Biệt thự 'quan' không phép ở Đồng Nai: Không thể cho tồn tại

Lãnh đạo Huyện ủy Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai khẳng định biệt thự xây dựng sai thì phải xử lý đúng quy định của pháp luật. Dư luận cũng cho rằng phải tháo dỡ, nếu không sẽ thành tiền lệ xấu

Liên quan vụ biệt thự của gia đình ông Nguyễn Văn Đấu, Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Nai, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất (Đồng Nai), ngày 11-8, bà Bùi Thị Bích Thủy, Bí thư Huyện ủy Thống Nhất, cho biết đã chỉ đạo xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, xây sai thì phải tháo dỡ.

Huyện ủy chỉ đạo một đằng, UBND huyện nói một nẻo

Theo bà Thủy, ngay từ đầu, cũng như lãnh đạo Tỉnh ủy Đồng Nai, Bí thư Huyện ủy Thống Nhất đã chỉ đạo UBND huyện Thống Nhất phải rà soát, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm nhưng không hiểu vì sao UBND huyện Thống Nhất lại có cách xử lý không nghiêm minh như đã thông tin với báo chí, gây bức xúc dư luận. Bà Thủy cho biết sẽ có chỉ đạo tiếp tục kiểm tra, xem xét quy trình xử lý đối với vi phạm này. "Trách nhiệm xử lý thuộc UBND huyện nhưng quan điểm chỉ đạo chung là phải đúng quy định, công bằng với mọi công dân. Xây dựng sai thì phải khắc phục, tháo dỡ…" - bà Thủy nói.

Trước đó, bà Lê Thị Kim Trinh, Chánh Văn phòng UBND huyện Thống Nhất, cho biết do ông Nguyễn Văn Đấu đã chuyển nhượng tài sản trên cho con rể và con gái, con rể ông Đấu lại có đơn xin không đập bỏ vì đang "khó khăn về nhà ở" nên UBND huyện cho phép nộp phạt hành chính về hành vi xây dựng trái phép với mức 23 triệu đồng và công trình trên tiếp tục tồn tại.

Ngày 11-8, chúng tôi tiếp tục liên hệ với ông Trần Văn Chiến, Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất, để trao đổi xung quanh việc xử lý công trình vi phạm trên khi dư luận cho rằng có dấu hiệu bao che, không công bằng và nghiêm minh thì ông Chiến cho biết sẽ kiểm tra, rà soát lại.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện gia đình ông Đấu còn có một căn nhà riêng ở phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, đây cũng là địa chỉ đăng ký thường trú của con gái ông Đấu (bà Nguyễn Trần Lê Thủy T., hiện công tác tại Cục Hải quan Đồng Nai, có trụ sở tại TP Biên Hòa). Người con rể ông Đấu là Đinh Tấn T. làm việc tại một công ty xây dựng ở TP HCM. Khu biệt thự cách Biên Hòa gần 50 km, cách TP HCM gần 100 km, được xây dựng theo hình thức vừa ở vừa nghỉ dưỡng.

Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất cho biết sẽ kiểm tra, rà soát lại việc xử lý công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp của gia đình ông Nguyễn Văn Đấu Ảnh: XUÂN HOÀNG

Phải tuân thủ quy định pháp luật

Trước những thông tin liên quan vụ biệt thự của gia đình ông Nguyễn Văn Đấu, nhiều bạn đọc đã bức xúc đặt câu hỏi: Vì lý do gì mà trong thời gian dài, cả công trình lớn trên đất quy hoạch nông nghiệp nhiều người dân đều biết nhưng chính quyền xã vẫn "không tiện" kiểm tra, xử lý? Vì sao gia đình cán bộ ngang nhiên vi phạm lại được ưu ái bỏ qua? Có hay không việc bao che, nhắm mắt làm ngơ?

"Dân thường sai là bị xử nghiêm. Vậy mà gia đình "quan" xây biệt thự trái phép lại cho tồn tại thì quả là khó hiểu. Nhất là cái lý do "khó khăn về nhà ở" nghe sao chướng tai quá!" - bạn đọc Nguyễn Minh Anh nêu.

Có bạn đọc đặt vấn đề: Nếu người dân cũng làm đơn thì không biết có được tồn tại công trình xây trái phép hay bị buộc phải giải tỏa trả lại mặt bằng? "Ông Nguyễn Văn Đấu sai rành rành mà chính quyền xử lý kiểu này, làm sao dân tâm phục khẩu phục, tin tưởng vào sự công tâm của chính quyền địa phương?" - bạn đọc Trịnh Xuân Mai bày tỏ.

Điều dư luận lo lắng chính là việc cho tồn tại khu biệt thự trái phép này sẽ thành tiền lệ, khuyến khích người khác cứ vi phạm rồi đóng tiền phạt là xong, kỷ cương phép nước sẽ ra sao?

"Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai đã khẳng định mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Mong là lời nói đi đôi với việc làm, cưỡng chế tháo dỡ toàn bộ nhà xây dựng trái phép của gia đình ông Đấu trên đất nông nghiệp trả lại hiện trạng ban đầu, kèm theo phạt vi phạm, kỷ luật để làm gương. Có như thế người dân mới thấy được sự bình đẳng của mọi người, dù là cán bộ hay người dân đều phải tuân thủ đúng quy định của luật pháp" - bạn đọc Lê Đạt đề nghị.

Ngoài ra, theo nhiều bạn đọc, với mức thu nhập của một công chức, khó sở hữu khối tài sản lớn như vậy. Việc kiểm soát thu nhập, minh bạch tài sản của công chức hiện nay được thực hiện như thế nào, hiệu quả, hiệu lực ra sao mà nhiều cán bộ có tiền xây biệt phủ, biệt thự "khủng"?

"Luật Phòng chống tham nhũng quy định cụ thể về minh bạch tài sản của công chức lãnh đạo. Tuy nhiên, trong các quy định hiện hành, hầu như việc kê khai tài sản chủ yếu dựa vào tính tự giác của công chức. Ngoài ra, hiện không có quy định cấm hay chế tài xử lý hành vi phát tán thông tin tài sản, thu nhập của công chức; không có quy định thu hồi, sung công số tài sản tăng thêm mà công chức không giải trình rõ nguồn gốc hoặc giải trình không thuyết phục. Đây là kẽ hở không nhỏ, dẫn đến không ít công chức có khối tài sản lớn bất thường nhưng không có chế tài xử lý nên họ vẫn "ung dung" - bạn đọc Trần Hoàn Khanh băn khoăn.

Xuân Hoàng - Vy Thư

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/biet-thu-quan-khong-phep-o-dong-nai-khong-the-cho-ton-tai-20170811224120226.htm