Biểu tình tiếp diễn tuần thứ 5 tại Pháp, quy mô giảm một nửa

Phong trào biểu tình 'áo khoác vàng' đã tiếp tục diễn ra vào cuối tuần này tại nhiều thành phố của Pháp, tuy nhiên quy mô đã giảm đáng kể so với các tuần trước đó.

Hàng nghìn người biểu tình đã đổ xuống đường ở Paris và nhiều thành phố khác của Pháp ngày 15/12, đánh dấu tuần thứ năm liên tiếp của phong trào biểu tình "áo khoác vàng" chống chính phủ Tổng thống Emmanuel Macron. Ảnh: AP.

Theo số liệu của Bộ Nội vụ Pháp, khoảng 66.000 người biểu tình đã xuống đường trên toàn nước Pháp, chỉ bằng một nửa so với 126.000 người cuối tuần trước. Ảnh: AP.

Tại Paris, quy mô của đoàn biểu tình đã giảm đáng kể so với những tuần trước, được cho là do trời mưa, lạnh cũng như do vụ xả súng ở chợ Giáng sinh tại Strasbourg vừa qua. Khoảng 4.000 người biểu tình đã diễu hành rời rạc qua một số khu phố ở thủ đô Pháp, với ít nhất 168 người bị bắt giữ. Ảnh: AP.

Trong chiếc áo khoác vàng, Loic Bollay, 44 tuổi, nói rằng các cuộc biểu tình đã dịu bớt nhưng phong trào sẽ tiếp tục cho đến khi những bất bình của người biểu tình được giải quyết. "Sau vụ tấn công chợ Giáng sinh ở Strasbourg, cuộc biểu tình đã kiềm chế hơn, nhưng tôi nghĩ thứ 7 tới và thứ 7 tiếp sau đó nữa... biểu tình vẫn sẽ diễn ra", Bollay nói. Ảnh: AP.

Cảnh sát vẫn được điều động đến đại lộ Champs-Elysees và khu vực lân cận để ngăn chặn bạo lực, sử dụng hơi cay và vòi rồng để giải tán một vài nhóm nhỏ người biểu tình đụng độ. Một nhóm nhà hoạt động nữ quyền đã đối đầu với lực lượng an ninh ngay trước điện Elysee, nơi ở của Tổng thống Macron. Ảnh: AP.

Ngoài Paris, truyền thông Pháp cũng đưa tin về một vài cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình ở những khu vực khác như Nantes ở phía tây nước Pháp, hay Bordeaux và Toulouse ở phía nam. Ảnh: AP.

Bộ trưởng nội vụ Pháp cho biết khoảng 69.000 cảnh sát được huy động vào ngày 15/12, chủ yếu ở Paris, Toulouse, Bordeaux và Saint-Etienne. Ảnh: AP.

Phong trào "áo khoác vàng" bắt đầu từ giữa tháng 11 khi đoàn người biểu tình đổ về khu vực trung tâm của nhiều thành phố để phản đối việc tăng thuế nhiên liệu. Tuy nhiên, các cuộc tuần hành ôn hòa nhanh chóng lan rộng và biến thành bạo loạn với những lời kêu gọi chống lại chính sách kinh tế của ông Macron. Ảnh: AP.

Trong hơn một tháng qua, cứ vào cuối tuần, người biểu tình lại mặc "áo khoác vàng", mang theo băng rôn và biểu ngữ. Một số đụng độ với lực lượng an ninh, phá hoại nhiều cửa hiệu trên các khu phố mua sắm sầm uất nhất Paris. Bất chấp điều này, một số cửa hàng lớn như Galeries Lafayette vẫn mở cửa để thu hút khách mua hàng dịp lễ Giáng sinh. Ảnh: AP.

Hôm 14/12, Tổng thống Macron đã kêu gọi người biểu tình kiềm chế sau thời gian dài phong trào lan rộng trên khắp nước Pháp và gây ra nhiều thiệt hại. "Nước Pháp cần phải bình tĩnh, giữ trật tự và quay trở lại như bình thường", ông Macron nói sau cuộc họp của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels, Bỉ. Ảnh: AP.

Trước đó, tổng thống Pháp đã có động thái nhượng bộ với tuyên bố sẽ tăng lương cho nhóm người lao động nghèo nhất và cắt giảm thuế cho người về hưu. Tuy nhiên, nhiều người biểu tình cho rằng họ vẫn sẽ tiếp tục tuần hành để tạo áp lực với chính quyền. Ảnh: AP.

Chính phủ Pháp cũng kêu gọi người dân không nên tham gia biểu tình để đảm bảo an toàn, sau khi 4 người đã thiệt mạng trong vụ xả súng ở chợ Giáng sinh tại thành phố Strasbourg tối 11/12. Ảnh: AFP.

90s: Paris - kinh đô ánh sáng thành bãi chiến trường trong bạo loạn Paris và các công trình nổi tiếng của nó trở thành "nạn nhân" trước cuộc bạo loạn "áo khoác vàng" phản đối chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron.

Hương Ly

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/bieu-tinh-tiep-dien-tuan-thu-5-tai-phap-quy-mo-giam-mot-nua-post900892.html