Biểu tượng về tinh thần cách mạng

Các lão thành cách mạng dâng hương, tưởng niệm tại khu căn cứ Huyện ủy Hòa Vang.

Các lão thành cách mạng dâng hương, tưởng niệm tại khu căn cứ Huyện ủy Hòa Vang.

Khu căn cứ Huyện ủy Hòa Vang (TP Đà Nẵng) thuộc loại hình di tích căn cứ địa cách mạng và được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Cửa ngõ căn cứ nằm về phía Bắc tiếp giáp với thôn Phú Túc (xã Hòa Phú, H. Hòa Vang), phía Đông là hồ Đồng Xanh- Đồng Nghệ (xã Hòa Khương, H. Hòa Vang), phía Tây- Nam trùng trùng điệp điệp các dãy núi hình cánh cung là ranh giới giữa H. Hòa Vang và các huyện Đông Giang, Đại Lộc (Quảng Nam). Nơi đây đã in dấu biết bao bước chân của cán bộ cách mạng, trong đó có nhiều đồng chí là cán bộ cao cấp của Tỉnh ủy và Khu ủy khu 5 lưu trú, chỉ đạo các cơ sở cách mạng vùng nội thành. Không chỉ vậy, căn cứ còn là nơi đứng chân của nhiều đơn vị chủ lực, từ đó tổ chức nhiều trận đánh lớn khiến địch bất ngờ. Điển hình như trận pháo binh của ta bắn vào sân bay Đà Nẵng năm 1972… Bây giờ, các địa danh trên khu căn cứ đã trở thành biểu tượng trong lòng dân như “Hòn đá Đà Nẵng”, “Hòn đá Non Nước”, muốn lên đó chỉ có cách vượt bộ hơn 1.500 bậc cấp. Tại đây, những khối đá này cùng với các hầm bí mật, bếp Hoàng Cầm, Trạm đại phẫu... vẫn còn hằn sâu dấu tích bom đạn chiến tranh.

Mặc dù trong quá trình hình thành và tồn tại, ở từng thời điểm, từng giai đoạn lịch sử, vai trò và chức năng có những thay đổi, nhưng nhìn tổng thể, nơi đây thực sự là căn cứ địa cách mạng quan trọng bậc nhất của địa phương trong chiến tranh chống Mỹ. Theo các bậc cao niên người Cơ Tu ở thôn Phú Túc (xã Hòa Phú), ngày đó, dải đất chiến khu xưa có địa hình núi non hiểm trở, tất cả gần như đều bị bao phủ bởi đồi rừng, lau lách, đường đi cheo leo, nhiều vách đá dựng đứng. Nếu ai không đi sơ tán mà “bám trụ” phục vụ kháng chiến đều phải ở rất bí mật, chủ yếu sống với núi rừng. Việc thiếu ăn, mặc rét, bị vắt, muỗi rừng “hành hạ” là chuyện thường tình. Mỗi lần nhớ Đà Nẵng, các cán bộ chỉ biết leo lên các đỉnh núi cao nhìn xuống… Già làng Cơ Tu Đinh Văn Trí tâm sự: “Lúc đó, chúng tôi mới chỉ là những thanh niên độ tuổi mười tám, đôi mươi, còn chưa hiểu cách mạng là gì nhưng khi thấy giặc về làng sát hại dân lành thì ai nấy đều hừng hực khí thế sẵn sàng ở lại giúp cách mạng. Những chàng trai, cô gái người Cơ Tu không ngại xông pha lửa đạn, làm du kích, giao liên sát cánh với cán bộ, bộ đội huyện trong mọi gian khổ, hiểm nguy”.

Gần 60 năm trôi qua, khu căn cứ Huyện ủy Hòa Vang vẫn còn đó như một biểu tượng về tinh thần cách mạng, hy sinh của thế hệ những người đi trước, quyết đấu tranh vì độc lập, tự do cho quê hương. Để hôm nay, vùng nông thôn Hòa Vang vươn vai phát triển cùng với các địa phương khác trên địa bàn TP. Ngoài những giá trị về vật chất, khu di tích còn mang một giá trị nhân văn sâu sắc. Đó chính là niềm tự hào, kiêu hãnh cho bao thế hệ mà cha ông đã dựng nên từ máu và nước mắt. “Hòa Vang đất mẹ anh hùng/Máu xương đổ xuống hòa cùng nước non/Dựng xây cơ đồ vuông tròn/Ngày nay tươi đẹp, mai sau vững bền”…

Nhận thức được giá trị nhiều mặt và ý nghĩa to lớn của khu căn cứ cách mạng, từ năm 2004, Hòa Vang đã đầu tư kinh phí để từng bước khôi phục, tôn tạo, tái hiện di tích lịch sử này. “Cùng với niềm tự hào về những hy sinh, cống hiến to lớn của biết bao đồng chí, đồng bào trong các giai đoạn lịch sử trước đây, tự hào về di sản lịch sử được tôn vinh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương tiếp tục phát huy truyền thống quê hương; gắn với bảo tồn di sản văn hóa và phát triển du lịch, thực hiện tốt dự án quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử để khu di tích trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ”, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Trần Văn Trường khẳng định.

VY HẬU

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_222563_.aspx