Biết ơn tinh thần 'Chim Sắt'

Để có ngày miền Nam hoàn toàn được giải phóng, non sông thu về một mối đã có biết bao người con hy sinh tuổi xuân nơi chiến trường khốc liệt.

Để có ngày miền Nam hoàn toàn được giải phóng, non sông thu về một mối đã có biết bao người con hy sinh tuổi xuân nơi chiến trường khốc liệt, nhất là những chiến sĩ biệt động đánh địch ở ngay trong lòng địch như chị Lê Thị Thu Nguyệt – nguyên mẫu được khắc họa xúc động trong tác phẩm “Nụ cười Chim Sắt” của Võ Thu Hương.

Tuổi thơ khó khăn

“Nụ cười Chim Sắt” được mở ra bằng câu chuyện về tuổi thơ đầy mất mát của Lê Thị Thu Nguyệt. Từ nhỏ, cô bé Nguyệt đã phải đối mặt với những khó khăn đầu tiên khi hoạt động cách mạng bí mật của cha mình bị lộ: “Chỉ sau chừng một tiếng, khi trời vừa chuyển sáng, nội tôi, ba và mẹ quyết định chuyển về vùng giải phóng ngay trong ngày hôm đó. Không may cho ba, hoạt động của ông bị bại lộ ở giai đoạn cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Pháp”.

Tác phẩm 'Nụ cười Chim Sắt' giúp người đọc hình dung rõ nét hơn về hình tượng những người chiến sĩ hoạt động bí mật ở trong lòng địch. Ảnh: Anh Sơn.

Thế là bé Nguyệt đã băng qua hơn 500km đường trường cùng gia đình, từ Sài Gòn hoa lệ đến với một vùng quê nghèo ở miền Trung, nơi “Nắng gió khắc nghiệt gấp nhiều lần Sài Gòn nhưng lại yên bình hơn Sài Gòn nhiều”.

Cuộc sống tuy cực khổ nhưng bà con nơi đây luôn có “tính tình nồng hậu, ấm áp” và chính tại vùng đất cằn cỗi này, mầm cây sức sống đã được vun lên trong lòng bé Nguyệt khi cô được dạy hát, dạy múa, tham gia hoạt động tập thể của đội do anh Thái phụ trách.

Nghèo khó, vất vả nhưng vui đó là quãng thời gian tuổi thơ mà Nguyệt trải qua tại vùng giải phóng. Tuy nhiên, cú sốc đầu đời khi mẹ bất ngờ ra đi và cha lấy vợ lẽ đã đẩy cô bé Nguyệt phải đối mặt với những thử thách mới để rồi trở nên cứng cáp, mạnh mẽ hơn.

Tại những trang sách kể về tuổi thơ của bé Nguyệt trên mảnh đất miền Trung này, độc giả sẽ bật cười vì những câu nói ngô nghê như: “Con thích anh Thái lắm, lớn lên con sẽ cưới anh ấy” từ cô bé hàng xóm hay chuyện chiếc áo dài trắng để mặc vào dịp quan trọng của bà nội đã bị “phục chế” bởi bé Nguyệt để biểu diễn văn nghệ.

Nhưng chính từ những điều tưởng chừng ngô nghê của trẻ con ấy, bài học đầu đời về đức tính trung thực, dám nhận lỗi hay dũng cảm làm nhiệm vụ đã được khéo léo dạy cho những cô bé, cậu bé.

“Chim Sắt” gan góc, táo bạo

Chị Lê Thị Thu Nguyệt – nguyên mẫu được khắc họa xúc động trong tác phẩm 'Nụ cười Chim Sắt' của Võ Thu Hương. Ảnh tư liệu.

Có lẽ chính nhờ có một tuổi thơ khốn khó cùng với việc được dạy dỗ chu đáo, khi lớn lên Nguyệt đã từng bước trở thành một chiến sĩ của “đội biệt động đầu tiên ở Sài Gòn được thành lập mang tên đội Chim Sắt 159”.

