiến tranh chống xâm lược vì độc lập, thống nhất đất nước đã đi vào thơ ca, nhạc, họa... Đã có nhiều bài báo, nhiều bộ phim, nhiều bài thơ, bản nhạc mà tôi đã xem, đã đọc, đã nghe, cả câu chuyện do chính một trong những chiến sỹ trong đoàn tàu không số, chiến sỹ Đào Hồng Tuyển, giờ là 'chúa đảo' Tuần Châu kể lại.

Ấy vậy mà giờ đây khi đọc trường ca “Con đường thức” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2017) với gần 400 câu của nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú, tôi cảm thấy như vỡ òa cảm xúc , thấy mới mẻ, thấy như chính tôi đang tắm mình trong biển biếc của quê hương:

Tôi sinh ra biển đã có rồi
Biển đã có trong bào thai nước ối
Tôi đã tập bơi từ trong bóng tối
Đến một ngày vỡ sóng khóc
oa... oa... oa
Oa oa tiếng vỏ ốc tù và
Biển xoắn vào long
Hạt muối nuôi tôi cũng trèo lên gác bếp...

Gần đây tôi mới được biết nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú sinh ra và lớn lên ở làng biển Kim Đôi, cửa Sót, thuộc xã Thạch Kim ( Thạch Hà, Hà Tĩnh), nhưng tôi đã đọc những bài thơ về biển của Nguyễn Ngọc Phú từ lâu. Cho đến nay Nguyễn Ngọc Phú đã có ba tập thơ về biển là “Biến tấu biển”; “Biển và tôi” và trường ca “Con đường thức”.

Biển đã thấm vào máu thịt của nhà thơ, tình yêu biển của Nguyễn Ngọc Phú bắt đầu từ trong huyết quản, từ trong gia đình, từ tình yêu ban đầu trong sáng nhất...

Từ “Người cha ngồi xoắn lại dây neo”, “Người mẹ đêm đốt cá đầy đống than”; “Người bà nhặt vỏ bưởi phơi quăn mép nắng” và hơn thế nữa “Ta cất giữ linh hồn của biển/ Như cất giữ cục than hồng mẹ nướng cá đêm” để rồi: “Ta úp mặt vào cát/ Dâng lên tổ tiên hương khói ông bà”... (trích trường ca “Biển và tôi”).

Quê tôi cũng có làng biển. Tuy gia đình tôi không làm nghề chài lưới, nhưng thuở còn ở quê, tôi cũng lặn ngụp trong trong sóng biển, cũng nằm vui trong cát những đêm trăng, đi câu cá, đi vợt ruốc, mùi biển mặn cũng từng thấm vào da thịt, nên tôi thực sự xúc động khi đọc những vần thơ về biển của Nguyễn Ngọc Phú:

Những mảnh vỡ đời ta
Sóng ngậm trăng thổi dạt mạn thuyền
Ngọc trai đến, ngày bao quanh hạt cát...
(Những mảnh vỡ của trăng)
Có một ngày biển cùng em vượt cạn
Tôi rán cá lên thắp ngọn đèn dầu...

(Giao cảm)

Trong một bài viết về thơ Nguyễn Ngọc Phú, nhà thơ, nhà phê bình văn học Hà Quảng đã nhận xét khá chuẩn: “Đã có nhiều nhà thơ nói về biển, gửi tâm sự vào biển và đời người, biển và tình yêu, biển và chinh chiến... Nguyễn Ngọc Phú góp vào mảng thơ này một nét chân thành mà sâu lắng, trầm tư mà dữ dội... Ngọc Phú được mệnh danh là nhà thơ xứ biển, người con của biển, anh có nhiều tác phẩm thành công về biển trong mối thân tình mẹ con, người tình, biển trong trường ca này cũng vô cùng gắn bó ...” (Trích ĐẾN VỚI THƠ ĐƯƠNG ĐẠI).

Trở lại với trường ca “Con đường thức”, nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú đã thực sự sống trong sự kiện, hòa mình vào một sự kiện lịch sử, con đường lịch sử:

Tôi sinh năm 1959
Năm khai sinh con đường mòn trên biển
Khai sinh bến Nghiêng
Khai sinh tiểu đoàn sông Gianh
Khai sinh đoàn tầu không số...

