Biết chớp thời cơ sẽ gia tăng xuất khẩu

Mỹ và Trung Quốc đang lần lượt áp đặt thuế nhập khẩu lên hàng tỷ USD với hàng hóa của nhau. Thậm chí, Tổng thống Mỹ Donald Trump còn đe dọa áp đặt thuế lên đến 500 tỷ USD đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, trừ khi Bắc Kinh đồng ý thay đổi chính sách trợ cấp doanh nghiệp và các chính sách liên doanh…Trước 'cuộc chiến' thương mại này các chuyên gia kinh tế nhận định, đây sẽ là đòn bẩy để Việt Nam chuyển đổi năng lực sản xuất, nếu nắm bắt được cơ hội.

Chưa có nhiều tác động đến Việt Nam

Thời gian gần đây, Mỹ công bố sẽ áp mức thuế 25% lên 1.300 mặt hàng Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ. Tuy nhiên, động thái mới đây từ Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục áp đặt thuế lên toàn bộ các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, khiến cuộc chiến thương mại giữa hai quốc gia này càng trở nên căng thẳng.

Chiếm phần lớn trong danh sách các mặt hàng bị áp thuế từ Trung Quốc vào Mỹ là mặt hàng như: Hàng không, công nghệ, máy móc như nam châm điện dùng trong máy chụp cộng hưởng điện từ (MRI) và sản phẩm, linh kiện máy bay, các loại máy được sử dụng để sản xuất và gia công hàng may mặc hay thực phẩm…Ngoài ra còn có các mặt hàng như hóa chất, trang thiết bị y tế, sản phẩm giáo dục như chữ nổi cho người mù.

Dệt may và da giày của Việt Nam sẽ là những ngành được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Theo các chuyên gia kinh tế, so với dự kiến ban đầu, hiện Mỹ mới chỉ áp đặt mức thuế 25% lên 1.102 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Do đó, một số mặt hàng từ Trung Quốc phục vụ tiêu dùng như điện thoại và tivi…vẫn chưa bị đưa vào danh sách áp thuế mới từ Mỹ. Vì thế, đây chính là một lý do khiến nhiều chuyên gia kinh tế nhận định cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa thể có tác động đến kinh tế Việt Nam.

Theo bà Phạm Quỳnh Lợi, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ (Tổng cục Thống kê), với các số liệu thống kê về các mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ cho thấy, hiện nay các mặt hàng chủ lực của Việt Nam vào thị trường này vẫn giữ ổn định, thặng dư thương mại sang Mỹ tăng cao. Bà Lợi cũng dự báo, tình hình thương mại Mỹ - Trung chưa thể ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam.

Cũng liên quan đến vấn đề này, T.S Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách nhận định, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ có ảnh hưởng phức tạp, đa dạng, nhiều chiều, tuy nhiên đây sẽ là cơ hội lớn cho nhiều doanh nghiệp Việt nắm bắt được cơ hội phát triển. Bởi lẽ, cuộc chiến thương mại diễn ra nhiều hàng hóa của Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ nay bị ngăn chặn, đánh thuế cao lên, thì các mặt hàng xuất khẩu tương tự của Việt Nam vào Mỹ cũng sẽ được lợi. Hay một yếu tố nữa là với các hàng hóa của Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc nay bị Trung Quốc cũng tăng thuế, trong khi đó cũng là những mặt hàng mà Việt Nam đang xuất khẩu sang Trung Quốc, thì có thể hàng Việt Nam sẽ thay thế được phần nào nên cũng sẽ được lợi.

Cần tâm thế chủ động

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ là cơ hội tốt để Việt Nam bật lên, do đó, chúng ta cần chuẩn bị để nâng cao sức cạnh tranh cho những mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh vào Mỹ như dệt may, da giày. Bởi lẽ, hiện nay, trong các mặt hàng đánh thuế cao của Mỹ vào hàng xuất khẩu Trung Quốc, chưa có dệt may, da giày, nhưng Việt Nam vẫn phải chuẩn bị cho tình huống Mỹ có thể đánh thuế bất kể mặt hàng nào đó, sau khi cân nhắc.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt cũng cần phải có sự chủ động về nguyên liệu sản xuất, tránh phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc nhằm đảm bảo kim ngạch xuất khẩu dệt may tăng đều sau từng năm, bởi đến lúc các quốc gia sẽ quan tâm đến tỉ lệ nội địa hóa trong mỗi mặt hàng Việt Nam xuất đi. Trong khi đó, ba năm gần đây, giá trị thương mại xuất khẩu dệt may đều tăng rất tích cực, không chỉ vào thị trường Mỹ mà còn vào châu Âu. Sắp tới còn “đón” các thị trường CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương). Do đó, chuẩn bị nguồn cung nguyên liệu là không thừa.