Chỉ với suy nghĩ thật đơn giản là đánh Mĩ để có thể được sum họp với người cha đã tập kết ra Bắc, bất chấp tuổi tác chỉ là em út trong đội, Nguyệt vẫn quyết tâm hoạt động năng nổ và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Những rào cản phổ biến thời bấy giờ như con gái không thể đi học tiếp lên cao mà phải học nữ công gia chánh vì gia đình không đủ điều kiện kinh tế hay người chồng, người bố bị bắt đi vô cớ dẫn đến cái chết thương tâm của chị Liệu đã tôi rèn lên tinh thần quả cảm và càng định hướng thêm con đường chiến đấu của Nguyệt.

Cùng với đó, tác giả Võ Thu Hương đã khắc họa một cách chân thực những nhiệm vụ khó khăn mà “Chim Sắt” phải thực hiện như phá hủy chiếc trực thăng trong một cuộc triển lãm xuyên tạc của địch hay vận chuyển đạn dược vũ khí vào nội thành Sài Gòn, góp phần vào thành công của trận đánh trụ sở MAAG.

Những thử thách dọc trên tuyến đường vận chuyển như phải qua mặt cảnh sát khi bị khám xét hay vượt qua cung đường nguy hiểm mà Nguyệt phải đối mặt thực sự được kể lại rất hấp dẫn, thách thức trí tuệ và tinh thần quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của người chiến sĩ biệt động.

Nhưng có lẽ, nhiệm vụ ấn tượng nhất của cô bé “Chim Sắt” và đồng đội trong lòng độc giả cũng như đã trở nên nổi tiếng là khi có thể “đánh địch trong lòng địch”.

Chấp nhận điều tiếng, rắc rối từ xã hội, thậm chí cả những hoài nghi từ người thân để có thể xâm nhập vào sân bay với danh nghĩa “bồ nhí” một người đàn ông đứng tuổi có vợ con, “Chim Sắt” đã từng bước hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình mặc dù đôi lúc cô vẫn cảm thấy áy náy trong công việc.

Thật đáng tiếc là do chiếc đồng hồ gặp phải trục trặc ở trên không khiến cho quả mìn bị kích nổ muộn, không thể tiêu diệt gọn chiếc máy bay chở 80 sĩ quan Mĩ và binh lính nhưng đã kịp gây tiếng vang lớn khi chiếc máy bay nổ tung ngay trên sân bay.

Trận đánh này không chỉ cho thấy tài năng và sự nhanh trí của người lính biệt động, mà còn thể hiện được đặc thù chấp nhận hy sinh trong thầm lặng để hoàn thành nhiệm vụ.

Lòng can đảm còn được khắc họa rõ nét hơn khi Nguyệt bị bắt và tù đày, tra tấn do một kẻ chỉ điểm. Trong chốn lao tù, ngoài những người đồng chí vẫn tiếp tục chiến đấu, kiên trung trước đòn roi, ta cũng có thể thấy được những kẻ rời bỏ lí tưởng, phản bội đồng chí, đồng đội.

Cũng từ đây độc giả hôm nay có thể thấy được sự khắc nghiệt của chiến tranh và chính tính chất công việc của người lính biệt động khi ranh giới giữa kiên cường và phản bội rất mong manh, chỉ một phút yếu lòng là ai cũng có thể mắc phải những sai lầm tai hại.

Để có được nền hòa bình như ngày hôm nay đã có biết bao người con ưu tú của đất Việt phải ngã xuống, trong đó có cả sự hy sinh thầm lặng của những người lính biệt động.

Tác phẩm “Nụ cười Chim Sắt” của tác giả Võ Thu Hương giúp người đọc hình dung rõ nét hơn về hình tượng những người chiến sĩ hoạt động bí mật ở trong lòng địch để cùng khâm phục, tự hào và biết ơn các anh, các chị hiến dâng tuổi trẻ cho đất nước mãi thanh xuân!

Anh Sơn

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/biet-on-tinh-than-chim-sat-post647459.html