Biết mình, hiểu bạn - Phần thắng của hội nhập

Không thể phủ nhận những lợi thế mà các hiệp định thương mại tự do đã, đang và sẽ mang lại. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội này, DN Việt Nam cần phải có sự chuẩn bị thật kỹ lưỡng… Biết mình, hiểu bạn đang trở thành phương châm để các DN Việt Nam đạt được kết quả trong 'cuộc đua' này.

Bài liên quan

Cánh cửa nào cho hàng Việt?

Để thấy rõ hơn những tác động từ các hiệp định này mang đến, những khó khăn mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt? Họ đã chuẩn bị ra sao trước “cơn bão” hội nhập? PV Nhà báo và Công luận ghi nhận một số ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành cũng như các chuyên gia kinh tế về những nội dung này.

TS Đặng Kim Sơn- nguyên Viện trưởng Viện Chính sách Chiến lược Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

“Các doanh nghiệp nông nghiệp cần phải liên kết để phát triển”

Trong bối cảnh hội nhập EVFTA và CPTPP, các doanh nghiệp nông nghiệp phải nâng cao hơn nữa vai trò “bà đỡ” cho các mặt hàng của ngành, nâng cao trách nhiệm đối với đất nước và cần phải liên kết lại với nhau để tạo ra một sức mạnh tổng hợp và hỗ trợ nhau. Theo đó, ngoài các mặt hàng nông, lâm sản có thế mạnh, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này cần quan tâm hơn nữa đến những mặt hàng chủ lực, mặt hàng tỷ đô, từ đó đầu tư, xây dựng chuỗi giá trị; phải hình thành các vùng chuyên canh, lõi sản xuất phải có các nhà máy, các trung tâm logistics, các trung tâm về dịch vụ hậu cần, viện nghiên cứu của các trường đại học… để đưa công nghệ vào sản xuất, chế biến nông sản. Khi đó mới đảm bảo được đầu ra cũng như chất lượng và nguồn gốc xuất xứ cho sản phẩm.

Trên thực tế, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp ở Việt Nam mới chỉ ghi nhận sự thành công bước đầu của mô hình hợp tác công tư (PPP) ở nhóm các mặt hàng chủ lực với nhiều chuỗi như cà phê, chè, rau quả, thủy sản, hồ tiêu và gia vị, lúa gạo và hóa chất nông nghiệp. Các chuỗi này phát triển theo hướng chuỗi giá trị liên kết bền vững như chuỗi sản xuất và chế biến khoai tây của PepsiCo, chuỗi gạo của Bayer và Vinafood 2, chuỗi cà phê của Néstle, chuỗi chè của Unilever v.v… Đồng thời cần có sự kết nối nông dân với các tổ chức chứng nhận quốc tế như 4C, UTZ, Rainforest Alliance... để nâng cao sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập. Qua đó tăng xuất khẩu ra thị trường thế giới, đặc biệt là các thị trường có yêu cầu cao. Đến nay, gần 220.000 nông dân đã được hỗ trợ tham gia các mô hình trình diễn kỹ thuật, được tập huấn và áp dụng các phương pháp canh tác tiên tiến.

Lỗ hổng pháp lý hiện nay đang được coi là rào cản nên đang tạo khó cho doanh nghiệp và chưa tạo ra động lực để thu hút được nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp do vậy các doanh nghiệp đã tham gia vào lĩnh vực này cần phải chủ động nghiên cứu các cơ chế, chính sách, chế tài để giữ sự ổn định cũng như một đường hướng thuận lợi, hạn chế vấp váp cho quá trình phát triển của mình. Hội nhập đưa ra những yêu cầu về thay đổi hành vi đối với các doanh nghiệp và nếu làm được việc này thì hơn 10 triệu hộ nông dân với các mặt hàng đang sản xuất sẽ tạo ra các động lực cho doanh nghiệp nông nghiệp phát triển.

GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, Nguyên Phó Chủ nhiệm SCCI:

“Chủ động cập nhật thông tin về lộ trình”

EVFTA tạo ra cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam trong quan hệ với EU. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ EU được dự báo tăng trưởng nhanh hơn do việc thực hiện EVFTA và sẽ khắc phục được một số quan ngại của các nhà đầu tư EU như bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, quyền và lợi ích của người lao động, môi trường và tăng trưởng bền vững, góp phần thực hiện định hướng, chính sách thu hút FDI chất lượng và hiệu quả hơn, phù hợp với trình độ phát triển của nước ta và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Do không phải chịu thuế nhập khẩu nên hàng hóa của EU vừa có chất lượng tốt, vừa có giá cả cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của doanh nghiệp Việt Nam. Do vậy, trong cuộc cạnh tranh này, doanh nghiệp nào đổi mới công nghệ, sáng tạo mẫu mã mới, nâng cao chất lượng thì sức ép trở thành động lực đổi mới; ngược lại sẽ chịu thua lỗ, thậm chí phá sản.

Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động cập nhật thông tin về lộ trình cắt giảm thuế quan của EU và của Việt Nam với các điều kiện như tỷ lệ xuất xứ sản phẩm, điều kiện kỹ thuật, lao động, môi trường để có chiến lược dài hạn, đầu tư đổi mới công nghệ, đào tạo nhân lực, hình thành và quảng bá thương hiệu, tìm kiếm và xây dựng quan hệ hợp tác với bạn hàng tại các quốc gia thành viên EU, tuân thủ nghiêm túc các quy định của EU về thương mại và đầu tư.

Nhà nước cần ban hành chính sách kết nối giữa các tập đoàn kinh tế FDI với sự chủ động hợp tác của doanh nghiệp Việt Nam để xây dựng công nghiệp hỗ trợ một số sản phẩm chủ lực, không những để nước ta trở thành công xưởng sản xuất nhiều sản phẩm công nghệ cao của thế giới, mà còn tạo ra giá trị gia tăng ngày càng lớn cho doanh nghiệp trong nước.

TS. Đặng Thị Huyền Anh - Học viện Ngân hàng:

“Hoàn thiện thể chế, nâng cao nhận thức cộng đồng doanh nghiệp”

Để tận dụng cơ hội, ứng phó với những thách thức mà EVFTA mang lại, các thành phần kinh tế trong đó có khối doanh nghiệp cần có giải pháp tập trung triển khai trong thời gian tới như sau: Thứ nhất, phát triển công nghiệp phụ trợ nhằm đảm bảo thỏa mãn yêu cầu về xuất xứ. Nhà nước cần xác định về các ngành xuất khẩu mũi nhọn và quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ. Với nguồn lực có hạn, Việt Nam không thể phân tán lực lượng mà phải tập trung phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ mũi nhọn mà mình có khả năng như dệt may, giày dép… và lắp ráp (như ôtô, xe máy, thiết bị điện và điện tử). Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu đãi nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển các cụm sản xuất nhằm phát triển công nghiệp phụ trợ, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); Xây dựng cơ chế thuận lợi thu hút FDI từ các nhà đầu tư EU tham gia vào quá trình sản xuất cũng như vào các hoạt động hỗ trợ xuất khẩu tại Việt Nam.

Thứ hai, hoàn thiện thể chế và nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề lao động, môi trường và sở hữu trí tuệ. Cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để đáp ứng những điều kiện về lao động, môi trường và sở hữu trí tuệ phù hợp với chuẩn mực quốc tế nói chung cũng như EVFTA nói riêng. Đồng thời, cần quy định các chế tài đủ mạnh đối với các hành vi vi phạm; Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức cộng đồng doanh nghiệp về các vấn đề môi trường, lao động và sở hữu trí tuệ; Tăng cường đầu tư công nghệ xử lý chất thải, khí thải, đảm bảo các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường theo cam kết trong EVFTA. Tăng cường giáo dục ý thức của doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc chuyển sang sử dụng công nghệ sạch, đầu tư công nghệ xử lý môi trường và ý thức trong việc sử dụng đúng tiêu chuẩn các dư lượng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp…

Thứ ba, phát triển năng lực công nghệ và quản lý chất lượng nhằm đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn. Cần thực hiện tốt các chính sách khuyến khích các nhà khoa học trong và ngoài ngành chuyển giao kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất, góp phần thúc đẩy sản xuất có năng suất, chất lượng và hiệu quả. Thu hút các thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, khai thác lợi thế trong các cam kết đầu tư từ EVFTA nhằm tăng cường hợp tác công nghệ để tiếp thu khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất. Phát triển mạnh hình thức thuê mua tài chính trong mua sắm máy móc, thiết bị, công nghệ cho các doanh nghiệp xuất khẩu nhằm nâng cao khả năng phát triển và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp. Tăng cường đầu tư công nghệ phục vụ công tác kiểm tra, quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và các tiêu chuẩn kỹ thuật khác.

