Biểu tượng của tình đoàn kết chiến đấu Việt – Lào

Nhận thức sâu sắc ý nghĩa của nhiệm vụ quốc tế 'giúp bạn là mình tự giúp mình', các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam ở Thượng, Trung đến Hạ Lào đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, sát cánh cùng quân và dân Lào đẩy mạnh chiến đấu và công tác.

Với các phương thức hoạt động chủ yếu như ban xung phong công tác, vũ trang tuyên truyền, đại đội độc lập, bộ đội Việt Nam cùng cán bộ Lào đi sâu vào các làng bản, thực hiện “ba cùng” với dân, tuyên truyền vận động nhân dân tham gia kháng chiến, xây dựng cơ sở chính trị và lực lượng vũ trang địa phương. Uy tín và hiệu lực của ủy ban quân, dân, chính được nâng cao, đông đảo nhân dân các dân tộc Lào tích cực tham gia kháng chiến. Lực lượng vũ trang cách mạng Lào lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Dựa vào sự ủng hộ của nhân dân các dân tộc Lào và Quân tình nguyện Việt Nam, Bộ đội Lào Itxala tổ chức tập kích, phục kích, đập tan nhiều cuộc càn quét, lấn chiếm của địch, xây dựng và giữ vững các khu căn cứ kháng chiến khắp Thượng, Trung và Hạ Lào, góp phần tạo thêm thế và lực mới của cách mạng Lào, đồng thời, phát triển liên minh chiến đấu Lào-Việt trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung.

Gặp gỡ giữa Quân tình nguyện Việt Nam và Bộ đội Pathet Lào trong Chiến dịch Thượng Lào, năm 1953. Ảnh tư liệu

Gặp gỡ giữa Quân tình nguyện Việt Nam và Bộ đội Pathet Lào trong Chiến dịch Thượng Lào, năm 1953. Ảnh tư liệu

Sau chiến thắng Tây Bắc 1952 của quân và dân Việt Nam, trước nguy cơ có thể mất Thượng Lào, thực dân Pháp tăng cường lực lượng, xây dựng Sầm Nưa thành tập đoàn cứ điểm mạnh “kiểu Nà Sản” của Việt Nam để bảo vệ khu vực Thượng Lào. Trước âm mưu, thủ đoạn mới của địch, quán triệt và thực hiện chủ trương tăng cường liên minh chiến đấu Lào-Việt Nam của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, trên cơ sở thống nhất giữa các đồng chí lãnh đạo cách mạng hai nước, đầu tháng 2-1953, Chính phủ Kháng chiến Lào và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định phối hợp mở Chiến dịch Thượng Lào.

Trên cơ sở bố trí và sử dụng lực lượng, phối hợp nhịp nhàng với hoạt động truy kích địch trên các hướng của chiến dịch, bộ đội địa phương và dân quân du kích Lào phối hợp với Quân tình nguyện Việt Nam đẩy mạnh tiêu diệt địch và giành thắng lợi vẻ vang.

Với thắng lợi của Chiến dịch Thượng Lào 1953, căn cứ địa, hậu phương kháng chiến của cách mạng Lào đã nối thông với vùng tự do của Việt Nam, tạo thế phối hợp chiến lược giữa Việt Nam và Lào, đưa cuộc kháng chiến của nhân dân 3 nước Đông Dương tiến lên một bước mới, góp phần làm thay đổi cục diện chiến trường ở Thượng Lào.

Được rèn luyện, trưởng thành hơn trong Chiến dịch Thượng Lào từ việc tham gia công tác chuẩn bị xây dựng kế hoạch, chuẩn bị chiến trường, huấn luyện bộ đội sẵn sàng chiến đấu đến công tác chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, tổ chức, công tác bảo đảm cung cấp, công tác dân vận... lực lượng vũ trang cách mạng Lào, nòng cốt là Quân đội Lào Itxala tiếp tục phát huy thời gian tiếp sau. Trong 6 tháng cuối năm 1953, cùng với sự giúp đỡ của Quân tình nguyện Việt Nam, các đơn vị Quân đội Lào tiếp tục phối hợp với chính quyền, mặt trận địa phương và dân quân du kích tiến hành nhiều trận đánh, đợt hoạt động quân sự, làm thất bại các cuộc hành quân càn quét, bình định của địch, bảo vệ các bản làng và những thành quả cách mạng mới giành được. Kết quả đã đánh 96 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 505 tên địch (trong đó có 65 tên Pháp), làm bị thương 208 tên, bắt 79 tên, gọi hàng 34 tên, thu nhiều súng, đạn và đồ quân dụng, bắn rơi 1 máy bay địch, bảo vệ vững chắc vùng giải phóng và an toàn cho căn cứ địa Trung ương Lào.

Đặc biệt, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ Kháng chiến Lào và Mặt trận Lào Itxala, liên tiếp trong Đông Xuân 1953-1954, lực lượng vũ trang cách mạng Lào đã chủ động phối hợp với Quân tình nguyện Việt Nam tiến công nhiều nơi trên các chiến trường Thượng, Trung và Hạ Lào, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 8.000 tên địch, giải phóng một nửa đất nước và phần lớn nhân dân. Cùng với Chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại của quân và dân Việt Nam, quân và dân hai nước Lào và Việt Nam buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Genève (tháng 7-1954), công nhận nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của 3 nước Đông Dương.

Đại tá VONGXAY INTHAKHAM (Trưởng phòng Tùy viên Quốc phòng, Đại sứ quán nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tại Việt Nam).

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/bieu-tuong-cua-tinh-doan-ket-chien-dau-viet-lao-725177