Biến tướng mô hình 'sở hữu kỳ nghỉ', khách hàng tự rơi vào… 'bẫy'

Với chiêu thức mời tham dự hội thảo du lịch, không ít người đã rơi vào 'bẫy' mua thẻ du lịch nghỉ dưỡng với giá lên đến hàng trăm triệu đồng.

Người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi tham gia mô hình “sở hữu kỳ nghỉ”.

Người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi tham gia mô hình “sở hữu kỳ nghỉ”.

Những “chiêu trò” lôi kéo

Thời gian gần đây, liên tiếp xuất hiện hiện tượng doanh nghiệp mời, gọi tham gia hội thảo du lịch để tặng vé máy bay, phòng khách sạn miễn phí... nhưng thực chất là để bán thẻ du lịch.

Với chiêu thức mời tham dự hội thảo, khách hàng “chỉ đến nghe và không cần mua gì”, không ít người đã rơi vào “bẫy” mua thẻ du lịch nghỉ dưỡng với giá lên đến hàng trăm triệu đồng. Khi phát hiện ra thì hợp đồng đã ký kết, muốn hủy cần có thời gian nhất định, thậm chí mất rất nhiều chi phí.

Ông Lê Văn Hùng (Tây Hồ, Hà Nội) nghe lời bạn rủ tham dự hội thảo sẽ được tặng voucher du lịch miễn phí 3 ngày 2 đêm ở Đà Lạt. Thấy hấp dẫn, ông Hùng đã quyết định đến nghe tư vấn tại một công ty du lịch trên phố Hoàng Cầu, quận Đống Đa.

Tại hội thảo, ông Hùng được giới thiệu về gói dịch vụ kỳ nghỉ dưỡng trị giá 150 triệu đồng, được sử dụng trong 9 năm dành cho 4 người lớn. Khi cần đi du lịch chỉ cần báo trước 1 tuần sẽ được sắp xếp ở khách sạn 5 sao thuộc hệ thống của công ty.

Ông Hùng được thỏa thuận đặt cọc 30% giá trị kỳ nghỉ, số tiền còn lại nếu không có sẵn sẽ có ngân hàng đứng ra cho vay. Công ty cũng cam kết sẽ mua lại gói nghỉ dưỡng cũng như trả lãi sau 2 năm nếu ông Hùng có nhu cầu bán lại.

Khi ông Hùng do dự, công ty tiếp tục “mời chào” sẽ tăng lãi suất lên mức 9,5% kèm với giảm giá gói nghỉ dưỡng xuống chỉ còn 120 triệu đồng. Đánh đòn tâm lý, công ty nhấn mạnh ông Hùng sẽ trở thành khách hàng đặc biệt nên mới được hưởng ưu đãi riêng này. Đổi lại ông Hùng phải “xuống” tiền ngay mới được giảm giá vì… cả hội thảo chỉ còn 2 suất.

“Lúc đó tôi không hiểu và cũng chưa đọc rõ hết các điều khoản hợp đồng, cứ nghĩ cả đời làm lụng rồi thì bây giờ mua gói du lịch để đi chơi khi về già nên đã đồng ý nộp tiền. Khi về nhà tôi mới ngớ người ra, gọi lên công ty xin hủy, họ nói tôi sẽ mất toàn bộ số tiền cọc nếu muốn hủy”, ông Hùng buồn bã nói.

"Bút sa gà chết”, còn lại gì?

Ảnh minh họa/INT

Mô hình mời tham dự hội thảo nhưng bản chất là bán thẻ du lịch đã xuất hiện ở nhiều địa phương. Đáng lo ngại hơn là hoạt động này được tổ chức chuyên nghiệp.

Đơn vị mời chào có trụ sở văn phòng riêng và đội ngũ nhân viên đảm nhận mỗi người một vai trò như: Người điện thoại mời chào, người nắm bắt tâm lý khách hàng, người quản lý thuyết phục khách hàng đóng tiền…

Và dĩ nhiên, mục đích duy nhất là thuyết phục người tham gia đóng tiền vào thẻ du lịch từ 20% đến 30% số tiền vào hợp đồng để nhận được thẻ du lịch có thời hạn từ 15 - 20 năm.

Kịch bản không mới, nhưng nhờ đánh đúng vào tâm lý “được tặng quà” rồi được đi du lịch miễn phí tại những địa điểm nổi tiếng, cao cấp, hấp dẫn, những kẻ lừa đảo đã nhắm vào phụ nữ, người cao tuổi hưu trí... Trước “ma trận” tư vấn tài chính, họ đã đặt niềm tin vào thứ thẻ “kỳ diệu” có giá trị sử dụng từ 15 - 20 năm.

“Bút sa gà chết”, khi đặt bút ký vào bản hợp đồng, hàng loạt người rơi vào tình cảnh rút tiền ra không được mà đóng tiếp cũng chẳng xong. Họ đành chỉ biết ngậm ngùi chấp nhận mất tiền.

Gọi là kỳ nghỉ “thiên đường”, nhưng đó chỉ là “mồi nhử” được những kẻ lừa đảo tung ra để “dụ” người dân nhẹ dạ cả tin rơi vào “bẫy”.

Phấn khởi, tin tưởng chưa được bao lâu, nhiều người đã phải hối hận vì số tiền không cánh mà bay cùng giấc mơ “kỳ nghỉ thiên đường” chính thức khép lại.

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật Tinh Thông, nhận định, phần lớn nhà đầu tư đồng ý ký kết hợp đồng với nhân viên của doanh nghiệp ngay khi được tư vấn trực tiếp mà không có thời gian đọc kỹ hợp đồng.

Trong nhiều trường hợp nhân viên giới thiệu sản phẩm sai mục đích, cung cấp thông tin sai sự thật, gây nhầm lẫn cho nhà đầu tư. Khi xảy ra tranh chấp, nhà đầu tư khiếu nại tới cơ quan có thẩm quyền thì không có tài liệu, chứng cứ xác thực.

Theo luật sư Bình, chính ngay trong hợp đồng các công ty sử dụng để ký kết có thể bị gài cắm nhiều nội dung, điều khoản không rõ ràng, gây bất lợi cho nhà đầu tư, miễn trừ trách nhiệm cho phía công ty cung cấp dịch vụ và loại bỏ quyền khiếu nại khi có vấn đề của nhà đầu tư.

“Cuối cùng, bút sa gà chết, hàng loạt người rơi vào tình trạng dở khóc dở cười khi rút không được mà đóng tiếp cũng chẳng xong. Đến khi chuyện đã rồi thì họ chỉ có thể ngậm ngùi chấp nhận mất tiền vì đã lỡ ký kết hợp đồng giấy trắng mực đen với doanh nghiệp”, luật sư phân tích.

Thực tế, hành vi trên đã được các cơ quan chức năng nhiều lần phát đi cảnh báo, nhưng vẫn có không ít người nhẹ dạ cả tin vẫn “sập bẫy”.

Để ngăn chặn tình trạng này, mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác, kịp thời báo cho cơ quan chức năng khi phát hiện các doanh nghiệp, đối tượng có dấu hiệu hoạt động phi pháp. Đừng ngây thơ tin vào thứ miễn phí được vẽ ra để rồi tiền mất tật mang.

Đức Huy

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/bien-tuong-mo-hinh-so-huu-ky-nghi-khach-hang-tu-roi-vao-bay-post641335.html