Biệt tài định giá giá trị tài sản vô hình của Warren Buffett

Warren Buffett luôn đầu tư một cách cẩn trọng, để tránh rủi ro và thu về lợi nhuận ở mức cao nhất. Với ông, kinh doanh là một hành trình dài, muốn thành công cần bền bỉ.

Warren Buffett là một nhà đầu tư khôn ngoan, ông đã chinh chiến trên thương trường hơn ba thập kỷ và xây dựng được đế chế của mình. Ảnh: C.F.

Warren Buffett là nhà đầu tư vĩ đại nhất thời đại chúng ta và là người xuất chúng nhất trong nhóm các nhà đầu tư giá trị thành công lớn dưới sự dìu dắt của người cha thông tuệ Ben Graham. Các cuốn sách của Graham: Security Analysis (Phân tích chứng khoán, 1934) và The intelligent investor (Nhà đầu tư thông minh, 1949) đã trở thành kinh thánh của trường phái đầu tư giá trị.

Về cơ bản, Graham chia nghệ thuật đầu tư thành hai biến số đơn giản: giá và giá trị. Giá trị là sự đáng giá của một doanh nghiệp. Giá là những gì bạn phải trả tiền để có được. Với sự khủng hoảng của thị trường chứng khoán, nhiều trường hợp giá thị trường khác xa so với giá trị thực. Trong tình huống đó, một nhà đầu tư có thể mua 1 USD với giá 50 xu. Lưu ý rằng ở đây không đề cập đến tỉ lệ lãi suất, dự báo kinh tế, biểu đồ kỹ thuật, chu kỳ thị trường, v.v… Vấn đề duy nhất chỉ là giá và giá trị.

Tôi cũng lưu ý rằng, Graham nhấn mạnh vào "biên an toàn" [1]. Chiến lược không phải là mua 1 USD giá trị với giá 97 xu. Thay vào đó, biên độ nên đủ lớn để kiểm soát được các khoản tính toán sai và những phát sinh xấu.

Như Buffett đã nói, khi xây dựng một cây cầu, bạn khẳng định nó có thể chịu được tải trọng 30.000 kg, nhưng bạn chỉ lái xe với tải trọng là 10.000 kg qua nó. Thời gian qua, danh mục đầu tư đa dạng của những cổ phiếu như vậy đã mang lại lợi nhuận vượt trội với rủi ro dưới mức trung bình.

Trong ba thập niên qua, Buffett đã liên tục tìm cách sở hữu tất cả hoặc một phần các doanh nghiệp tốt để có giá hời. Các kết quả đều đáng kinh ngạc.

Khoản đầu tư 10.000 USD vào hợp doanh Buffett năm 1956 đến năm 1969 đã tăng lên thành 200.000 USD, mức lãi suất kép thường niên là 25,9%. Thật đáng kinh ngạc, hợp doanh này chưa từng thua lỗ năm nào, dù trong thời gian đó thị trường chứng khoán có sáu năm sụt giảm. Quả thực, lợi nhuận là vượt trội với rủi ro dưới trung bình.

Năm 1969, hợp doanh giải thể, và Berkshire Hathaway, tiền thân là một công ty dệt nhỏ của New England, trở thành cơ sở đầu tư của ông. Cổ phiếu Berkshire sau đó có giá 40 USD/cổ phiếu. Hiện nay giá của nó ở vào khoảng 2.850 USD, lãi suất kép thường niên là 28,5%. Vậy là, trong ba thập niên, dưới sự kiểm soát của Buffett, tiền đã tăng với tốc độ chóng mặt.

Mặc dù đã biết kết quả của nhiều năm này, tôi vẫn ngạc nhiên về kỳ tích của ông.

Tôi rất háo hức khi lần đầu tiên tham dự đại hội cổ đông thường niên của Berkshire Hathaway.

Công việc kinh doanh trong ngày được kết thúc trước vài phút, tại thời điểm bắt đầu phiên hỏi đáp kéo dài 2,5 giờ. Trong số các bình luận của Buffett và Munger, đây là những bình luận tôi cảm thấy có ý nghĩa nhất.

- Về giá trị kinh doanh nội tại: Khái niệm này là phương pháp tiếp cận cốt lõi của Buffett. Buffett định nghĩa “giá trị nội tại là giá trị mà một công ty nhận được khi được bán cho người mua hiểu biết”. Định nghĩa này khác với quan điểm định giá dựa trên con số của Ben Graham, vì nó định giá cho cả các tài sản vô hình như tài năng quản lý và nhượng quyền thương mại.

Chính biệt tài định giá giá trị tài sản vô hình này khiến Buffett trở nên khác biệt so với đám đông.

