Biết sai nhưng vẫn cấp tín dụng, 5 nhân viên công ty tài chính cao su lãnh án

Các nhân viên tín dụng, kế toán tại công ty Tài chính cao su Việt Nam biết 21 bộ hồ sơ không đủ điều kiện được cho vay, nhưng vẫn cố ý đề xuất, sau đó giải ngân theo 21 hồ sơ thế chấp vay này, khiến công ty tài chính bị thiệt hại nghiêm trọng.Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam xin khoan hồng cho các bị cáo

Bị cáo Đặng Thị Kim Anh – 1 trong 5 bị cáo của vụ án.

Bị cáo Đặng Thị Kim Anh – 1 trong 5 bị cáo của vụ án.

Nhiều cán bộ, nhân viên dính sai phạm

Công ty Tài chính cao su Việt Nam (công ty TCCS - thuộc tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam - VRG) là tổ chức tín dụng, có nhiệm vụ huy động vốn và sử dụng vốn vay để cho cá nhân, tổ chức vay ngắn, trung và dài hạn...

Từ 2009 - 2011, Trần Quốc Hoàng (SN 1978, ngụ phường 8, quận 4, TP.HCM), nhân viên phòng Tín dụng công ty TCCS) lâm cảnh nợ nần do thua bạc. Để có tiền trả nợ, Hoàng mượn tài sản của nhiều người, lập 21 bộ hồ sơ tín dụng, giả chữ ký của chủ tài sản rồi mang thế chấp vào công ty để vay tiền.

Nhận được hồ sơ từ Hoàng, 5 nhân viên tín dụng, kế toán của công ty TCCS Việt Nam, gồm: Đặng Thị Kim Anh (nguyên trưởng phòng kế toán), Nguyễn Thị Lệ Hằng (quyền Trưởng phòng kế toán), Lê Anh Tuấn (kế toán tín dụng), Nguyễn Hồng Hải (kế toán tín dụng) và Trần Thị Thu Hiền (kho quỹ) dù biết 21 bộ hồ sơ do Hoàng lập là sai, không đủ điều kiện được cho vay, nhưng 5 cán bộ này vẫn không báo cáo cho lãnh đạo, mà cố ý đề xuất để giải ngân theo 21 hồ sơ này.

Được Trưởng phòng Tín dụng công ty TCCS Vương Đáng (đã qua đời trước khi hầu tòa) ký đề xuất, Tổng Giám đốc công ty TCCS Phan Minh Anh Ngọc (SN 1951) ký duyệt cho vay và giải ngân. Sau đó, các nhân viên tín dụng, kế toán đã giải ngân theo 21 hồ sơ vay vốn do Hoàng lập giả. Hậu quả là tạo điều kiện cho Hoàng chiếm đoạt 44,43 tỷ đồng của công ty TCCS.

Với hành vi trên, 7 lãnh đạo, nhân viên công ty TCCS đều bị điều tra, truy tố hình sự. Theo đó, Phan Minh Anh Ngọc (nguyên Tổng Giám đốc công ty TCCS Việt Nam) bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Trần Quốc Hoàng bị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Nhóm 5 cán bộ tín dụng, kế toán kê trên đã có hành vi giúp sức cho Hoàng, để xuất, giải ngân theo các hợp đồng giả nên bị truy tố về tội Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động tổ chức tín dụng.

Ngày 4/6/2015, nhóm đối tượng nói trên bị TAND TP.HCM đưa ra xét xử sơ thẩm lần 1. HĐXX sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Trần Quốc Hoàng tù chung thân vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nguyên Tổng Giám đốc Phan Minh Anh Ngọc bị tuyên phạt 5 năm tù về tội Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước.

Các cựu nhân viên tín dụng, kế toàn gồm Đặng Thị Kim Anh bị tuyên phạt 7 năm tù; Nguyễn Thị Lệ Hằng bị tuyên phạt 5 năm tù; Lê Anh Tuấn, Nguyễn Hồng Hải và Trần Thị Thu Hiền mỗi người 4 năm về tội Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động tổ chức tín dụng.

Bản án sơ thẩm lần 1 sau đó bị VKSND TP.HCM và VKSND Cấp cao tại TP.HCM kháng nghị đổi tội danh, tăng án đối với bị cáo Ngọc. Ngoài các kháng nghị, nhiều bị cáo trong vụ án này kháng cáo kêu oan, hoặc xin giảm nhẹ hình phạt.

Ngày 12/12/2016, TAND Cấp cao tại TP.HCM xét xử và tuyên y án chung thân đối với Hoàng; Chuyển tội danh của Ngọc từ Thiếu trách nhiệm sang tội Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và tuyên phạt Ngọc 6 năm tù giam.

