Biểu tượng của ý chí thống nhất Tổ quốc

Trong 16 năm xây dựng và phát triển (1959 - 1975), hệ thống giao thông huyết mạch Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, tuyến vận tải quân sự, hậu cần chiến lược đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho cách mạng miền Nam, góp phần quyết định vào thắng lợi sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước và đi vào lịch sử dân tộc như một huyền thoại, biểu tượng của ý chí thống nhất Tổ quốc, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Sáng tạo độc đáo trong chỉ đạo của Đảng

Sau Hội nghị Gènève, nhằm đáp ứng yêu cầu khẩn thiết vận chuyển chi viện từ miền Bắc vào miền Nam, Ban Chấp hành Trung ương Đảng chủ trương mở tuyến giao liên, vận tải quân sự dọc theo dãy Trường Sơn. Thực hiện chủ trương đó, ngày 19.5.1959, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chính thức giao “Đoàn công tác quân sự đặc biệt" (tiền thân của Đoàn 559) thực hiện nhiệm vụ mở đường vận chuyển hàng hóa, tổ chức đưa đón cán bộ, bộ đội, chuyển công văn, tài liệu từ Bắc vào Nam và từ Nam ra Bắc.

Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự, Bộ Quốc phòng, Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên khẳng định,đây là một quyết định lịch sử, thể hiện tư duy sáng tạo chiến lược của Đảng, nhãn quan sắc bén của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ của toàn thể dân tộc ta. Tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh ra đời đáp ứng yêu cầu cấp thiết của cách mạng Việt Nam ở miền Nam, phù hợp nguyện vọng chân chính của nhân dân ta ở cả hai miền Nam - Bắc.

Các lực lượng làm nhiệm vụ trên tuyến đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh. Ảnh: TL

Các lực lượng làm nhiệm vụ trên tuyến đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh. Ảnh: TL

Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên phân tích, trước âm mưu ngăn chặn, cắt đứt con đường chi viện từ hậu phương chiến lược miền Bắc vào các chiến trường hòng cô lập cách mạng miền Nam của đế quốc Mỹ, các lực lượng trên tuyến vận tải Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh với quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến", ngày càng vươn sâu đến các chiến trường, không chỉ vận chuyển người, hàng hóa, mà còn mang cả tâm tư, tình cảm của nhân dân miền Bắc đến với đồng bào miền Nam ruột thịt.

Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh còn là minh chứng cho mối quan hệ, liên minh đoàn kết chiến đấu bền chặt của nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia. Quân và dân ba nước đã nêu cao tinh thần quốc tế cao cả, phối hợp chiến đấu chống kẻ thù chung và chung sức đồng lòng xây dựng, bảo vệ vững chắc tuyến chi viện chiến lược. Nhờ đó, tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh không ngừng được củng cố và mở rộng, vươn sâu đến các chiến trường miền Nam, Lào, Campuchia, góp phần tạo thế và lực giúp giành thắng lợi hoàn toàn cho sự nghiệp chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Hoàn thành nhiệm vụ chi viện chiến lược

Với tổng chiều dài gần 20.000km, gồm hệ thống trục dọc men theo Đông - Tây Trường Sơn và hệ thống trục ngang nối với các địa bàn chiến lược, hệ thống đường vòng tránh, đường vượt khẩu, đường sông, đường ống dẫn xăng dầu, đường thông tin liên lạc, cùng hệ thống cung trạm, binh trạm, kho tàng, bến bãi, trạm bảo dưỡng sửa chữa xe máy..., được xây dựng ngày càng hoàn chỉnh, tạo nên hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, liên hoàn vững chắc, bảo đảm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chi viện chiến lược. Trên cơ sở đó, tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã phát huy vai trò to lớn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện của hậu phương miền Bắc cho cách mạng miền Nam, Lào và Campuchia.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn cho biết, từ năm 1959 - 1975, tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã vận chuyển 1.349.060 tấn vật chất và bảo đảm cho hơn hai triệu lượt người vào chiến trường hoặc ra miền Bắc, vận chuyển cơ động 10 lượt sư đoàn, ba quân đoàn, hộ tống 90 đoàn binh khí kỹ thuật vào các chiến trường; đáp ứng kịp thời nhu cầu về lực lượng, vũ khí và vật chất của các chiến trường trong các giai đoạn chiến tranh chống đế quốc Mỹ. Bên cạnh đó, tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh còn là nơi “đứng chân”, bàn đạp xuất kích, vùng hậu phương trực tiếp của các binh đoàn chủ lực và các đơn vị binh chủng kỹ thuật để tiến công ra các hướng chiến dịch, chiến lược.

Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh không chỉ là tuyến vận tải chi viện mà còn là chiến trường tổng hợp có tầm chiến lược quan trọng, thu hút một bộ phận lớn sinh lực địch, tạo điều kiện thuận lợi cho các chiến trường khác hoạt động và phát triển. Trên mặt trận Trường Sơn, các lực lượng, các quân, binh chủng, nòng cốt là bộ đội Trường Sơn đã trực tiếp tổ chức thế trận đánh địch tại chỗ. Cuộc chiến đấu chống ngăn chặn của bộ đội Trường Sơn diễn ra ác liệt, kéo dài, có quy mô và cường độ lớn. Bên cạnh đó, bộ đội Trường Sơn còn phối hợp với bộ đội chủ lực trên các chiến trường thực hành nhiều chiến dịch lớn làm thất bại kế hoạch “ngăn chặn sự chi viện từ miền Bắc" của đế quốc Mỹ, giữ vững tuyến vận tải huyết mạch, đáp ứng yêu cầu chi viện ngày càng tăng của tiền tuyến miền Nam, chiến trường Lào, Campuchia.

Tầm vóc và ý nghĩa to lớn của tuyến đường mang tên Hồ Chí Minh được ví như một huyền thoại, một kỳ tích về sức mạnh chiến đấu, chiến thắng, một thành công xuất sắc trong chỉ đạo chiến lược của Đảng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước; như Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng viết: “Con đường Trường Sơn, con đường Hồ Chí Minh là một công trình vĩ đại, nói lên ý chí nghị lực, tinh thần dũng cảm và sáng tạo phi thường của dân tộc Việt Nam, quyết đem sức người sức của của hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyến lớn; là một trong những nhân tố chiến lược có ý nghĩa quyết định, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn".

Hương Sen

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/bieu-tuong-cua-y-chi-thong-nhat-to-quoc-i372017/