Cùng với nhận định của một số chuyên gia kinh tế khi cho rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ không tác động nhiều đến tình hình xuất khẩu của Việt Nam, thì nhiều ý kiến cũng tỏ ra lo ngại trước thực trạng hàng Trung Quốc sẽ ồ ạt tràn vào Việt Nam, sau khi bị thị trường Mỹ áp thuế cao.

Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho biết, một khi hàng hóa Trung Quốc bị áp thuế tăng lên khi vào thị trường Mỹ, chắc chắn nhiều doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tìm đường sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam. Về lý thuyết, để ngăn chặn vấn đề này không khó nếu chúng ta tăng cường kiểm soát ở các cửa khẩu, đặt ra các “rào cản” thương mại…Tuy nhiên, vấn đề là có làm được không, bởi nếu không thận trọng chúng ta rất dễ bị “trả đũa”.

“Không khó để nhận thấy, hiện hàng Trung Quốc tràn vào Việt Nam chủ yếu là hàng giá rẻ, do đó áp lực về lượng cung thừa, tỷ giá... có thể tăng lên. Nên theo tôi không cần phải đối phó gì. Thậm chí, khi cuộc chiến diễn ra nguồn nguyên liệu để sản xuất (chủ yếu đối với ngành dệt may, da giày…) từ Trung Quốc sẽ giảm xuống, sẽ có lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng này từ Trung Quốc, sau đó sản phẩm tiếp tục được xuất đi Mỹ…Như thế, chúng ta sẽ được lợi kép và có lợi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu”, ông Phú phân tích.

Đồng quan điểm trên với ông Phú, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ là cơ hội tốt để Việt Nam bật lên, do đó, chúng ta cần chuẩn bị để nâng cao sức cạnh tranh cho những mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh vào Mỹ như dệt may, da giày. Bởi lẽ, hiện nay, trong các mặt hàng đánh thuế cao của Mỹ vào hàng xuất khẩu Trung Quốc, chưa có dệt may, da giày, nhưng Việt Nam vẫn phải chuẩn bị cho tình huống Mỹ có thể đánh thuế bất kể mặt hàng nào đó, sau khi cân nhắc.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt cũng cần phải có sự chủ động về nguyên liệu sản xuất, tránh phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc nhằm đảm bảo kim ngạch xuất khẩu dệt may tăng đều sau từng năm, bởi đến lúc các quốc gia sẽ quan tâm đến tỉ lệ nội địa hóa trong mỗi mặt hàng Việt Nam xuất đi. Trong khi đó, ba năm gần đây, giá trị thương mại xuất khẩu dệt may đều tăng rất tích cực, không chỉ vào thị trường Mỹ mà còn vào châu Âu. Sắp tới còn “đón” các thị trường CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương). Do đó, chuẩn bị nguồn cung nguyên liệu là không thừa.

Cùng với sự thuận lợi lớn đối với ngành dệt may, da giày…thì cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng sẽ gây tác động không nhỏ đến một số mặt hàng của Việt Nam như: Thép, nông sản…hiện tại, mặt hàng thép của Việt Nam đang phải chịu sự điều tra chống lẩn tránh thuế từ Mỹ, nếu như kết thúc điều tra và Mỹ tuyên bố đánh thuế đối với mặt hàng này, rất có thể thép Việt cũng sẽ bị áp mức thuế 25% như một số mặt hàng hiện này từ Trung Quốc đang phải gánh chịu. Trong khi đó, với một số mặt hàng nông sản như: Đậu nành, yến mạch, điều, thịt gà, thịt bò…sẽ chịu tác động không nhỏ từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Có thể thấy, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung như một bức tranh pha trộn, trong đó có người sẽ được hưởng lợi và cũng có nhiều đối tượng bị thiệt hại nặng nề. Do đó, như nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, nếu như doanh nghiệp hoạt động một cách linh hoạt, nhạy bén, nắm bắt được thời cơ thì vẫn sống khỏe, sống tốt.

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/biet-chop-thoi-co-se-gia-tang-xuat-khau-77203.html