Biểu tượng của tình đoàn kết trên biên giới

Không chỉ là nơi khắc ghi những dấu ấn đặc biệt như: là huyện đầu tiên ở miền Nam được giải phóng (7/4/1972), đoạn cuối của tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại và là 'thủ đô' của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Huyện biên giới Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước ngày nay còn được biết đến bởi Cụm công trình lưu niệm hành trình cứu nước của nguyên Thủ tướng Campuchia Hun Sen (X16).

Lãnh đạo BĐBP Bình Phước thăm, tặng quà lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới tỉnh Tboung Khmum, Campuchia. Ảnh: Hồng Ánh

Tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị hai bên biên giới

Những năm gần đây, nhất là các dịp lễ, Tết, nhiều du khách khi tới huyện biên giới Lộc Ninh đều ghé thăm Cụm công trình X16-nơi gắn liền với sự kiện Thủ tướng Campuchia Hun Sen cùng đồng đội sang Việt Nam tìm “Con đường tiến tới đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot”. Cụm công trình gồm một số hạng mục như: Bia đá lưu niệm tại điểm dừng chân X16; điểm cất giấu vũ khí; điểm gặp dân quân và nhân dân Việt Nam; nhà trưng bày triển lãm hình ảnh, hiện vật liên quan đến hành trình cứu nước của Thủ tướng Hun Sen. Cụm công trình lưu niệm X16 không chỉ có ý nghĩa khẳng định tinh thần vô tư, trong sáng của Việt Nam trong việc giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot, mà còn củng cố, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh biên giới.

Ông Sreng Ly, Huyện trưởng huyện Mê Mốt (đối diện huyện Lộc Ninh), tỉnh Tboung Khmum cho biết: "Những năm gần đây, Cụm công trình X16 đã trở thành điểm tham quan, tìm hiểu lịch sử, tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ và nhân dân Campuchia hiểu rõ hơn về công lao của thế hệ đi trước trong công cuộc tìm đường cứu nước, lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot cũng như tinh thần quốc tế trong sáng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.

Ông Dương Văn Thân, nguyên là Xã Đội trưởng dân quân xã Lộc Tấn kể, 47 năm trước (21/6/1977), ông là người trực tiếp dẫn Trung tá Hun Sen từ cánh rừng biên giới Hoa Lư về Xã đội Lộc Tấn trước khi đến trình diện tại Huyện đội Lộc Ninh. Gắn bó với mảnh đất này từ nhỏ, nay đã bước qua tuổi 65, ông Thân là người biết rất rõ về những sự thay đổi ở vùng đất nơi vùng biên viễn này. Ông Thân chia sẻ: “Có cụm công trình X16 này, chúng tôi cảm thấy rất vui và tự hào. Bởi công trình sẽ lưu lại lịch sử lâu dài và nhắc nhở cho con cháu đời sau biết sự giúp đỡ trong sáng, vô tư, sự hun đúc, gắn kết tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nước bạn Campuchia”.

Ấp Vườn Bưởi, xã Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh và phum Cooc Tho Mo, xã Tuần Lung, huyện Mê Mốt, tỉnh Tboung Khmum có chung đường biên giới dài gần 6,7km, có 2 cột mốc chính và 15 cột mốc phụ. Ấp Vườn Bưởi, xã Lộc Thiện và phum Cooc Tho Mo, xã Tuần Lung cũng là nơi đầu tiên trên tuyến Bình Phước kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới. Vì gần với Cụm công trình X16, nên những năm gần đây, nhân dân 2 bên vẫn thường chọn chỗ này để qua lại thăm thân, giao lưu. Cùng với tham quan khu lưu niệm, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, chính quyền 2 bên còn phối hợp giáo dục, tuyên truyền về mối quan hệ láng giềng quý báu, lâu đời giữa nhân dân 2 bên biên giới nói riêng và truyền thống hợp tác hữu nghị giữa 2 tỉnh Bình Phước và tỉnh Tboung Khmum nói chung. Ông Sreng Ly, Huyện trưởng huyện Mê Mốt, tỉnh Tboung Khmum cho biết, việc kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới đã tạo sự gắn bó, qua đó người dân hai bên có điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Thời gian qua, chính quyền và BĐBP Bình Phước đã tạo điều kiện thuận lợi cho bà con bên huyện Mê Mốt qua Bình Phước khám chữa bệnh, thăm thân.

Xây dựng khu vực biên giới thành biểu tượng quan hệ giữa hai nước

Nhân dân tỉnh Bình Phước và tỉnh Tboung Khmum của Campuchia sẽ không bao giờ quên dược dấu ấn của Lễ kỷ niệm 45 năm "Con đường tiến tới đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot" của Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Campuchia Hun Sen diễn ra tại khu vực X16 ngày 20/6/2022. Trong khuôn khổ chương trình, Thủ tướng Hun Sen đã trở lại thăm khu vực X16 nơi mà 45 năm trước ông đã đặt bước chân đầu tiên sang Việt Nam tìm đường cứu nước. Thủ tướng Hun Sen đã chia sẻ cảm xúc trước nhân dân xã Lộc Tấn và xã Lộc Thạnh (huyện Lộc Ninh) về chuyến đi lịch sử, hành trình cứu nước của mình. Ngày 20/6/1977, khi đó ông là Trung tá, Trung đoàn trưởng, cùng một số cán bộ yêu nước của Campuchia chạy qua biên giới tìm kiếm sự giúp đỡ của Việt Nam.

Thủ tướng Hun Sen xúc động nhắc lại bữa cơm đầu tiên mà người dân Việt Nam nấu cho ông và đồng đội 45 năm trước “bằng cả trăm cả nghìn tấn gạo của hôm nay”. Ông bày tỏ lời tri ân đối với nhân dân địa phương nói riêng, tỉnh Bình Phước nói chung và nhấn mạnh: “Nếu không có sự giúp đỡ chí tình chí nghĩa đó, tính mạng tôi sẽ gặp nguy hiểm và không biết đất nước Campuchia sẽ đi về đâu”. Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh, lịch sử đã chứng minh, nếu không có “hành trình hướng tới lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot” bắt đầu vào ngày 20/6/1977 và những sự kiện tiếp theo thì Campuchia không thể có ngày hôm nay.

Thủ tướng Campuchia cũng gửi lời cảm ơn, tri ân tới người dân Việt Nam, nhất là những người đã hy sinh vì cá nhân Thủ tướng Hun Sen và vì đất nước Campuchia, trên con đường tiến tới đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot... “Hai nước đã thống nhất, xây dựng khu vực biên giới này thành biểu tượng quan hệ giữa hai nước. Trong đó, thúc đẩy thương mại, đầu tư, du lịch, văn hóa từ đó hướng đến phát triển mạnh địa danh lịch sử này” - Thủ tướng Hun Sen cho biết tại Lễ kỷ niệm 45 năm "Con đường tiến tới đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot" của Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Campuchia Hun Sen.

Đối với dân tộc Việt Nam, 2 từ “láng giềng” luôn mang hàm nghĩa tốt đẹp và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Quan hệ láng giềng tốt sẽ là nền tảng, tạo môi trường tốt cho sự ổn định và phát triển. Trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung, giải phóng dân tộc, chính tình cảm láng giềng, sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa giữa nhân dân 2 nước Việt Nam - Campuchia đã làm nên thắng lợi vẻ vang trong lịch sử chống ngoại xâm của mỗi quốc gia.

Yến Ngọc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bieu-tuong-cua-tinh-doan-ket-tren-bien-gioi-post472643.html