Biết 'nước bẩn' vẫn cung cấp cho dân: Tột cùng của sự vô cảm

Câu chuyện biết 'nước bẩn' vẫn cung cấp cho dân nội đô đang khiến dư luận những ngày qua 'dậy sóng'. Nhiều người cho rằng, đây là hành động vô nhân tính, coi thường sức khỏe của người dân, rất cần các cơ quan chức năng sớm điều tra, làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan, đặc biệt là Viwasupco.

Người dân khu chung cư HH - Linh Đàm xếp hàng, chen chúc để lấy nước sạch như thời bao cấp. Ảnh: TL

Hoang mang…vì nước sông Đà

Suốt một tuần nay, chị Trần Tuyết Thanh phải sống trong trạng thái hoang mang, lo lắng khi thấy nguồn nước dùng hằng ngày của gia đình bỗng đục ngầu và có mùi khét. Để đảm bảo an toàn, hằng ngày chị phải đặt mua nước đóng chai về để đun nấu, ăn uống còn nước máy chị chỉ dám dùng để rửa tay chân, tắm gội.

Nguồn nước ăn uống, sinh hoạt của hàng triệu cư dân thành phố có an toàn hay không? Nếu không an toàn, thậm chí độc hại thì mức độ thế nào, người dân có nên tiếp tục sử dụng? là những băn khoăn luôn thường trực trong đầu chị.

Khác với chị Tuyết Thanh, anh Nguyễn Văn Đông (P. Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân) cho biết, kể từ khi phát hiện nguồn nước có mùi lạ, cuộc sống sinh hoạt của gia đình anh đã có sự xáo trộn đáng kể khi phải gửi hai con nhỏ sang nhà ông bà tại quận Đống Đa (Hà Nội), còn hai vợ chồng thì vẫn phải phó mặc sức khỏe vào sự may rủi. Anh cho biết vừa phải bỏ ra hơn 7 triệu đồng để mua một chiếc máy lọc nước dùng để ăn uống.

“Đến nay đã gần 1 tuần trôi qua kể từ khi phát hiện nước sinh hoạt có mùi bất thường nhưng cư dân chúng tôi vẫn chưa nhận được bất cứ thông tin, khuyến cáo nào của các cơ quan chức năng nên rất hoang mang, lo lắng. Không hiểu trách nhiệm của họ như thế nào nữa", anh Đông bức xúc.

Đó cũng là tình cảnh chung của hàng vạn cư dân tại các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm… đang phải gánh chịu từ gần 1 tuần nay. Nhiều gia đình thậm chí vẫn sử dụng nguồn "nước bẩn" bởi tin tưởng vào lời khẳng định của nhà cung cấp nước "nước vẫn đảm bảo tiêu chuẩn của Bộ Y tế", rằng "mùi lạ có thể là do mùi clo".

Trên thực tế, nguyên nhân được người dân phát hiện từ ngày 8/10, một xe tải chở dầu thải đến đổ trộm trong khe núi ở đầu nguồn con suối Trâm xã Phú Minh (Kỳ Sơn, Hòa Bình) và lan đến kênh dẫn nước vào nhà máy nước sạch sông Đà. Bởi thế mà nguồn nước bị nhiễm váng dầu.

Trái ngược với lo lắng của người dân, Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) lại cho rằng, kết quả tự kiểm tra của công ty là nước đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Nước có mùi do lượng clo cao, không có độc tố.

Sự im lặng đáng sợ

Ngoài sự thiếu trách nhiệm của Viwasupco, một lần nữa các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội lại khiến hàng vạn cư dân thất vọng. Dường như khi có chuyện xảy ra, họ đều cố tình muốn “ỉm” mọi chuyện đi càng nhanh càng tốt, hơn là cảnh báo cho cộng đồng để giảm thiểu tác hại của sự cố đến sức khỏe người dân.

Sự im lặng ấy của các cơ quan chức năng có thể hiểu là sự thờ ơ, trốn tránh trách nhiệm, sự vô cảm hay thiếu đạo đức trong kinh doanh? Sở Xây dựng TP. Hà Nội - cơ quan chịu trách nhiệm quản lý việc cấp nước sạch trên địa bàn vẫn giữ thái độ im lặng trước đòi hỏi bức thiết của người dân về nguyên nhân sự cố.

Tất cả những gì Hà Nội làm kể từ khi người dân phát hiện sự cố là cử một đoàn liên ngành đánh giá chất lượng nước sông Đà. Tuy nhiên cũng không hề đưa ra cảnh báo, khuyến cáo kịp thời cho người dân sẽ ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe? Giải pháp xử lý nước bốc mùi đã bán cho người dân ra sao?

