Bình dị Anh Ngọc

Nhà thơ Anh Ngọc trực tiếp tham gia chiến dịch Quảng Trị trong đội hình lính thông tin Đại đội 4, Trung đoàn 132, thuộc Bộ Tư lệnh Thông tin Liên lạc. Tại chiến trường ác liệt, với những dòng nhật ký xen những bài thơ lỗ chỗ vết đạn, thật kỳ diệu, chính những vần thơ đã như sự cứu cánh tâm hồn và tinh thần các chiến sĩ 'Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh'.

Nhà thơ Anh Ngọc. Ảnh: Thư Hoàng.

Ông từng được trao giải Nhì trong cuộc thi thơ năm 1972-1973 của tuần báo Văn nghệ, được nhà thơ Xuân Diệu dành những lời khen tặng rất cảm động: “Trong các giải Nhì, có chùm thơ của Anh Ngọc: Bài “Cây xấu hổ” của anh đã từ phản ánh sự vật nâng lên cấu tạo tứ thơ: “Bờ Đường 9 có lùm cây xấu hổ/ Chiến sĩ đi qua ai cũng mỉm cười...” như thế tức là cây xấu hổ, cũng gọi là cây thẹn, cây trinh nữ, đã vượt quá mức độ cây cối rồi.

Bài “Mưa trên mái tôn” viết trong năm 1972 khi Quảng Trị vừa giải phóng có những câu rất độc đáo: “Mưa rào rào quất xuống mái tôn/ Ngắt giữa chừng câu chuyện mẹ và con…” cũng đứng trước một thực tại, nhà họa sĩ nảy ra tranh vẽ; nhà tư tưởng nảy ra những suy nghĩ mà ông phát biểu trực tiếp; còn nhà thơ trước hết xúc cảm thật sâu cái tiếng mưa trên mái tôn một cách thi sĩ: “Không phải tiếng dịu dàng mưa rơi trên mái rạ/ Tiếng thánh thót sum vầy trong lá/ Mưa choang choang như búa gõ trên đầu/ Mưa rầm rầm như sắt đá va nhau…”

Thật hiếm hoi khi được nhà thơ Xuân Diệu bình phẩm từng câu thơ như thế.

Nhà thơ Anh Ngọc trong quãng thời gian ở Quảng Trị giữa lằn ranh sống chết vẫn nảy ra những vần thơ thật đẹp: “Trên con đường tôi đi hôm nay/ Còn ấm dấu chân người đi phía trước/ Tôi gặp lại bạn bè trong mỗi bước/ Ngọn rau rừng tha thiết gợi về nhau” (Gặp lại), đã cho thấy sự bằng an trong mỗi khoảnh khắc chiến tranh. Chính những tiếng nói, hình ảnh đời thường ấy đã cho người lính lớn cao hơn, rộng dài hơn chính họ. Người chiến thắng luôn bình dị biết bao.

Trong một khoảnh khắc của nhật ký, Anh Ngọc viết: “Đêm 13/4, nằm mơ gặp Phạm Tiến Duật. Rất buồn cười. Sáng nay nắng trong rừng. Cây rất cao, phải đến 20-30m, không rõ là cây gì. Nắng lỗ chỗ trên sân cây. Ve đã kêu vang đâu đó. Lán nằm rải rác hai bên suối mẹ. Thung lũng lá khô đang mục. Mòng rất nhiều. Chiến sĩ hết sức nghịch ngợm…”. Từ trang nhật ký, đã thấy được dường như chỉ có nhà thơ mới quan sát tinh tế và xúc tích, gọn gàng một khoảnh khắc chiến tranh như vậy. Và quả tình từ quan sát đó, những câu thơ đã hiện ra: “Nửa đêm chợt thấy lạnh lưng/ Giật mình thức giấc nghe rừng lao xao/ Mình nghiêng võng cũng nghiêng chao/ Mênh mông tâm sự gửi vào lá cây...”; “Đêm đen chẳng rõ mặt người/ Võng bên đứa bạn bỗng cười trong mơ…” là nguyên đó sự mềm mại, thao thức mà vẫn hồn nhiên chất lính. Giữa đạn bom Quảng Trị những vần thơ ấy đã nói lên rất nhiều điều.

