Biểu giá bán lẻ điện mới: Hộ tiêu dùng nào phải trả thêm tiền điện?

Bộ Công thương đang lấy ý kiến cho dự thảo biểu giá bán lẻ điện mới. Theo đó, đối với điện sinh hoạt, Bộ này nghiêng về phương án rút từ 6 bậc thang hiện tại xuống còn 5 bậc hoặc 4 bậc. Biểu giá điện mới đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.

Biểu giá điện mới được cho là không tác động tới người sử dụng điện mức thấp và trung bình.

Biểu giá điện mới được cho là không tác động tới người sử dụng điện mức thấp và trung bình.

Hộ sử dụng ít điện sẽ bị ít tác động?

Trong dự thảo biểu giá bán lẻ điện mới, Bộ Công thương nghiêng về phương án rút từ 6 bậc thang hiện tại xuống còn 5 bậc hoặc 4 bậc. Với việc giảm bớt các bậc thang giá điện, mức giá bán lẻ điện bình quân với nhóm sinh hoạt không thay đổi, nhưng sẽ có nhóm khách hàng được giảm tiền điện và ngược lại.

Ở phương án còn 5 bậc, hộ gia đình sử dụng 270 kWh/ tháng, tiền điện phải trả theo giá hiện hành là 593.482 đồng; nhưng nếu theo phương án 5 bậc đề xuất thì số tiền điện phải trả ít hơn 3.024 đồng, ở mức 590.458 đồng. Những hộ sử dụng từ 700 kWh trở lên, tiền điện phải trả tăng thêm do giá điện cao hơn, tùy theo mức sử dụng của hộ gia đình.

Còn với phương án giá điện chia làm 4 bậc thang, các hộ sử dụng điện từ 119-232 kWh/tháng và trên 806 kWh/tháng sẽ phải trả thêm tiền. Tuy nhiên, mức tăng tiền điện mỗi tháng với các hộ sử dụng điện trong diện này tối đa là 12.100 đồng/tháng.

So sánh giữa phương án 5 bậc và 4 bậc, Bộ Công thương đánh giá phương án 4 bậc không có tác dụng khuyến khích sử dụng tiết kiệm, hiệu quả so với phương án 5 bậc nhưng dễ thực hiện hơn.

Theo ông Trần Tuệ Quang - Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công thương), cơ cấu biểu giá điện mới sẽ giúp khắc phục được một phần tình trạng hóa đơn tiền điện biến động trong những tháng đổi mùa; định hướng giảm bớt số bậc, thu hẹp biểu giá bán lẻ điện cho sinh hoạt với số bậc phù hợp với chênh lệch hợp lý giá điện cho các bậc. Cả 2 phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho sinh hoạt theo đề xuất của Bộ Công thương đều đảm bảo giảm tối thiểu tác động tới các hộ có mức sử dụng thấp, trung bình.

Cụ thể: Đối với phương án 5 bậc, tiền điện các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện cao từ 711 kWh/tháng trở lên (chiếm khoảng 2% số hộ) phải trả tăng thêm; tiền điện của các hộ sinh hoạt có mức sử dụng dưới 711 kWh/tháng đều có tiền điện phải trả không đổi hoặc giảm. Đối với phương án 4 bậc: tăng tiền điện phải trả đối với các hộ có mức sử dụng từ 119 - 232 kWh/tháng và các hộ có mức sử dụng trên 806 kWh/tháng.

Tuy nhiên, theo đánh giá sơ bộ thì tác động tăng tiền điện đối với các hộ có mức sử dụng từ 119 - 232 kWh/tháng là không lớn với mức tiền điện tăng thêm tối đa chỉ 12.100 đồng/tháng/hộ, tương ứng mức tăng tiền điện là 3,25%. Các hộ còn lại có tiền điện phải trả không đổi hoặc giảm.

Về cơ bản vẫn là tăng giá điện

Ông Trần Đình Long - Trưởng ban Khoa học Công nghệ, Hội Điện lực Việt Nam cho biết: Với xu thế sử dụng năng lượng ngày càng nhiều như hiện nay thì số hộ dùng dưới 100 kWh/tháng không quá nhiều, đa số khoảng 100 - 400 kWh/tháng. Ông cho rằng, mỗi hộ gia đình dùng trên 400 kWh/tháng cần phải tiết chế lại.

