Biết gì về bệnh Whitmore nguy hiểm?

Mọi người có thể nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây bệnh Whitmore khi tiếp xúc trực tiếp với đất và nước bị ô nhiễm, đặc biệt là qua vết trầy xước da.

Khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây bệnh Whitmore có thể làm hoại tử và chết các mô trong cơ thể. Đây cũng là nguyên nhân khiến nó thường được người dân gọi với cái tên "vi khuẩn ăn thịt người".

Mọi người có thể nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei khi tiếp xúc trực tiếp với đất và nước bị ô nhiễm, đặc biệt là qua vết trầy xước da.

Triệu chứng của bệnh Whitmore

Có nhiều loại nhiễm trùng do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei, mỗi loại có triệu chứng riêng. Cụ thể:

Nhiễm trùng khu trú có các biểu hiện như đau hoặc sưng cục bộ, sốt, loét và áp xe.

Nhiễm trùng phổi bao gồm triệu chứng ho, tức ngực, sốt cao, đau đầu, chán ăn.

Nhiễm trùng máu có các dấu hiệu như sốt, đau đầu, suy hô hấp, khó chịu ở bụng, đau khớp và mất phương hướng.

Nhiễm trùng lan tỏa có các biểu hiện như sốt, giảm cân, đau bụng hoặc đau ngực, đau đầu, nhiễm trùng não, co giật.

Vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây bệnh Whitmore có thể làm hoại tử và chết các mô trong cơ thể. Ảnh: Wikipedia.

Vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây bệnh Whitmore có thể làm hoại tử và chết các mô trong cơ thể. Ảnh: Wikipedia.

Thời gian ủ bệnh (thời gian từ khi tiếp xúc với vi khuẩn gây bệnh đến khi xuất hiện các triệu chứng) không được xác định rõ ràng, có thể từ một ngày đến nhiều năm. Nhưng nhìn chung, các triệu chứng xuất hiện từ 2 đến 4 tuần sau khi nhiễm.

Các tình trạng bệnh lý có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh như bệnh tiểu đường, bệnh gan, thận, Thalassemia, ung thư hoặc tình trạng làm suy yếu hệ miễn dịch, bệnh phổi mãn tính.

Điều trị bệnh Whitmore thế nào?

Sau khi được chẩn đoán mắc bệnh Whitmore, bệnh nhân có thể được điều trị bằng cách sử dụng thuốc thích hợp. Loại nhiễm trùng và quá trình điều trị sẽ ảnh hưởng đến kết quả lâu dài.

Điều trị thường bắt đầu bằng liệu pháp kháng khuẩn tiêm tĩnh mạch trong ít nhất 2 tuần (lên đến 8 tuần tùy thuộc vào mức độ nhiễm trùng), sau đó là 3 đến 6 tháng điều trị bằng kháng sinh đường uống.

Liệu pháp tiêm tĩnh mạch bao gồm Ceftazidime dùng cứ sau 6-8 giờ hoặc Meropenem dùng cứ 8 giờ một lần

Liệu pháp kháng sinh đường uống bao gồm Trimethoprim-sulfamethoxazole uống 12 giờ một lần hoặc Amoxicillin / axit clavulanic (co-amoxiclav) uống 8 giờ một lần.

Bệnh nhân bị dị ứng với penicillin nên thông báo cho bác sĩ của họ, bác sĩ có thể chỉ định một liệu trình điều trị thay thế.

Cách phòng bệnh Whitmore

Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động phòng bệnh Whitmore như sau:

1) Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước và sau khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi làm ruộng, trước khi ăn.

2) Thực hiện ăn chín, uống nước đun sôi để nguội, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; không giết mổ, ăn thịt động vật, gia súc, gia cầm bị ốm chết.

3) Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, đặc biệt tại những nơi bị ô nhiễm nặng. Không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông tại/gần nơi bị ô nhiễm.

4) Sử dụng đồ bảo hộ lao động (giày, ủng, găng tay…) đối với những người thường xuyên việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn.

5) Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.

6) Những người có bệnh nền như tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch... cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.

7) Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện và điều trị kịp thời.

Mời độc giả xem thêm video: Phương pháp mới phát hiện vi khuẩn trong vài phút (Nguồn video: THĐT)

An An (Theo CDC.GOV, T.H)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/doi-song/biet-gi-ve-benh-whitmore-nguy-hiem-1772893.html