Biết thế... liệu có đúng?

Một tháng sau ngày nghỉ hưu, ông Hùng quyết định rũ bỏ cái sự 'buồn đầu, buồn chân, buồn tay' bằng quyết định về quê nghỉ ngơi, củng cố lại sức khỏe, hâm lại các mối quan hệ với anh em dòng tộc và bạn bè thời niên thiếu.

Hôm ấy, sau bữa cơm thân mật với bạn bè gọi là mừng ngày “hồi hương bền vững”, khi mọi người đã về hết, ông Hương ngỏ ý mời ông Hùng cùng đi làm vườn cho khuây khỏa.

Ông Hương và ông Hùng vốn là bạn nối khố thời niên thiếu, cùng chăn trâu, cắt cỏ ngày xưa và cùng nhập ngũ một ngày nên có nhiều kỷ niệm gắn bó. Hết chiến tranh, ông Hương không chọn con đường đi học mà ra quân và về quê quyết theo đuổi cơ đồ, làm bạn với cái cày, cái cuốc mà các cụ bao đời để lại. Ông đôn đáo, năng động và xây dựng được gần 1.000m2 trồng ổi, lê và cam sạch theo mô hình VietGap nên cho thu nhập kha khá. Không giống ông Hương, sau chiến tranh ông Hùng đi học bổ túc văn hóa, rồi học đại học. Ra công tác, ông Hùng miệt mài phấn đấu và làm đến chức cục trưởng thuộc một bộ có nhiều quyền uy trong xuất khẩu hàng hóa. Mấy năm trước, khi cậu con trai lớn của ông Hương đã học xong đại học và chờ xin việc thì được ông Hùng ra tay giúp đỡ, xin vào làm ở cơ quan trên Hà Nội. Ông Hương phấn khởi lắm và coi ông Hùng như ân nhân. Thế nên, ngoài tình bạn thủa hàn vi, giữa hai ông còn có một sợi dây khác níu kéo vô hình nhưng bền chặt. Ngày ông Hùng còn đương chức, mỗi khi lên thành phố có việc là kiểu gì ông Hương cũng phải rẽ qua thăm gia đình bạn.

Sau mấy ngày “đội nắng, đội mưa” theo ông Hương lăn lộn ngoài vườn xới gốc, nhổ cỏ cho cam, cho ổi, khuôn mặt trắng hồng vì ngồi trong phòng lạnh điều hòa của ông Hùng đã dần xạm nắng. Lòng bàn tay cầm cuốc có vài nốt phồng rộp, những ngón mũi mĩm vốn đỏ hồng cầm bút ký xưa kia cũng bắt đầu nhiễm tia cực tím.

Hôm ấy, dù cho công việc dang dở, nhưng ông Hương kiên quyết không cho ông Hùng làm nữa. Ông thông báo, đứa con trai mà ông Hùng xin việc cho đã vào biên chế chính thức sau hơn 3 năm tập sự. Ông vui ra mặt và cười nói râm ran. Ông bảo, cái thằng nông dân muôn đời cày cuốc như ông chẳng mơ có ngày con được làm trong cơ quan nhà nước ở Hà Nội. Nay thì ước mơ ấy đã thành sự thật. Quả là mở mày mở mặt với hàng xóm và thiên hạ.

Nghe thế, khuôn mặt ông Hùng thoáng buồn. Ông bảo, đó là may mắn và cháu nó cũng là người có năng lực, ham học hỏi và có chí hướng. Nhưng ông biết không, để lo được cho cháu nó vào cơ quan ấy tôi bị mang tiếng cả đời đấy!

- Ô hay, ông vừa khen con tôi có chí, năng lực thế thì tại sao lại phải mang tiếng?

Ông không biết đấy thôi, để lo cho cháu vào cơ quan bên ấy tôi phải nhờ người có chức quyền ở bên đó với điều kiện là tôi phải nhận con anh ta về làm việc. Nói cụ thể là đổi đi đổi lại mới xong chuyện. Nhưng điều quan trọng là, khi về cơ quan, con anh ta được cán bộ, nhân viên gọi với cái tên là “vô tích sự”. Công việc chính mà anh ta làm được ông có biết là gì không? Ông không thể tưởng tượng nổi một thạc sĩ mà chỉ thay mọi người làm vệ sinh, đánh rửa ấm chén, lau nhà và đi lĩnh văn phòng phẩm cùng các việc vặt khác. Việc chuyên môn thì anh ta thuộc diện “gà mờ”. Cũng vì chuyện này mà tôi xấu hổ và quyết định nghỉ hưu trước một năm đấy. Đỡ phải nghe lời ra tiếng vào của cấp dưới và đồng nghiệp.

