Biểu tượng của chiến thắng

Bài thơ 'Chiếc xe tăng trong dinh Độc Lập' của tác giả Nguyễn Ngọc Phú đã làm sống dậy những ký ức của trận đánh hào hùng.

Chiếc xe tăng trong dinh Độc Lập

Chiếc xe tăng trong dinh Độc Lập
Cỏ đã lên xanh giữa bánh xích ngày nào
Chiếc xe tăng húc cổng dinh Độc Lập
Thành phố mang tên Người rực ánh cờ sao

Chiếc xe tăng trong dinh Độc Lập
Nòng pháo không còn vương khói thuốc súng bay
Đồng đội xưa ai còn, ai mất?
Bốn mươi năm sau tôi lại đến nơi này…

Tôi bỗng gặp những đàn em nhỏ
Chạy tung tăng quanh tháp pháo xe tăng
(Chiến tranh đã lùi xa như chưa hề từng có
Sài Gòn trưa nắng bỗng dùng dằng…).

Chiếc xe tăng trong dinh Độc Lập
Không còn màu đất đỏ chiến trường xưa
Tấm áo thép vẫn nguyên màu chất thép
Thành chứng nhân lịch sử bây giờ.
NGUYỄN NGỌC PHÚ

Chiến thắng 30/4/1975 đã trở thành một mốc son chói lọi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, là biểu hiện sinh động của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Thắng lợi vĩ đại đó đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho biết bao nhà văn, nhà thơ viết tiếp mạch cảm xúc tự hào, vui sướng xen lẫn những kí ức thiêng liêng và xúc động. Tác giả Nguyễn Ngọc Phú (nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Hồng Lĩnh, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hà Tĩnh, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) đã sáng tác bài thơ “Chiếc xe tăng trong dinh Độc Lập” để tái hiện một sự kiện trọng đại và bày tỏ những nghĩ suy, những tình cảm đối với một kỷ vật của cuộc chiến hào hùng đó.

Bài thơ có 4 khổ, ngắn gọn, cô đọng cảm xúc, vừa như trang kí sự ghi lại một sự kiện lịch sử đã lùi xa vào quá vãng, vừa gợi nhắc cho thế hệ hôm nay và mai sau biết nhớ và tự hào về kỳ tích của cha ông một thuở. Mở đầu bài thơ là hình ảnh chiếc xe tăng trong dinh Độc Lập của hiện tại: "Chiếc xe tăng trong dinh Độc Lập/ Cỏ đã lên xanh giữa bánh xích ngày nào/ Chiếc xe tăng húc cổng dinh Độc Lập/ Thành phố mang tên Người rực ánh cờ sao".

Khoảng 10 giờ 45 ngày 30/4/1975, chiếc xe tăng 390 thuộc Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 203 (Binh chủng Tăng thiết giáp) đã húc đổ cánh cổng chính dinh Độc Lập - sào huyệt cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng hòa, làm nên giây phút lịch sử đánh dấu sự sụp đổ của chế độ ngụy quyền Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là kết quả và chiến thắng tất yếu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân dân ta. Lời thơ tự sự giản dị, mộc mạc, đưa người đọc về với thời khắc lịch sử dù đã lùi xa gần nửa thế kỷ, mặc cho “cỏ đã lên xanh giữa bánh xích ngày nào” nhưng màu kí ức sẽ còn mãi xanh tươi. Niềm vui toàn thắng về ta ngập tràn thành phố mang tên Người trong màu cờ sao rực rỡ: "Chiếc xe tăng trong dinh Độc Lập/ Nòng pháo không còn vương khói thuốc súng bay/ Đồng đội xưa ai còn, ai mất?/ Bốn mươi năm sau tôi lại đến nơi này"…

Hình ảnh “Chiếc xe tăng trong dinh Độc Lập” được láy đi láy lại như nhấn mạnh, gây ấn tượng với người đọc về một hiện vật quan trọng của cuộc chiến năm xưa. Đây là hiện vật có ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục sâu sắc truyền thống cách mạng đối với các tầng lớp nhân dân, là vật chứng xác thực ghi dấu chiến công to lớn của quân và dân ta trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 lịch sử.

Hình ảnh “Nòng pháo không còn vương khói thuốc súng bay” là một sự so sánh ngầm, để gửi gắm thông điệp về giá trị của hòa bình và tự do. Chiến tranh không còn nữa, bom đạn hay thuốc súng chỉ còn là nỗi ám ảnh với những người từng trực tiếp tham gia chiến đấu và may mắn sống sót trở về, để “bốn mươi năm sau” lại đến với dinh Độc Lập để sống lại những hoài niệm xa xưa mà mới như ngày hôm qua. Nỗi ngậm ngùi, xót xa thấm vào từng con chữ khi tác giả nhớ về đồng đội và tự hỏi: “Đồng đội xưa ai còn, ai mất?”. Cái giá của độc lập, tự do được đo bằng xương máu của nhân dân mà trước hết là máu xương của những người chiến sĩ trực tiếp chiến đấu ngoài chiến trường. Đã có không ít chiến sĩ xe tăng không còn trên cõi đời nhưng tất cả chúng ta và thế hệ mai sau sẽ luôn ghi nhớ công ơn của những người lính đã ngã xuống để giành lại cuộc sống hòa bình, hạnh phúc như hôm nay.

"Tôi bỗng gặp những đàn em nhỏ/ Chạy tung tăng quanh tháp pháo xe tăng/ Chiến tranh đã lùi xa như chưa hề từng có/ Sài Gòn trưa nắng bỗng dùng dằng…

Hình ảnh những đàn em nhỏ “chạy tung tăng quanh tháp pháo xe tăng” là biểu tượng của thế hệ may mắn được sinh ra và lớn lên trong thời bình, hồn nhiên và tung tăng bên kỷ vật của cuộc chiến oanh liệt. “Chiến tranh đã lùi xa như chưa hề từng có” nhưng dấu tích của cuộc chiến vẫn còn đây. Chiếc xe tăng trong dinh Độc Lập nhắc ta nhớ về chiến công và cả những mất mát. Cảm xúc của người chiến sĩ năm xưa về thăm lại chốn cũ không khỏi bồi hồi, lưu luyến, “dùng dằng”.

Đến khổ cuối bài thơ, hình ảnh chiếc xe tăng được nhắc lại một lần nữa. Dù “Không còn màu đất đỏ chiến trường xưa" nhưng "Tấm áo thép vẫn nguyên màu chất thép”. Chiếc xe tăng góp phần làm nên chiến thắng vang dội ấy đã trở thành chứng nhân của lịch sử, chứng nhân của thời khắc đáng nhớ nhất khi sức mạnh của quân giải phóng, sức mạnh của chính nghĩa đã tạo nên huyền thoại.

Với lời thơ dung dị, ngôn từ không cầu kỳ hoa mĩ, bài thơ “Chiếc xe tăng trong dinh Độc Lập” của tác giả Nguyễn Ngọc Phú đã làm sống dậy những ký ức của trận đánh hào hùng. Bài thơ nhắc ta nhớ đến lời nhà sử học Dương Trung Quốc: “Chúng ta vẫn thường coi trọng vấn đề bảo tồn di tích lịch sử nhưng hãy coi trọng việc gìn giữ ký ức. Hãy gìn giữ, nâng niu ký ức”. Hình ảnh chiếc xe tăng trong bài thơ - hiện vật trong dinh Độc Lập mãi mãi là biểu tượng đẹp của chiến thắng lịch sự 30/4, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

NAM HỒNG

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/bieu-tuong-cua-chien-thang-379074.html