Chiến tranh có những quy luật riêng mà không phải lúc nào bút mực cũng nói ra hết được. Có lẽ chỉ những người lính, ở trong chiến tranh, giữa lằn ranh sống chết với những vật dụng chết chóc trên tay mới có những vần thơ hay đến thắt lòng: “Trưa nắng nằm trên đồi cỏ gianh/ Khẩu súng trong bàn tay cháy bỏng/ Ta có duyên gì với khẩu súng/ Không dưng sao lại đến bàn tay”; “Bàn tay quen cầm búa cầm cày/ Tay xới đất, đất mọc lên khoai lúa/ Tay xẻ gỗ, gỗ dựng thành nhà cửa/ Nét vẽ câu thơ là tay học trò”; “Cái bàn tay của mẹ cha cho/ Lúc xòe ra là trang sách mở/ Lúc chụm lại như bông hoa đào nở/ Lại khi nắm vào thành quả đấm vung cao”; “Trời biếc trên đầu, máu đỏ trong tim/ Mỗi bước ta đi chín dần bao ý nghĩ/ Khẩu súng bàn tay, nỗi niềm chung thủy/ Tiếng súng ta gầm là tiếng nói của bàn tay…”

Một bài thơ trong sổ tay của nhà thơ Anh Ngọc.

Anh Ngọc là một trong vô số người lính sớm nếm trải sự hủy diệt của B52. Chúng ta, trong những ngày tháng 12 lịch sử đang tiến hành kỷ niệm chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không luôn tưởng nhớ và biết hơn sự hy sinh vô bờ bến của quân và dân ta để làm nên chiến thắng. Khi bom nổ rung trời Hà Nội cũng là lúc ở chiến trường tim người chiến sĩ nhói đau. Nhật ký của nhà thơ chợt như sững lại cảm nhận như bom đạn đang trút xuống chính mình: “Tiếng rào rào là bom rơi rất gần/ Khói dựng lên như lùm tre khóm chuối/ Đất mọc dậy những cái làng bằng khói/ Có sấm rền chớp giật mưa mau” (Trong tiếng bom B52).

Nhà thơ Anh Ngọc tên khai sinh là Nguyễn Đức Ngọc. Ông sinh năm 1943 tại Nghi Trung, Nghi Lộc, Nghệ An. Anh Ngọc tốt nghiệp khoa Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1971. Ra trường cũng là lúc ông tình nguyện xung phong nhập ngũ, làm lính thông tin chiến đấu ở Quảng Trị trong năm 1972 ác liệt. Tiếp đó, từ năm 1973, ông làm phóng viên Báo Quân đội nhân dân, có mặt trong chiến dịch Mùa Xuân năm 1975 tại cực Nam Trung bộ và Sài Gòn.

Trong ngày vui của đất nước thống nhất, Anh Ngọc còn có niềm vui được gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Là một trong những người lính đầu tiên vào Sài Gòn, giữa bao tâm trạng, Anh Ngọc đã chia sẻ với Trịnh Công Sơn: “Anh có thêm một nửa công chúng”. Sau này ông viết rất hay về Trịnh Công Sơn: “Ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, tôi trò chuyện với anh Sơn. Trong một thế giới chỉ có tôi và anh, ở đấy tôi và anh đều trong suốt, nói đúng hơn, hồn tôi và hồn anh đều trong suốt, có thể đi qua nhau như ánh sáng đi qua pha lê. Càng đọc được hồn anh, tôi càng hiểu hồn tôi, và ngược lại… ”.

Nhà thơ Anh Ngọc trong một lần đi nước ngoài. Ảnh: TL.