Bên cạnh những giải pháp trên, cần xây dựng những giải pháp tổng thể nhằm phát triển nguồn nhân lực cũng như đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại để tìm hiểu và mở rộng các cơ hội tiếp để các doanh nghiệp có điều kiện hơn nữa tiếp cận thị trường EU.

TS. Võ Trí Thành- nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương:

“Doanh nghiệp tư nhân phải “chơi thật”!"

Trong bối cảnh hiện nay, thế giới đã, đang và sẽ thay đổi theo 4 vấn đề lớn: Hội nhập, liên kết kinh tế sâu rộng; cách mạng công nghiệp 4.0 số hóa và hơn thế nữa; phát triển bền vững và cuộc cách mạng tiêu dùng do tầng lớp trung lưu đang dẫn dắt và cuối cùng là sự bất định, rủi ro gia tăng.

Thứ nhất, để hội nhập được, quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp tư nhân là phải “chơi thật”, bán được hàng và đứng vững được trên thị trường trong nước và thế giới. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải phát triển thực chất dựa trên năng lực của chính mình. Thắng thật chứ không phải thắng giả vờ dựa trên những ưu đãi của Chính phủ.

Thứ hai là trong bối cảnh cách mạng 4.0, các doanh nghiệp Việt cần nhanh chóng “tư duy lại, thiết kế và xây dựng lại”, ưu tiên và tận dụng nguồn lực để bắt kịp với sự chuyển dịch công nghệ, học hỏi kinh nghiệm để phát triển.

Về ứng phó với bất định, rủi ro, doanh nghiệp cần học hỏi, chuẩn bị, sử dụng các công cụ phòng chống rủi ro và chấp nhận sai lầm. Nếu như các doanh nghiệp nhà nước với bộ máy cồng kềnh, lợi ích nhóm lớn rất khó chấp nhận sai lầm thì các doanh nghiệp tư nhân có lợi thế hơn trong việc dễ dàng đương đầu với rủi ro.

Chấp nhận sai lầm cũng là một yếu tố quan trọng để từ đó các doanh nghiệp có thể rút ra những bài học kinh nghiệm và có được thành công. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế hội nhập như hiện nay, các doanh nghiệp tư nhân cần dám nghĩ, dám làm, không nên chờ đợi vào các ưu đãi từ Chính phủ. Yếu tố quyết định nhất đối với thành công của doanh nghiệp tư nhân không phải từ Chính phủ mà là chính bản thân họ.

Bà Trương Thị Chí Bình, Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghệ hỗ trợ Việt Nam:

“Thị trường chế tạo toàn cầu đang mở ra nhiều cơ hội”

Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đang được coi là có rất nhiều cơ hội vì thị trường chế tạo toàn cầu đang mở ra, không phải đâu xa mà là trên chính lãnh thổ Việt Nam. Hơn ai hết, doanh nghiệp biết rất rõ họ yếu cái gì, cần hỗ trợ cái gì. Một trong những điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam là chưa đáp ứng được các yêu cầu của toàn cầu. Ngoài việc tiện dụng, dễ dùng thì sản phẩm phải có chất lượng, mà muốn như vậy thì quy trình sản xuất phải tốt, giá cạnh tranh.

Để làm được phải đầu tư dài hơi, với chi phí lớn về tài chính, công nghệ, ngoài sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ, các bộ ngành liên quan trong lĩnh vực này thì bản thân các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phải biết tìm cách để làm cho mình “tự lớn” lên. Đặc biệt cần nhất cho doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập này là phải tạo dung lượng thị trường ổn định. Trong ngành điện tử, thị trường khá lớn nhưng để đầu tư lại rất rủi ro vì chi phí đầu tư lớn nhưng phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm nhập khẩu. Vì vậy, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này ngoài sự tận dụng những hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước thì doanh nghiệp cũng cần phải vận động để đầu tư cho mình. Mà sự vận động ở đây là nâng cao tiềm lực nhân sự, con người, mở rộng giao lưu, học hỏi và tạo dựng hay tìm tòi thêm các nguồn vốn cho mình.

Nguyễn Lê (Ghi)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/biet-minh-hieu-ban--phan-thang-cua-hoi-nhap-post67436.html