Biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc lan rộng tại Mỹ

Các cuộc biểu tình bày tỏ sự bất bình trước cái chết của ông George Floyd tại Minneapolis, bang Minnesota tiếp tục lan rộng ra nhiều địa phương ở Mỹ.

Sự giận dữ đã lan rộng trong các cộng đồng dân cư trên cả nước Mỹ sau khi đoạn video về những khoảnh khắc cuối cùng của ông Floyd bắt đầu lan truyền trên các phương tiện truyền thông xã hội.

Trong đoạn video, ông Floyd bị Derek Chauvin, một cảnh sát da trắng đè gối vào cổ bất chấp nạn nhân van nài: “Làm ơn, tôi không thở được”. Ông Floyd bất tỉnh và qua đời không lâu sau đó. Cái chết của ông Floyd đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình xảy ra liên tiếp tại thành phố Minneapolis, với hành động hôi của và phá hoại của những người biểu tình quá khích.

Các cuộc biểu tình bày tỏ sự bất bình trước cái chết của ông George Floyd tại Minneapolis, bang Minnesota tiếp tục lan rộng ra nhiều địa phương ở Mỹ. Ảnh: Reuters

Các cuộc biểu tình bày tỏ sự bất bình trước cái chết của ông George Floyd tại Minneapolis, bang Minnesota tiếp tục lan rộng ra nhiều địa phương ở Mỹ. Ảnh: Reuters

Các cuộc biểu tình hiện không chỉ dừng lại ở Minneapolis, mà đã lan ra các thành phố St. Paul, thủ phủ bang Minnesota, Los Angeles, Denver, và Phoenix.

Nhà Trắng tối ngày 29/5 (giờ Mỹ) đã bị phong tỏa trong thời gian ngắn sau khi các cuộc biểu tình tiếp tục lan tới thủ đô Washington, thành phố Atlanta thuộc bang Georgia và thành phố New York. Một số phóng viên đã được di chuyển vào bên trong Nhà Trắng. Nhiều người biểu tình đã tập trung bên ngoài tòa nhà trụ sở hãng tin CNN tại thành phố Atlanta. Cảnh sát đã được huy động để giải tán đám đông.

Một nhân viên cảnh sát đã bị thương khi người biểu tình đã ném nhiều vật thể vào cảnh sát. Người biểu tình cũng phá vỡ cửa kính các xe cảnh sát bên ngoài trụ sở CNN và đốt cháy 1 xe cảnh sát. Thị trưởng Atlanta - Keisha Lance Bottom cho biết, đây không phải biểu tình thông thường mà là hỗn loạn, đồng thời kêu gọi người dân giải tán sau khi các cuộc biểu tình trở nên bạo lực.

Để xoa dịu những cái “đầu nóng” của lực lượng biểu tình, bốn nhân viên cảnh sát có liên quan trong vụ bắt giữ ông Lloyd, đã bị sa thải ngày 26/5, tuy nhiên tình trạng bất ổn vẫn không suy giảm. Chiều 29/5 (giờ địa phương), cơ quan chức năng quận Hennepin đã bắt giữ và buộc tội ông Chauvin.

Phát biểu tại buổi họp báo sau đó, Tổng chưởng lý quận Hennepin, ông Mike Freeman cho biết: “Cựu sĩ quan cảnh sát Derek Chauvin đã bị Văn phòng công tố quận Hennepin buộc tội giết người và ngộ sát. Ông Chauvin đã bị buộc tội giết người cấp độ ba và chúng tôi đang trong quá trình xem xét chứng cứ mà có thể đưa ra những buộc tội bổ sung sau này”.

Phản ứng trước thông tin này, gia đình ông Floyd cho rằng viên cảnh sát này đáng bị buộc tội giết người ở cấp độ 1 đồng thời muốn cả 3 viên cảnh sát còn lại cũng bị bắt giữ.

Cùng ngày, Thống đốc bang Minnesota, ông Tim Walz cam kết sớm lập lại trật tự sau khi các cuộc biểu tình gây nhiều thiệt hại về cơ sở vật chất tại thành phố Minneapolis./.

PV/VOV-Washington

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/bieu-tinh-phan-doi-phan-biet-chung-toc-lan-rong-tai-my-1054090.vov