'Biệt phủ' của quan chức và những nỗi hoài nghi

Quan chức là những người làm công ăn lương, vậy họ lấy tiền ở đâu xây biệt phủ. Nỗi nghi hoặc càng tăng nếu không làm rõ được nguồn tiền!

Thời gian gần đây, liên tục có thông tin về những "biệt phủ" hoành tráng, lâu đài nguy nga xuất hiện ở các địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền núi. Các công trình hoành tráng, xa xỉ đến mức người ta liên tưởng tới các phủ chúa, cung vua thời phong kiến. Điều đáng nói là những công trình hoành tráng đó lại là của các quan chức được cho là công bộc của dân.

Biệt phủ ở Yên Bái đang gây xôn xao dư luận (Ảnh: Dân trí)

Biệt phủ ở Yên Bái đang gây xôn xao dư luận (Ảnh: Dân trí)

Trong lúc chúng ta phấn đấu để cán bộ, công chức, viên chức sống được bằng lương thì lại xuất hiện những cán bộ quản lý giàu có bất thường trong khi việc giải trình lại không thuyết phục. Họ đưa ra các bằng chứng về việc lao động vất vả, về việc kiếm tiền chính đáng để minh chứng cho sự giàu có của mình… nhưng chẳng ai tin, thậm chí thấy nực cười.

Trở lại với những khối tài sản khổng lồ của một số quan chức giàu bất thường, dư luận hoàn toàn có quyền đặt dấu hỏi lớn. Bởi theo đánh giá mới nhất của Tổ chức minh bạch Quốc tế, Việt Nam chưa tạo ra sự thay đổi mang tính đột phá trong cảm nhận về tham nhũng trong khu vực công và tiếp tục nằm trong nhóm các nước mà tham nhũng được cho là nghiêm trọng.

Khi đất nước còn nghèo thì nghi vấn đầu tiên với việc giàu có của một số người làm trong các cơ quan Nhà nước chính là tham nhũng. Tham nhũng ở đây không đơn thuần là việc vòi vĩnh, lấy tiền của người dân và doanh nghiệp; mà đó còn là sự trục lợi chính sách, điều chỉnh chính sách kinh tế - xã hội theo hướng có lợi cho bản thân và nhóm lợi ích. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, sự giàu có của những người “cầm”, “nắm”, điều hành chính sách là sự kiệt quệ, nghèo khó của người dân và doanh nghiệp gia tăng.

Chính vì thế, khi đất nước có quá nhiều biệt phủ, biệt thự hoành tráng của quan chức thì niềm tin của dân với hệ thống quản lý, hệ thống chính trị lại càng suy giảm, sự bức xúc gia tăng. Cho dù chúng ta đã có yêu cầu về việc minh bạch nguồn gốc tài sản, nhưng với cơ chế quản lý nguồn tiền hiện nay của nước ta thì việc kê khai, công khai, minh bạch chỉ là hình thức. Cho nên, khi báo chí, dư luận phát hiện ra bất cứ sự bất thường nào, dù quan chức đó, cơ quan đơn vị liên quan có giải trình, có tiếp tục công khai thì người dân cũng không tin.

Thực tế đời sống xa hoa của một số quan chức hiện nay đã khiến người dân có cách nhìn méo mó về đội ngũ cán bộ công chức; mất niềm tin vào bộ máy công quyền, khiến người dân suy nghĩ tiêu cực khi cho rằng có cơ hội đổi đời vào cơ quan Nhà nước khi "nắm quyền","lách luật" hay "lợi dụng cơ chế".

Trong lúc ở nhiều địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa tỷ lệ đói nghèo còn gia tăng, nhiều em nhỏ không đủ ăn đủ mặc, không được cắp sách đến trường thì bức tranh tương phản giữa biệt phủ và cuộc sống nghèo đói của người dân lại càng trở nên chua chát, đáng phê phán, làm xói mòn niềm tin xã hội./.

An Nhi/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/vov-binh-luan/biet-phu-cua-quan-chuc-va-nhung-noi-hoai-nghi-645596.vov