Biểu tình áo khoác vàng bước sang tuần 9, Pháp điều 80.000 cảnh sát

Bạo lực tiếp diễn trong tuần biểu tình thứ chín của làn sóng 'áo khoác vàng' phản đối các chính sách kinh tế của Tổng thống Macron, bày tỏ bức xúc trước bất bình đẳng xã hội.

Ngày 12/1, hàng chục nghìn người biểu tình của phong trào "áo khoác vàng" đã tổ chức tuần hành tại Paris và nhiều thành phố lớn khác tại Pháp, phản đối nhiều chính sách của Tổng thống Emmanuel Macron. Đã là tuần thứ chín phong trào biểu tình phản đối chính phủ diễn ra tại Pháp. Ảnh: AP.

Ngày 12/1, hàng chục nghìn người biểu tình của phong trào "áo khoác vàng" đã tổ chức tuần hành tại Paris và nhiều thành phố lớn khác tại Pháp, phản đối nhiều chính sách của Tổng thống Emmanuel Macron. Đã là tuần thứ chín phong trào biểu tình phản đối chính phủ diễn ra tại Pháp. Ảnh: AP.

Bạo lực xảy ra lẻ tẻ giữa cảnh sát và người biểu tình tại nhiều thành phố như Paris, Bourges, Bordeux, Rouen, Marseille và Toulouse. Theo mô tả của truyền thông, trong thời gian tuần hành đoạn đường từ Bộ Tài chính Pháp ở cánh đông đến Khải Hoàn Môn ở cánh tây trung tâm thủ đô Paris, người biểu tình vẫn giữ thái độ ôn hòa. Ảnh: AP.

Xô xát diễn ra giữa người biểu tình và cảnh sát khi gần đến Khải Hoàn môn, đoạn cuối của chặng đường tuần hành. Những người quá khích ném gạch đá và đồ vật nguy hiểm về phía lực lượng an ninh. Cảnh sát sử dụng lựu đạn cay, vòi rồng và lựu đạn gây choáng để đáp trả. Ảnh: AP.

Chính quyền Paris đã huy động thêm xe bọc thép đến chặn đường người biểu tình tiến vào Đại lộ Champs-Elysees. Bộ Nội vụ Pháp cho biết hơn 100 người đã bị bắt giữ tại Paris và nhiều thành phố khác. Cơ quan chức năng cho mở lại đại lộ Champs-Elysees vào đêm 12/1. Ảnh: AP.

Theo thông báo của Bộ Nội vụ Pháp, hiện còn ít nhất 82 nghi phạm đang bị tạm giam. Các đối tượng chủ yếu bị bắt giữ vì có mang theo vũ khí hoặc dụng cụ có khả năng đe dọa người khác, hoặc tham gia vào các vụ bạo lực trong thời gian diễn ra biểu tình. Ảnh: AP.

Chính phủ Pháp đã huy động hơn 80.000 nhân viên an ninh trên toàn quốc để đối phó với làn sóng biểu tình chống chính phủ. Bộ trưởng Nội vụ Christophe Castaner đã cảnh báo trước lực lượng an ninh sẵn sàng đáp trả mạnh tay bất kỳ hành động bạo loạn nào. Ảnh: AP.

Phong trào áo khoác vàng nổ ra vào giữa tháng 11/2018, phản đối chính sách tăng thuế xăng dầu của Tổng thống Macron. Biểu tình sau đó leo thang bởi những bức xúc của người dân về tình trạng bất bình đẳng, các chính sách kinh tế xa cách với người nghèo và giới bình dân tại Pháp. Ảnh: AP.

Dù tổng thống Pháp đã tuyên bố nhượng bộ và kêu gọi người dân đoàn kết, các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn nhiều tuần qua và bạo lực vẫn xảy ra mỗi cuối tuần. Bộ Nội vụ Pháp ước tính số người biểu tình áo khoác vàng tính đến trưa 12/1 vào khoảng 32.000 người. Ảnh: AP.

Hàng ngàn người cũng xuống đường tại các thành phố Bordeaux và Toulouse ở miền nam nước Pháp cũng như các thành phố ở miền Đông và Trung. Ảnh: AP.

Vùng trung tâm của Paris và một số cây cầu bắc qua sông Seine bị cảnh sát phong tỏa. Nhiều hàng rào được dựng lên để bảo vệ điện Elyseé và trụ sở quốc hội. Người biểu tình trên đại lộ Champs-Elyseés kêu gọi Tổng thống Macron phải từ chức. Ảnh: AP.

Cảnh sát Paris đã phải huy động xe bọc thép, ngựa và chó nghiệp vụ để siết chặt an ninh thủ đô vào ngày 12/1. Nhiều trạm tàu điện ngầm và cửa hàng phải đóng cửa để đảm bảo an toàn, đặc biệt là trong khu vực gần các tòa nhà chính phủ và đại lộ Champs-Elysees vốn là điểm nóng biểu tình nhiều tuần qua. Ảnh: AP.

Trong đợt nghỉ lễ đón năm mới 2019, phong trào biểu tình đòi bình đẳng kinh tế và xã hội tại Pháp giảm nhẹ. Tuy nhiên, số lượng người biểu tình hai tuần qua đang có xu hướng tăng trở lại dù Tổng thống Macron đã hứa hẹn sẽ giảm thuế hàng tỷ euro, cũng như nỗ lực thảo luận sâu hơn về những nỗi lo của người biểu tình. Ảnh: AP.

Lê Thanh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/bieu-tinh-ao-khoac-vang-buoc-sang-tuan-9-phap-dieu-80000-canh-sat-post908418.html