Biết người tài và dùng được người tài

Sự chi chí đại, mạc như tri nhân, mạc như tri kỷ (mọi việc cho là to lớn, cũng không bằng biết người và biết mình).

Muốn dùng được người tài,

Chủ quân cần tâm, tầm cùng lòng ái mộ,

Quý trọng, tin kẻ sĩ đến cùng.

Khoảng một nghìn năm trước Công nguyên, vua cuối cùng nhà Thương (còn gọi là Ân) là Trụ hoang dâm, bạo ngược, sủng ái nàng Đát Kỷ, xây ao đổ rượu vào để cùng mỹ nhân và người hầu tắm (gọi là ao rượu); trên cây cối cạnh ao treo đầy thịt rừng để tắm xong nướng thịt, nấu thịt ăn uống (gọi là rừng thịt). Ông ta còn đàn áp, bóc lột dân thậm tệ, ai chống đối thì nung đỏ các cột đồng rồi buộc phạm nhân cho bỏng cháy (bào lạc).

 Minh họa tích “Tây Bá Hầu gặp Khương Tử Nha”.

Minh họa tích “Tây Bá Hầu gặp Khương Tử Nha”.

Lúc bấy giờ, bộ tộc Chu đứng đầu là Văn Vương Cơ Xương chuẩn bị lực lượng để đánh đổ triều Thương. Một hôm, Văn Vương ngồi xe ngựa dẫn binh lính đi săn ở bờ Bắc sông Vị Thủy, ông thấy một cụ già gần 70 tuổi (có sách chép là hơn 70, thậm chí hơn cả 80 tuổi) đang ngồi câu cá, cả đoàn tiền hô hậu ủng đến gần mà ông già vẫn làm như không biết, cứ yên lặng ngồi câu.

Ông già đó chính là Khương Thượng hay Khương Tử Nha (1156- 1017 TCN), sau này còn gọi là Lã Vọng (Lã là vùng đất phong của tổ tiên, Vọng là ngóng chờ được dùng). Ông có thời gian ngắn làm quan cho vua Trụ nhưng vua vô đạo, hung bạo, vô luân nên bỏ nhà Thương đi du thuyết các nước chư hầu, trổ tài ngoại giao khắp nơi nhưng không thành công. Cuối cùng, ông sang phò tá Tây bá hầu Cơ Xương (sau xưng là Chu Văn Vương lập nên nhà Chu)

Mâm ngũ quả ngày Tết. Ảnh: Đặng Giang.

Khương Thượng là người học rộng, am hiểu binh pháp, biết rằng đại cục sẽ do Văn Vương và bộ tộc Chu làm chủ, ông cũng hiểu rõ rằng người như ông chỉ có thể phát huy tài năng nếu gặp Văn Vương. Hôm gặp nhau tại Bắc sông Vị, thấy sự lạ, Văn Vương ra hiệu tả hữu lùi lại, còn ông tiến lại gần. Quan sát nhanh, Văn Vương thấy ông già câu cá tuy ăn mặc giản dị nhưng sạch sẽ, tóc búi cao để lộ trán rộng; tai to dài, dái tai chúc và to, gò má cao rộng, nhân trung sâu, địa các rất nở; cằm lớn nhiều râu; bàn tay nổi gân nhưng hồng hào. Văn Vương đằng hắng bắt chuyện thấy đối đáp sắc bén, sâu xa, mẫn tiệp, hai người rất tương hợp. Trong khi trò chuyện, Văn Vương càng nhận biết Khương Thượng (tự là Tử Nha) có tướng mạo hơn người. Đó là tướng:

“Anh mâu ánh ánh hề chế điện/ Hào khí hề thổ hồng”

(ánh mắt sáng như điện/ hào khí như cầu vồng).

Văn Vương là người am hiểu tướng số (được cho là người phát minh ra bộ Kinh Dịch nổi tiếng ở phương Đông và cả ở phương Tây), biết phân biệt nếu người chỉ có “quang mục” thôi thì thông minh nhanh nhẹn nhưng không có đảm lực, dễ ngả theo học lỏm, theo đuôi; còn ở Khương Thượng, có “anh mâu” nghĩa là mắt vừa đen, sáng phóng thần quang lại có hào khí, thể hiện thần thái mạnh, khí tiết trong sạch, chí lớn. Người có tướng “anh mâu” đa số thân hình dài nhưng vuông vức, da thịt kiên thực (chắc khỏe) như cây tùng, cây bách.

Họ có tính công minh, thẳng thắn, chân tình đối với mọi người bất phân phú quý, bần tiện, tân tri cựu vũ, ai cũng như ai. Cư xử của họ đầy tình cảm nghĩa khí mà không bị mê hoặc bởi nịnh nọt. Định làm gì thì kiên trì, can đảm đem hết sức thực hiện, luôn giữ lời hứa. Văn Vương bèn mời ông theo về và phong làm quốc sư. Sau khi Văn Vương mất, Võ Vương Cơ Phát lên ngôi tôn ông làm sư thượng phụ. Ông giúp Võ Vương diệt vua Trụ thu thiên hạ về một mối, được phong làm vua ở đất Tề.

Sử sách cho rằng Khương Thượng để lại bộ “Lục thao” nổi tiếng về phép trị nước, đánh trận.

Lê Thanh Bình

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/biet-nguoi-tai-va-dung-duoc-nguoi-tai-627807/