Như vậy, với cả 2 phương án 5 bậc và 4 bậc đang được đề xuất, mức giá điện được giữ ổn định ở phân khúc 100-400 kWh - phân khúc đang được đại đa số các hộ gia đình tại Việt Nam sử dụng. Giá điện chỉ cao hơn hẳn với phân khúc trên 700kWh, chiếm tỷ lệ khoảng 2% trên tổng số hơn 20 triệu hộ gia đình đang sử dụng điện sinh hoạt hiện nay.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long từng nhận định, cách xây dựng biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt phải đảm bảo các mục tiêu: Một là thực hiện chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ cho người có thu nhập thấp; hai là khuyến khích người tiêu dùng sử dụng điện tiết kiệm.

Tuy nhiên ý kiến cho rằng, cốt lõi là Bộ Công thương muốn tăng giá điện để chiều theo ý của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) sau khi tập đoàn này liên tiếp kêu lỗ.

Anh Nguyễn Tiến Minh ( Đội Cấn - Hà Nội ) cho rằng, chia 4 bậc hay 5 bậc chỉ là hình thức, về cơ bản là tăng giá điện. Với gia đình gồm 4 người, sử dụng các thiết bị tủ lạnh, điều hòa, bếp từ nếu tháng nào sử dụng tiết kiệm cũng phải mất 500.000 đồng tiền điện, còn tháng nắng nóng lên đến 1,4 triệu đồng.

“Chi phí cho tiền điện trong mỗi hộ gia đình không ít. Cho nên mỗi lần nghe thông tin điều chỉnh giá điện có nghĩa là việc điều chỉnh chỉ là sớm hay muộn”- anh Minh nói.

Giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh lần gần đây nhất là ngày 20/3/2019, là 1.864,44 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT), tăng 8,36% so với trước đó (1.720,65 đồng/kWh).

Trong khi đó chị Hoàng Khánh Linh (CT4, tòa nhà The Pride, Hà Đông, Hà Nội) cho rằng, với biểu giá điện 4 bậc hay 5 bậc thì người dân chắc chắn vẫn phải trả tiền điện tăng.

“Tôi chưa bao giờ thấy, thay đổi biểu giá điện, thay đổi giá điện mà người dân lại dùng ít điện đi. Thời tiết mỗi ngày một khắc nghiệt, các thiết bị sinh hoạt gia đình cũng thay đổi theo năm tháng. Cho nên ít có chuyện thay đổi biểu giá mà làm thay đổi được hành vi tiêu dùng của người dân. Mùa hè vẫn phải quạt và điều hòa, mùa đông thì phải dùng bình nước nóng” – chị Khánh Linh nói.

Vào hồi tháng 6/2022, EVN tính toán giá bán lẻ điện bình quân năm 2022 lên mức 1.915,59 đồng/kWh. Mức này cao hơn 2,74% so với giá bán lẻ điện bình quân đang áp dụng từ năm 2019. Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2022 của EVN cũng ghi nhận khoản lỗ gần 16.600 tỷ đồng do giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện (như than, dầu, khí) tăng đột biến từ đầu năm đến nay, làm chi phí sản xuất điện của EVN tăng rất cao.

Giải pháp được nhấn mạnh trong câu chuyện giá điện vẫn là, cần hoàn thiện thị trường điện cạnh tranh (giá điện minh bạch), tạo môi trường khuyến khích đầu tư có hiệu quả, cùng cơ hội thuận lợi cho việc phát triển năng lượng sạch, hoàn thiện cơ chế dịch vụ phụ trợ trong thị trường điện cạnh tranh; điều chỉnh cơ cấu biểu giá điện để phù hợp với hệ thống tích hợp năng lượng tái tạo...

H.Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/bieu-gia-ban-le-dien-moi-ho-tieu-dung-nao-phai-tra-them-tien-dien-5699408.html