Mãi tới ngày 15/10, tại buổi giao ban báo chí định kỳ của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội mới ra khuyến cáo: Trong thời gian trước mắt, khi Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà chưa súc xả, thau được toàn bộ hệ thống nước tại các bể của gia đình, khu chung cư, các bể tăng áp, mọi người dân có sử dụng nước thuộc vùng do Công ty Cổ phần Viwaco, Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông cung cấp, chỉ nên dùng nguồn nước này để tắm giặt, không sử dụng để nấu ăn, uống. Mà nấu ăn, uống tạm thười dùng nước chai, bình do các đơn vị khác cung cấp.

Ai sẽ bảo vệ người dân?

Năm 2019 chưa qua nhưng câu chuyện “bưng bít”, “ém nhẹm” thông tin. Ô nhiễm môi trường khi cháy Rạng Đông, ô nhiễm không khí và lần này là cung cấp nước “bẩn” có vẻ không khác nhau là mấy.

Lại nhớ mới đây, Bộ Tư pháp vừa phát thông cáo báo chí thừa nhận việc đã sử dụng số liệu “ô nhiễm không khí” của Hà Nội từ năm 2005 trong báo cáo thi hành Luật thủ đô gửi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Số liệu từ năm 2005 mà vẫn được quý Bộ “đào mộ” để sử dụng trong báo cáo năm 2019, tức 14 năm sau, là đủ biết sự vô trách nhiệm đang là “căn bệnh trầm kha” của không ít cán bộ…

Không lo lắng sao được, khi hàng ngày, hàng giờ người dân bắt buộc phải ăn, phải thở để tồn tại với những thứ mà không biết nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của mình, thậm chí có thể biết là rất nguy hiểm, nhưng vẫn phải sử dụng vì không còn cách nào khác.

Điều này lại càng làm người dân bất an lo lắng hơn là khi việc đổ chất thải vào nguồn nước sinh hoạt của hàng vạn người, thậm chí hàng triệu người dân Hà Nội lại có thể dễ dàng được thực hiện như thế thì liệu sau chất thải dầu thì sẽ là chất gì, sẽ kiểm soát như thế nào? Khi đó hậu quả sẽ nghiêm trọng đến thế nào, và cũng không thể coi thường nguy cơ tính mạng hàng vạn, hàng triệu người có thể bị đe dọa nghiêm trọng.

Qua sự cố này, cũng bộc lộ ra quy trình sản xuất nước sạch cung cấp cho hàng triệu người dân Hà Nội và các địa phương khác còn rất lỏng lẻo, nguồn nước có thể bị “xâm hại” bất cứ lúc nào.

Đương nhiên, sự cố là điều không ai mong muốn và có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhưng cách xử lý sự cố đó thế nào, trách nhiệm của cơ quan chức năng và các bên liên quan ra sao mới là vấn đề cần phải bàn. Chủ tịch UBND TP.Hà Nội tuyên bố sẽ điều tra trách nhiệm của công ty cấp nước Sông Đà. Một vài cá nhân có thể sẽ phải trả giá vì sự vô trách nhiệm lần này. Song sự an toàn tính mạng của hàng vạn người dân có được đảm bảo bằng sự trả giá của một doanh nghiệp, hay vài cá nhân? Ai sẽ bảo vệ người dân nếu có những thảm họa không được cảnh báo kịp thời? Ai sẽ bảo vệ người dân nếu các công ty cung cấp dịch vụ thiết yếu làm ăn vô đạo đức?

Đã đến lúc, không thể để người dân phải sống trong sự lo lắng, bất an, khi mà họ vẫn phải trả tiền để mua nước sạch, để được sống cuộc sống tốt hơn thì lại vẫn phải phó mặc sức khỏe, tính mạng của mình vào sự “may rủi” không được báo trước. Thông tin bất nhất, phản ứng yếu ớt, thái độ vô cảm của chính quyền mới thực sự là điều nhân dân lo ngại.

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, trung bình mỗi năm có khoảng 9.000 người tử vong vì nguồn nước ô nhiễm, trên 200.000 trường hợp phát hiện ung thư. Một trong những nguyên nhân là do sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm. Đây là mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí cả tính mạng của người dân.

Ngọc Thành

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/biet-nuoc-ban-van-cung-cap-cho-dan-tot-cung-cua-su-vo-cam-post69322.html