Chỉ có những người con của biển như Nguyễn Ngọc Phú, với tình yêu biển, yêu quê hương xứ sở đến tận cùng máu thịt mới viết ra được những câu thơ tận cùng cảm xúc về một sự kiện đã qua, đã đi vào lịch sử:

Đất ngụy trang bằng cây
Tàu ngụy trang bằng lưới
Suốt đời chỉ mấy thước dây
Kéo đi kéo lại mòn tay
Nới và buông
Ghì và riết...
Nước biển xót xa mầu mực
Nước biển xót xa máu tươi
Nước biển xót xa mồ hôi...
Nước rụng vào với nước
Mặn tan vào với mặn
Muối xót vào với muối
Sóng lại kéo liền da thăm thẳm đến rợn người...

(Trích trường ca "Con đường thức")

Có phải trường ca thường thiên về sự kiện, mà sự kiện thì văn xuôi thành công hơn. Tôi đã đọc nhiều trường ca của các nhà thơ xứ mình, nhưng tôi không viết trường ca. Trước đây, tôi thiển nghĩ, trường ca chẳng qua là một bài thơ dài! Mà tôi vẫn quan niệm thơ phải ngắn, càng ngắn càng tốt, thơ phải “Ý tại ngôn ngoại”; lời ít, ý nhiều... Có thể quan niệm như thế là quá “cổ điển” chăng? Cho nên, khi đọc trường ca, tôi chỉ quan tâm đến những câu thơ trong đó có hay, có lay động lòng người không. Vậy nên, tôi không đi sâu phân tích cấu trúc, hình ảnh, sự kiện... trong trường ca “Con đường thức” của nguyễn Ngọc Phú. Tôi chỉ cảm nhận những câu thơ, khổ thơ hay về biển, về tình yêu, về quê hương, về hình tượng những người anh hùng không chỉ quả cảm mà còn tài ba, thông minh biết cách vượt qua muôn vàn khó khăn, nguy hiểm để chiến thắng:

Biển không dây mà chân người phải buộc...
Giờ hạ thủy những con tàu
Chở vũ khí vào Nam bằng con đường ngắn nhất...
Những múi neo cuộn sóng bắp tay
Cuộn sóng ngực trần
Cuộn sóng tâm tư khi chiều êm biển lặng
Họ đo lòng biển bằng sải tay Biết nông sâu bồi lở
Vạt buồm đi qua phấp phỏng vui buồn
Đêm rải cả một trời sao hạt giống...
Những thủy thủ đường mòn trên biển
Quá một bước be thuyền là chạm vào cái chết
Biển sẵn sang nuốt chửng đời anh...

(Trích trường ca "Con đường thức")

Tôi thực sự thích nhưng câu thơ như thế này:

Tát cạn lòng thuyền cũng chiếc mo cau
Sóng không ngã tay chèo
Sóng ngã vào lòng đất
Sóng chỉ ngã vào nơi mình yếu nhất
Đến bạc đầu vẫn chưa tỏ nông sâu...

Và nữa:

Buồm nhận về mình thân phận nhuộm nâu
Người đốt lá hui thuyền cho chông chênh bớt lật
Tuổi thơ tôi bơi vào điệu hát
Buồm ngã xuống bình yên, gấp nắng trả lại trời...

(Trích trường ca “Con đường thức”).

Đó thực sự là những vần thơ xúc động lòng người.

Con đường mòn trên biển cũng như con đường mòn trên bộ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đã đi vào huyền thoại, đã chứng minh đỉnh cao trí tuệ, đỉnh cao của lòng yêu nước, của chiến tranh nhân dân, của con người Việt Nam bất khuất. Và, khi đọc những dòng này trong trường ca “ Con đường thức”, tôi mới hiểu vì sao nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú lại gọi con đường mòn trên biển "Con đường thức":

Những con tàu được đóng bằng tấm lòng như thế
Thì con đường trên biển sao có thể mòn...
...Sóng muôn đời vẫn trắng
Muối muôn đời vẫn mặn
Con đường mòn
Trên biển
Có-mòn- đâu

(Viết tại nhà vườn Sóc Sơn, tháng 4-2018)
Dương Kỳ Anh

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/ly-luan/bien-tinh-yeu-va-con-duong-mon-tren-bien-491988/