Tòa Phúc thẩm cũng nhận định kháng cáo của nhóm bị cáo Đặng Thị Kim Anh, Nguyễn Thị Lệ Hằng, Lê Anh Tuấn, Nguyễn Hồng Hải và Trần Thị Thu Hiền là có căn cứ, bởi còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ, nhất là quy trình tính dụng (QTTD) ban hành kèm theo Quyết định số 04/QĐ-HĐQT (QĐ số 04) ngày 9/7/2004 của công ty TCCS. Để làm rõ trách nhiệm của từng bị cáo, tránh xảy ra oan sai, tòa Phúc thẩm quyết định hủy án của nhóm bị cáo này, trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Sau quá trình điều tra bổ sung, cơ quan CSĐT bộ Công an đã kết luận theo quy định, ngoài nhiệm vụ của kế toán trong hoạt động cho vay, còn kiểm tra tính đúng đắn hợp pháp, hợp lệ của hồ sơ khách hàng, hồ sơ tín dụng và giao tiền đúng đối tượng thụ hưởng. Năm bị can Đặng Thị Kim Anh, Nguyễn Thị Lệ Hằng, Lê Anh Tuấn, Nguyễn Hồng Hải và Trần Thị Thu Hiền biết rõ 21 hồ sơ tín dụng không đủ thủ tục, điều kiện giải ngân vẫn lập phiếu chi giải ngân tạo điều kiện cho Hoàng chiếm đoạt tài sản của công ty. Từ đó, cơ quan điều tra tiếp tục đề nghị truy tố các bị can này về hành vi vi phạm quy định về cho vay.

VKSND Tối cao sau đó đã phê chuẩn quyết định truy tố nhóm cán bộ tín dụng, kế toán này và ban hành cáo trạng truy tố Đặng Thị Kim Anh, Nguyễn Thị Lệ Hằng, Lê Anh Tuấn, Nguyễn Hồng Hải và Trần Thị Thu Hiền.

Kêu oan bất thành

Một ngày giữa tháng Ba, TAND TP.HCM đưa các bị cáo Đặng Thị Kim Anh, Nguyễn Thị Lệ Hằng, Lê Anh Tuấn, Nguyễn Hồng Hải và Trần Thị Thu Hiền ra xét xử về tội Vi phạm quy định về cho vay trong các tổ chức tín dụng. Nhóm 5 bị cáo này tiếp tục kêu oan.

Trong đó, bị cáo Kim Anh khai có biết QTTD ban hành kèm theo quyết định số 04 nhưng không được phổ biến. Công ty TCCS đã chấm dứt áp dụng QTTD này kể từ ngày 11/4/2008, được thay thế bằng văn bản số 259/TB-TCCS ngày 11/4/2008.

Bốn bị cáo Nguyễn Thị Lệ Hằng, Lê Anh Tuấn, Nguyễn Hồng Hải, Trần Thị Thu Hiền tiếp tục kêu oan và khai không biết quyết định số 04, Việc cơ quan điều tra căn cứ vào quyết định số 04, kèm theo QTTD “4 không” (không số, không dấu, không ngày tháng, không có chữ ý) để quy kết kế toàn “cố ý đề xuất, quyết định giải ngân” là chưa đủ căn cứ, không đúng sự thật.

Sau nhiều ngày xét xử và nghị án, HĐXX nhận định, dù các bị cáo kêu oan, nhưng căn cứ vào hồ sơ, tài liệu cùng kết quả tranh tụng tại phiên xử, tòa xác định các bị cáo phạm tội như cáo trạng đã truy tố. Việc các bị cáo quanh co, chối tội và không nhận rõ hành vi sai phạm nên không được hưởng tình tiết giảm nhẹ về thành khẩn khai báo, ăn năn, hối cải. Dù vậy, tòa ghi nhận những tình tiết giảm nhẹ khác về nhân thân, thành tích trong công tác... để chiếu cố phần nào hình phạt.

Từ các nhận định trên, HĐXX tuyên phạt bị cáo Đặng Thị Kim Anh 7 năm tù, Nguyễn Thị Lệ Hằng 5 năm tù; Lê Anh Tuấn, Nguyễn Hồng Hải và Trần Thị Thu Hiền cùng mức án 4 năm tù về tội Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động tổ chức tín dụng.

Trong vụ án này, tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) được xác định là bị hại nhưng cũng có văn bản gửi tòa án. Theo đó, VRG cho rằng, nhân viên phòng tài chính, kế toán không thực hiện đúng quy trình là vi phạm quy định cho vay. Tuy nhiên khi xem xét trách nhiệm hình sự cần xem xét từ nhiều khía cạnh như việc triển khai quyết định số 04 của hội đồng quản trị, áp lực của cấp trên lãnh đạo trong việc giải quyết cho vay... Từ đó, VRG mong tòa án xem xét tính chất, mức độ hoàn cảnh, hậu quả của từng bị cáo để xem xét trách nhiệm một cách khách quan, khoan hồng đúng quy định.

Công Thư

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật Chủ nhật số 13.

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/phap-luat/biet-sai-nhung-van-cap-tin-dung-5-nhan-vien-cong-ty-tai-chinh-cao-su-lanh-an-a317175.html