Bình cũ và… rượu cũng không mới!

Những ngày gần đây, các hội, nhóm dân chủ ráo riết tuyên truyền thông tin tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) đặt Việt Nam ở vị trí thứ 178/180 quốc gia trong bảng xếp hạng tự do báo chí thế giới. Đây không phải lần đầu tiên RSF đưa Việt Nam vào nhóm 'đội sổ' trong bảng xếp hạng này. Bất chấp đời sống báo chí ở Việt Nam diễn ra vô cùng sôi nổi và nhộn nhịp, RSF vẫn giữ một cái nhìn thiếu thiện chí, thậm chí là hằn học với nền báo chí Việt Nam.

Trong cái gọi là “Báo cáo toàn cầu về tự do báo chí năm 2023” mới được RSF công bố, hàng loạt thông tin sai trái về nền báo chí Việt Nam đã được đưa ra như: “Báo chí truyền thống của Việt Nam bị kiểm soát chặt chẽ bởi một đảng. Các nhà báo tự do và blogger thường xuyên bị cầm tù, biến Việt Nam thành nhà tù lớn thứ ba trên thế giới đối với nhà báo”, “Nhà nước Việt Nam gia tăng trấn áp đối với các nhà báo độc lập”, “bộ máy này đàn áp tất cả các sáng kiến báo chí xuất phát từ xã hội dân sự, chẳng hạn như Báo Sạch và Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam”… Những luận điệu này không có gì mới mẻ mà đã được “nhai đi, nhai lại” nhiều lần, từ năm này qua năm khác, từ báo cáo này qua báo cáo khác. Rõ ràng, những thông tin được đưa ra không phản ánh đúng thực trạng đời sống báo chí của Việt Nam. Mục đích khi RSF đưa ra báo cáo này không nhằm thúc đẩy hoạt động báo chí ở Việt Nam phát triển hơn mà chỉ là một chiêu trò hèn hạ để bôi lem chế độ, chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân. Điều 25, Hiến pháp nước ta khẳng định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Các quyền này đã được làm rõ và quy định cụ thể trong Luật Báo chí. Theo đó, mọi công dân đều có quyền sáng tạo tác phẩm báo chí, cung cấp thông tin cho báo chí, phản hồi thông tin trên báo chí, tiếp cận thông tin báo chí, liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí, phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới, tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, nền báo chí của nước ta đã có những bước tiến lớn đáng ghi nhận. Chưa bao giờ, đời sống báo chí lại nhộn nhịp như hiện nay. Cùng với việc hoàn thiện hành lang pháp lý, các cơ quan chức năng cũng triển khai nhiều chính sách, giải pháp để thúc đẩy báo chí phát triển theo hướng ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại. Tính đến cuối năm 2022, nước ta có 127 cơ quan báo, 670 cơ quan tạp chí (gồm 327 tạp chí lý luận chính trị và khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật) và 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình. Số lượng nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí là 41.000 người. Với nhân lực làm báo hùng hậu như vậy, hoạt động báo chí đã diễn ra hết sức sôi nổi. Những vấn đề nóng, những sự kiện dư luận quan tâm được các cơ quan báo chí truyền tải kịp thời, dưới nhiều góc độ khác nhau, giúp người dân có cái nhìn toàn diện, chính xác và đúng đắn về đời sống xã hội. Trong những năm qua, không ít lần Đài Truyền hình Việt Nam được Asiavision Annual Awards (thuộc Hiệp hội Phát thanh truyền hình Châu Á - Thái Bình Dương) vinh danh do có tác phẩm xuất sắc. Đây là minh chứng bác bỏ những luận điệu sai trái, xuyên tạc của RSF về nền báo chí Việt Nam. Cùng với đó, sự phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng của mạng xã hội đang làm thay đổi diện mạo hoạt động báo chí ở Việt Nam. Mỗi người dân đều có thể trở thành một “thông tin viên” trên không gian mạng.

Luật Báo chí nước ta quy định báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng. Ngược lại, báo chí, nhà báo phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân. Tự do báo chí, tự do ngôn luận không có nghĩa là vô tổ chức, vô kỷ luật, vô văn hóa. Hiện nay, báo chí đang thực hiện hàng loạt chức năng như: thông tin - giao tiếp, giám sát và phản biện, tư tưởng, chức năng văn hóa, giáo dục và giải trí… Bởi vậy, báo chí không thể có chỗ cho những kẻ phản động, chống đối, cơ hội chính trị.

Phải khẳng định rõ, ở Việt Nam không ai bị kết án, bỏ tù chỉ vì thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Những trường hợp xử lý hình sự đều là những kẻ có hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng quyền, lợi ích của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân. Rõ ràng, RSF đang cố tình dựng chuyện để bảo bọc, che chở cho các cá nhân, hội, nhóm chống phá Đảng, Nhà nước ta. Thế mới thấy, RSF cũng “cùng một giuộc” với những “con buôn dân chủ”. Thông qua vỏ bọc tự do báo chí, tự do ngôn luận, chúng đang cố tình gieo rắc, lan truyền những thông tin sai trái, phiến diện, xuyên tạc nhằm phỉ báng, phủ nhận chính quyền nhân dân; gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa nhân dân với chính quyền nhân dân, với lực lượng vũ trang nhân dân, với tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; kích động hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; kích động chiến tranh nhằm chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân… Hành động của những kẻ này đang đi ngược với lợi ích của quốc gia, dân tộc Việt Nam và không thể chấp nhận!

Anh Tú

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/144141/binh-cu-va-ruou-cung-khong-moi