- Về lạm phát: Buffett nói rằng nó là một hiện tượng chính trị, không phải là một hiện tượng kinh tế. Chừng nào các chính trị gia còn thiếu kiềm chế, họ sẽ in thêm rất nhiều tiền. Mặc dù có lẽ phải hai năm hoặc lâu hơn mới đến tình trạng đó, nhưng Buffett đã nhìn ra được “mức lạm phát đáng kể” và “tỉ lệ lạm phát mà chúng ta chưa từng thấy”.

Đây quả là những ngôn từ mạnh mẽ đối với Buffett, người trước đó vốn được xem là luôn nói giảm nói tránh và tự ti, vì vậy đừng xem nhẹ chúng. Nếu Buffett đúng thì nên tránh đầu tư vào các trái phiếu kỳ hạn dài và các khoản đầu tư dễ bị ảnh hưởng bởi lạm phát.

- Dự báo kinh tế: Đúng như nguyên tắc của Graham, Buffett cho biết ông không quan tâm tới triển vọng kinh tế. Các quyết định của ông chỉ đơn giản dựa trên các giá trị nội tại.

Thú vị ở chỗ, bất chấp các dự cảm về lạm phát, Buffett không hề có ý định thay đổi chiến lược của mình (chiến lược hiệu quả với ông trong suốt ba thập niên qua). Trong điều kiện tốt nhất, ông sẽ cố gắng tìm kiếm những doanh nghiệp có thể theo kịp lạm phát.

- Về công ty Capital Cities/ABC: “Hệ thống quản trị của Cap Cities là tốt nhất trong số các công ty thuộc sở hữu công của nước Mỹ.” Buffett đã giải thích lý do cho thương vụ mua lại lớn nhất năm trước đó.

Berkshire đã giúp thúc đẩy việc sáp nhập hai gã khổng lồ truyền thông này, đầu tư 517 triệu USD vào 3 triệu cổ phiếu (tương đương 172,50 USD/cổ phiếu) của công ty mới.

Cổ phiếu CCB hiện giao dịch ở mức 240 USD/cổ phiếu.

- Về thị trường chứng khoán: Trong khi các nhà đầu tư hoạt động như những chú chuột Lemming [2] thì Buffett đã nhận thấy rằng chúng ta có thể thu nhiều lợi nhuận trên thị trường hơn là từ việc mua các công ty. Tuy nhiên, những thời điểm như vậy là rất hiếm. Hiện tại, “chúng ta chưa thấy loại chứng khoán ngắn hạn nào có thể đem về lợi nhuận cho chúng ta”.

Buffett và Munger rời khỏi thị trường. Các doanh nghiệp yêu thích của họ - truyền thông, hàng tiêu dùng, bảo hiểm, đã có sự tăng trưởng ngoạn mục về giá trong suốt giai đoạn thị trường bò này.

Có lẽ bạn sẽ đặt câu hỏi: “Nếu Buffett rời khỏi thị trường thì chúng ta có nên làm theo hay không?” Đây là một câu hỏi khó. Cần học hỏi từ Buffett, nhưng không phải là bắt chước ông ấy.

Khi bán, Buffett không dự tính sẽ có sự sụt giảm, dù điều đó chắc chắn sẽ xảy đến vào một ngày nào đó. Ông ấy chỉ đơn giản hành động dựa trên quan sát rằng các giá trị nội tại của các cổ phần ông nắm giữ được phản ánh đầy đủ ở giá thị trường hiện tại.

Giá trị tài sản của Berkshire Hathaway hiện nay là 3,1 tỉ USD. Số lượng công ty sở hữu dù ít nhưng đủ chất lượng và có ý nghĩa đối với Buffett. Hầu như cổ phiếu blue chips sẽ không có giá rẻ. Tuy nhiên chúng ta cũng không bị quá giới hạn. Có hàng nghìn công ty nhỏ tuyệt vời mà chúng ta có thể xem xét.

[1] Nguyên gốc “margin of safety”, là một nguyên lý đầu tư, trong đó nhà đầu tư chỉ mua chứng khoán khi giá thị trường thấp hơn nhiều so với giá trị nội tại của chứng khoán đó. Nói cách khác, khi mức giá thị trường thấp hơn nhiều so với mức giá nội tại mà nhà đầu tư xác định thì khoảng chênh lệch giữa hai giá trị này được gọi là biên an toàn (BBT).

[2] Chuột Lemming là một loài động vật gặm nhấm nhỏ, sống ở gần Bắc Cực. Chúng có tập tính không ngủ đông, sống đơn độc, chỉ gặp nhau vào mùa sinh sản.

Daniel Pecaut, Corey Wrenn/ Best Books và NXB Công thương

Nguồn Znews: https://znews.vn/biet-tai-dinh-gia-gia-tri-tai-san-vo-hinh-cua-warren-buffett-post1463823.html