Tiếp sau năm 1975 là những tháng ngày làm báo và chiến đấu ở đất nước Campuchia. Anh Ngọc như sinh ra để làm phóng viên chiến trường. Khi biên giới phía Bắc rộ lên tiếng súng, Anh Ngọc đã lập tức có mặt viết những bài ký nóng hổi.

Tiếp đó ông làm biên tập viên và cán bộ sáng tác của Tạp chí văn nghệ quân đội đến năm 2008 nghỉ hưu với Quân hàm Đại tá. Chính cuộc sống phong phú của người chiến sĩ đã tạo nên sự sum suê, vạm vỡ tác phẩm của Anh Ngọc. Với thơ là: “Hương đất màu cờ” (1977); “Ngàn dặm và một bước” (1984); “Thơ tình rút từ nhật ký” (1993); “Một con mèo nằm ngủ trên ngực tôi” (1997); “Thị Mầu” (2000); “Mạnh hơn tuyệt vọng” (2001); “Thơ với tuổi thơ” (2003); “Gửi lại thời gian” (2008). Với trường ca là: “Sông Mê Kông bốn mặt” (1988); “Điệp khúc vô danh” (1993); “Sông núi trên vai” (1995). Với bút ký và tùy bút là: “Ba cuộc đời một trái bóng” (1988); “Nhớ thế kỷ 20” (2004); “Trò chuyện với mưa xuân” (2011); “Trời xanh trên cỏ xanh” (2012)… Ngoài ra ông còn viết nhiều tiểu luận, phê bình, tạp bút và dịch thuật tiểu thuyết và thơ rất có uy tín.

Trong một lần trò chuyện, ông bộc bạch: “Tôi làm thơ từ tuổi 14 - 15, in thơ từ tuổi 20, từ ngày đi lính, làm khá nhiều và dù có làm gì thì cũng được xếp vào dòng thơ chống Mỹ. Thực sự là nghiệp nên không cách nào bỏ nghề được, kể cả lúc chán nản nhất, thấy nghề này quá bất lực và chẳng giúp gì được cho ai... Tuổi tác dĩ nhiên làm khả năng sáng tác kém đi, nhưng bù lại, sức nghĩ và kinh nghiệm sống giàu có hơn, viết có chất cổ điển hơn, gần với thơ đích thực và vĩnh cửu hơn”.

Xin tạm kết bài viết về ông với bài thơ “Vị tướng già” năm 1994 ông kính tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Những đối thủ của ông đã chết từ lâu

Bạn chiến đấu cũng chẳng còn ai nữa

Ông ngồi giữa thời gian vây bủa

Nghe hoàng hôn chầm chậm xuống quanh mình

Bàn chân đi qua hai cuộc chiến tranh

Giờ chậm rãi lần theo dấu gậy

Đôi bàn tay nhăn nheo run rẩy

Đã từng gieo khủng khiếp xuống đầu thù

Trong góc vườn mùa thu

Cây lá cũng như ông lặng lẽ

Tám mươi tuổi ông lại như đứa trẻ

Nở nụ cười ngơ ngác thơ ngây

Ông ra đi

Và …

Ông đã về đây

Đời là cuộc hành trình khép kín

Giữa hai đầu điểm đi và điểm đến

Là một trời nhớ nhớ với quên quên

Những vui buồn chưa kịp gọi thành tên

Cõi nhân thế mây bay và gió thổi

Bầy ngựa chiến đã chân chồn gối mỏi

Đi về miền cát bụi phía trời xa

Ru giấc mơ của vị tướng già

Có tiếng khóc xen tiếng cười nức nở

Một chân ông đã đặt vào lịch sử

Một chân còn vương vấn với mùa thu.

Nhà thơ Anh Ngọc, từ nhật ký đến thơ, một cốt cách, một tâm hồn sáng trong bình dị.

PHÙNG VĂN KHAI

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/binh-di-anh-ngoc-5704700.html