Biến tướng đồng phục từ sau những cái bắt tay ngầm giữa doanh nghiệp và nhà trường

Ngày khai trường, hình ảnh các em học sinh trong bộ đồng phục mới tinh xếp hàng ngay ngắn, thật đẹp mắt. Nhưng đằng sau hình ảnh đẹp đó là câu chuyện 'thâm cung bí sử' với những tỷ lệ hoa hồng 'chìm', 'nổi' giữa các DN cung cấp đồng phục với nhà trường đang làm nặng gánh trên vai phụ huynh.

Mỗi bộ đồng phục của học sinh “gánh” bao nhiêu chi phí nổi, chi phí ngầm? (Ảnh minh họa)

Ăn chiết khấu % trên đồng phục của học sinh?

Bộ GD&ĐT đã có thông tư quy định về việc mặc đồng phục và lễ phục tốt nghiệp của học sinh, sinh viên. Thông tư có cả quy định phòng ngừa các hành vi trục lợi. Ví dụ: Tùy theo khí hậu, thời tiết các vùng, miền, căn cứ vào điều kiện của nhà trường, được cha mẹ học sinh đồng thuận về chủ trương, hiệu trưởng quyết định về kiểu dáng, màu sắc đồng phục. Việc tổ chức việc may hoặc mua đồng phục do ban đại diện cha mẹ học sinh thực hiện. Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn khác.

Anh Minh, chủ một DN chuyên cung cấp đồng phục (tại Hà Nội) đã từng cung cấp đồng phục học sinh cho trường học trên địa bàn Hà Nội tiết lộ, việc may đồng phục cho học sinh vẫn có sự kết nối giữa DN và nhà trường. Muốn được cung ứng đồng phục, ban đầu các đơn vị cùng chào hàng, đưa ra những điểm vượt trội của sản phẩm, từ mẫu mã, giá thành cho đến chất lượng sản phẩm. Nhưng điều đặc biệt là đơn vị được chọn chưa chắc đã có giá rẻ và chất lượng tốt nhất mà là “biết điều nhất”.

Theo anh Minh, ngay từ khi năm học mới chưa bắt đầu, các DN may mặc ở Hà Nội đã đổ xô tìm đến các trường học xin may đồng phục cho học sinh. Có DN còn xúc tiến công tác “săn đón” từ lúc năm học cũ mới bước sang học kỳ hai. Song để có được “suất” cung ứng đó, anh ví đó như một cuộc vượt cạn. “Dù có người quen giới thiệu nhưng mình đã phải chủ động tiếp cận hiệu trưởng từ năm học cũ. Phải dành nhiều thời gian tư vấn và mời đón lắm. Thậm chí đến phút cuối, có DN khác nhảy vào “đặt vấn đề” với nhà trường, mình suýt bị loại. May mà được người quen làm trong trường cho biết nên đã ứng phó kịp thời.” – anh Minh chia sẻ.

Nhớ lại câu chuyện giành giật hợp đồng với các DN khác, anh Minh kể, không ít DN, hòng kiếm được hợp đồng đã không ngần ngại đi “cửa sau”. DN sẵn sàng chi cho nhà trường khoản hoa hồng, thường từ 2- 5% trên tổng giá trị hợp đồng, có trường hợp đến 10%, nhưng đó chỉ là “bề nổi” bở những khoản chi rất “khó nói” và không phải ai cùng biết…

“Mức độ chiết khấu cho nhà trường cũng khác nhau nên chất lượng đồng phục cũng khác nhau. Nếu chiết khấu cao thì DN buộc phải chọn lựa chất liệu và nguyên liệu rẻ tiền thì may ra mới có lãi, nếu không cũng chẳng được là bao.Cũng có trường học không cần đến khoản hoa hồng nhưng lại quen may riêng chỗ người quen hay con cháu của hiệu trưởng nên các DN khác có cạnh tranh thế nào cũng “đứng ngoài mà khóc”…” - anh Minh cho biết thêm.

Cuộc chiến “hoa hồng” đổ lên giá cả, chất lượng sản phẩm

Chị H có con học tại quận Thanh Xuân so sánh: “Một chiếc áo trắng đồng phục nam, vải nilon mua tại trường của con là 145.000 đồng. Vẫn với chất liệu đó ra chợ mua chỉ có giá 85.000 đồng. Nếu mua áo của thương hiệu nổi tiếng như Việt Tiến, vải xịn, đường may nét căng giá cũng chỉ 100.000 đồng…”.

Một phụ huynh có con học ở Đống Đa (Hà Nội) thì than thở, đầu năm học mới này, chị phải đóng hơn 2 triệu đồng tiền đồng phục cho hai đứa con nhưng lại không hề yên tâm khi cho con mình mặc bộ đồng phục đó. Chất vải pha nhiều ni lông không thấm mồ hôi, chỉ sau vài lần giặt, đường may ở đũng quần hay thân áo đã rạn lỗ chỗ. “Khi đóng tiền đồng phục cho con tôi không nghĩ nó lại phải mặc cái váy quăn tít, suốt ngày phải là. Chất vải kém quá!” – vị phụ huynh than phiền.

Mặc dù phía trường không bắt buộc phải mua đồng phục hay mua bao nhiêu bộ đồng phục nhưng lại quy định các ngày trong tuần, thậm chí cả tuần phải mặc đồng phục nên dù đắt phụ huynh cũng phải “bấm bụng” mua cho con. Vị phụ huynh này kể tiếp, trường yêu cầu con mặc đồng phục cả tuần nên chị phải mua 2 bộ đồng phục cộc tay, 2 bộ dài tay, 2 bộ đồng phục thể dục (ngắn tay, dài tay)… hết gần 1,2 triệu đồng, chưa kể áo khoác mùa đông. Chưa hết, nhiều trường còn thay đổi mẫu đồng phục qua các năm học khiến phụ huynh chỉ biết chạy theo. Một phụ huynh có con học tiểu học thuộc quận Đống Đa than thở, nếu mua hết 3 bộ cho con (đồng phục ngắn- dài, thể thao ngắn) hết gần 800.000 đồng, riêng áo dài tay nếu mua lẻ cũng mất 175.000 đồng, còn đắt hơn áo người lớn…

Tiếng là có con học Hà Nội, nhưng thực tế, có nhiều gia đình, các bậc phụ huynh phải bỏ quê lên Hà Nội kiếm sống, thậm chí làm nghề đồng nát, cửu vạn, phải sống trong những khu nhà tạm, gầm cầu hay những căn phòng thuê nóng bức và chật hẹp, do vậy số tiền đóng góp đầu năm, trong đó có tiền mua đồng phục trở thành gánh nặng không biết bày tỏ cùng ai…

Nhiều ý kiến cho rằng mặc đồng phục là điều cần thiết đối với học sinh. Bộ áo quần đồng phục phần nào thể hiện nhân cách, tác phong của học sinh, góp phần tạo môi trường sư phạm lành mạnh, mang nét đặc trưng riêng cho mỗi trường.Tuy nhiên, quy định đồng phục như thế nào là chuyện của ngành Giáo dục, của mỗi trường, song xin đừng quá câu nệ để rồi đưa ra những quy định không thuận lợi cho phụ huynh và học sinh, mang tính áp đặt. Đừng để những món tiền “hoa hồng” béo mà nhiều nhà cung ứng bỏ ra làm tăng tình trạng lạm thu trong các trường học hiện nay.

Anh Vũ

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/ban-can-biet-ve-tieu-dung/bien-tuong-dong-phuc-tu-sau-nhung-cai-bat-tay-ngam-giua-doanh-nghiep-va-nha-truong-411339.html