- Trời, tôi không nghĩ chuyện nhà nước mà các ông gánh vác nó lại phức tạp đến vậy cơ chứ? Thế ra, bấy lâu nay, con đường tôi chọn làm anh nông dân chuyên nghiệp thay vì đi học như ông sau xuất ngũ lại là đúng. Đỡ lo nghĩ việc công, không tranh đoạt chức quyền, địa vị với mọi người sống khỏe. Vợ chồng tôi sống thanh thản, an nhàn, mỗi năm thu nhập hơn 200 triệu từ sản phẩm nông nghiệp sạch một cách bền vững và đủ nuôi con ăn học thành người lại là sự thịnh vượng.

- Ông nghĩ cũng có cái phải, nhưng nhiều người trong xã hội hiện nay không nghĩ thế đâu. Với họ, quyền và tiền che lấp cả lòng tự trọng và bản năng xấu hổ. Họ làm mọi thứ miễn là có lợi.

- Thế ông có khẳng định chắc chắn rằng, quyết định về nghỉ hưu trước tuổi của ông là đúng đắn chứ? Ông Hương đột ngột hỏi bạn.

- Dĩ nhiên, tôi cho đó là quyết định đúng. Bao năm lăn lộn ở chiến trường, cái chết nó chừa mình là may mắn hơn nhiều đồng đội còn đang nằm lại ở những cánh rừng già đại ngàn Trường Sơn, hay bên đất của nước bạn Lào. Giờ về nghỉ là để dưỡng sức, dưỡng tâm và hưởng an nhàn thì có gì vui hơn. Ông ạ, tôi nói thật, thời bình, càng làm to thì càng nhiều mối quan hệ và cũng càng lắm nguy cơ. Bởi khi có chức có quyền thì đồng nghĩa với có bổng lộc và cũng nhiều cạm bẫy xung quanh. Khi đã vào guồng máy ấy, khi chủ nghĩa cá nhân rình dập và phát tác thì những người có chức vụ, quyền hạn như tôi khó có thể chối bỏ được những “viên đạn bọc đường” nếu không có sự tỉnh táo cần thiết. Tôi không hổ thẹn với lương tâm vì không bao giờ để “tay nhúng chàm” và làm việc gì đó mà phải hối tiếc. Bà vợ tôi thì nói rằng, anh là con người cổ lỗ sĩ. Người ta thế, anh đứng ngoài cuộc của những “chiêu trò” mà người ta thực hiện thì anh chỉ có thiệt, mà thiệt nhiều nhất vẫn là vợ con, người nhà và bạn bè thân thiết của anh. Giờ ngẫm lại, việc vợ tôi nói cũng có lý. Giá thời còn đương chức tôi bỏ qua những suy nghĩ cao siêu, bớt xấu hổ thì cô ấy và các con tôi đỡ long đong phần nào.

Ông Hương cảm thông với nỗi lòng của bạn và truyền lệnh cho bà xã làm thịt con gà mái tơ chuẩn bị nhảy ồ để liên hoan, gọi là mừng cho sự thanh liêm của bạn. Ông Hùng cảm kích tấm lòng của cố nhân và uống một trận say quắc cần câu.

Những tưởng việc bàn luận về sự thanh liêm của hai ông đã dừng ở đây. Những tưởng việc ông Hương “hạ cánh an toàn” đã là an toàn thì mới đây ông lại được mời đến cơ quan để thanh tra về một số việc trong thời gian giữ chức. Tất nhiên, đó không phải là vấn đề nhân sự mà là những việc khác liên quan đến công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực ông phụ trách. Rất may, trong những việc ấy ông chỉ bị trách nhiệm liên đới, nên không ảnh hưởng nhiều đến thanh danh. Xong việc trở về quê, gặp ông Hương.

Nghe chuyện, ông Hương bảo: “Nếu ông đi quá giới hạn thì chắc gì đã có cơ hội làm dân muôn đời như tôi. Cái thanh liêm của ông mới là tài sản quý giá nhất. Tôi nghĩ, công danh, tiền bạc không thể coi là những số hạng làm nên danh dự của một con người. Ông như vậy mới xứng đáng là bạn tôi”.

Câu chuyện của ông Hùng và ông Hương, hai người ở hai lĩnh vực cuộc sống khác nhau, thậm chí giữa họ còn có nhiều điểm khác trong suy nghĩ, nhưng tựu chung lại ở họ là thấu hiểu giá trị của sự thanh liêm. Đó là điều mà nhiều cán bộ ở các lĩnh vực trong bộ máy cơ quan công quyền nhà nước hiện nay cần suy ngẫm./.

Đức Tâm

Nguồn Tạp chí cộng sản: http://www.tapchicongsan.org.vn/home/sinh-hoat-tu-tuong/2018/52472/biet-the-lieu-co-dung.aspx