Bình đẳng giới phải ngay từ xây dựng luật

Trước yêu cầu của xã hội, việc sửa đổi Bộ luật Lao động là hết sức cần thiết, trong đó có việc tăng độ tuổi nghỉ hưu. Thực hiện bình đẳng giới ngay từ khâu soạn thảo Luật cũng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm trong Hội nghị phản biện xã hội dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) dưới góc độ giới, do UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, tổ chức ngày 11/9.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực phát biểu tại hội nghị.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực phát biểu tại hội nghị.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà; Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực; ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam dự Hội nghị.

Không nên để nữ làm việc nhiều hơn nam

Tại Hội nghị, các đại biểu đã đề cập nhiều vấn đề được dư luận xã hội quan tâm. Theo bà Bùi Thị An - đại biểu Quốc hội khóa XIII, hiện nay, Việt Nam đã có bước tiến khá dài trong lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa nhưng vấn đề bình đẳng giới vẫn còn khoảng cách. Bình đẳng giới là mục tiêu thiên niên kỷ, vấn đề của xã hội và của đất nước. Thế giới cũng như Việt Nam đã có bước thay đổi. Nhưng tại sao dự thảo Bộ Luật Lao động lại đề xuất tuổi nghỉ hưu của nam là 62 trong khi của nữ lại là 60. Đây là vấn đề còn gây rất nhiều băn khoăn”- bà An chia sẻ.

Ở góc độ khác, bà Vương Thị Hanh - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Nâng cao năng lực phụ nữ lại cho rằng, chúng ta có lực lượng lao động phi chính thức, lao động tự do vô cùng lớn; chiếm gần 70%, tổng lao động nữ trong toàn quốc nhưng trong dự thảo sửa đổi chưa quan tâm đến họ.

Theo bà Hạnh, ít nhất phải có 2 hoặc 3 Điều nói đến việc chăm lo đến đối tượng này, để họ cảm thấy có được quyền lợi, được sự quan tâm. Đối với việc thay đổi tuổi nghỉ hưu, tại sao nhiều ngành, nghề không muốn đưa tuổi nghỉ hưu của phụ nữ lên 60, thậm chí nhiều người còn muốn giảm tuổi nghỉ hưu xuống thấp hơn nữa. Do đó, không thể cào bằng tuổi nghỉ hưu ở tất cả các ngành nghề nam 62 và nữ 60. Hoặc nếu có điều chỉnh thì cần rõ ràng, chia các ngành, nghề cho rõ ràng để nhân dân cùng nắm được.

Đại diện cho hơn 300 công nhân công ty, những người lao động trực tiếp, chị Trần Thị Hường - công nhân Công ty cổ phần đồ hộp Hạ Long chia sẻ: Đối với việc tăng tuổi nghỉ hưu cần phải được áp dụng đối với từng ngành, nghề chứ không thể áp dụng một cách chung chung. Đặc biệt, đối với ngành Thủy sản, đặc thù rất vất vả. Một ngày chúng tôi phải đứng 8 tiếng trong khi môi trường thường xuyên có sự thay đổi, lúc nóng, lúc lạnh. Các chị em phụ nữ làm ở lĩnh vực này khi bước sang tuổi 50 đã không theo được chứ chưa nói đến nghỉ hưu ở tuổi 60 nên nhiều chị chỉ cố gắng đóng bảo hiểm xã hội cho đủ 20 năm rồi xin về hưu sớm chứ không thể cố gắng nhiều hơn nữa.

Đối với lao động giúp việc gia đình - ông Đăng Nguyên Anh, Phó Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, bộ Luật này tiến bộ hơn so với trước đây. Tuy nhiên, khi đọc các Điều, khoản này cũng khó áp dụng đối với giúp việc gia đình, vì họ không làm theo giờ giấc. Người giúp việc có thể là người nhà, người quen… Do đó, hợp đồng lao động cho giúp việc có giúp cho họ giải quyết được những khó khăn đang gặp phải hay không? Vì trong một gia đình ngoài bố, mẹ còn có con cái, ông bà nên không phải một người sử dụng lao động. Do đó, việc quản lý đối tượng này rất khó, cần phải làm rõ hơn trong luật.

Thúc đẩy bình đẳng giới

Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, thực hiện chức năng phản biện xã hội, trong những năm qua MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội thường xuyên tổ chức phản biện ở nhiều dự thảo Luật. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp tổ chức phản biện dự thảo một Bộ Luật quan trọng. Vấn đề bình đẳng giới đã được đề cập nhiều trong các văn bản, trong đó có vấn đề của phụ nữ. Hội LHPN Việt Nam cũng như MTTQ Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đã đóng góp nhiều ý kiến.

“Với Bộ luật Lao động (sửa đổi), chúng tôi đã kỳ công lấy ý kiến các nhà khoa học và các tầng lớp nhân dân. Trên cơ sở kết quả đó cùng với văn bản thực tế hiện nay, Bộ luật Lao động sửa đổi lần này có nhiều vấn đề cần được thảo luận, sửa đổi; nhưng Hội LHPN Việt Nam đặc biệt quan tâm đến việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi phụ nữ, nhất là phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai hoặc trong phạm vi đặc thù” – bà Hà cho biết.

Theo Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực, Bộ luật Lao động năm 2012 có nhiều điều khoản hỗ trợ bình đẳng giới, nhưng khoảng cách giới vẫn còn tồn tại trên nhiều khía cạnh trên thị trường lao động. Do đó, việc sửa đổi một số Điều trong Bộ luật Lao động để trao cho phụ nữ quyền tự quyết lớn hơn đối với quãng đời làm việc của họ; tạo môi trường bình đẳng giữa nam và nữ trong quãng đời làm việc cũng như trong vai trò làm cha mẹ và thành viên gia đình; thúc đẩy bình đẳng giới trên thị trường lao động. Tuy nhiên, các nội dung sửa đổi trong Bộ Luật Lao động cần thiết lập các nguyên tắc cơ bản; ngôn từ cụ thể đưa vào các quy định để không định nghĩa quá mức cần thiết trong luật. Trong đó, quan trọng nhất cần phải xem xét việc thực hiện tính khả thi để thúc đẩy giới.

Khi xem xét trình độ kỹ năng kết hợp với công việc, phụ nữ có xu hướng co cụm trong các ngành nghề được trả lương thấp và trong các hình thức công việc truyền thống. Gần 52% lao động nông nghiệp là nữ, so với 48% lao động nông nghiệp là nam. Khoảng 55% chủ doanh nghiệp hộ gia đình là nữ so với 45% là nam. Lao động nông nghiệp gia đình và doanh nghiệp hộ gia đình có thu nhập trung bình thấp hơn so với lao động làm công ăn lương. Phụ nữ tập trung vào các ngành nghề với yêu cầu trình độ kỹ năng thấp nhất, điều kiện làm việc kém nhất và mức lương thấp nhất; và tỷ lệ nữ làm cán bộ quản lý cũng thấp hơn nhiều so với nam giới.

Tuệ Phương – Tiến Đạt

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/mat-tran/binh-dang-gioi-phai-ngay-tu-xay-dung-luat-tintuc447092