Bình Định: 2 công nhân chết ngạt dưới hầm tàu

Thêm một vụ tai nạn lao động do ngạt khí làm hai nạn nhân tử vong vừa xảy ra tại tỉnh Bình Định. Đây không phải là vấn đề mới, nhưng do thiếu kiến thức phòng ngừa nên nỗi đau mang tên chết ngạt trong lao động vẫn cứ dai dẳng…

Nỗi đau mang tên chết ngạt

Khoảng 1h ngày 16/9, các công nhân của Công ty TNHH Hào Hưng (trụ sở giao dịch tại TP.HCM) tiến hành kiểm tra tại khoang số 2 dưới hầm tàu hàng Uni Fortune, quốc tịch Panama, đang cập cầu cảng ở cảng Quy Nhơn (thuộc Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) để chuẩn bị bốc dỡ hàng xuất cảng.

Tàu hàng Uni Fortune, nơi xảy ra vụ việc hai công nhân tử vong ngày 16/9.

Khi anh Nguyễn Việt Hoàn (41 tuổi, quê tỉnh Bạc Liêu) đang tháo dây xích ở xe ủi ra khỏi cần cẩu thì bất ngờ bị ngất xỉu. Thấy vậy, anh Nguyễn Văn Ngữ (31 tuổi, quê tỉnh Phú Yên) chạy lại ứng cứu thì thấy khó thở, vội chạy ra ngoài nhưng cũng bị ngất xỉu ở chân cầu thang dưới hầm tàu.

Phát hiện sự việc, các công nhân đang làm bốc xếp ở trên boong tàu liền báo cho trưởng ca điều độ cảng Quy Nhơn và các đơn vị chức năng. Ngay sau đó, lực lượng Phòng cháy chữa cháy - cứu hộ, cứu nạn tỉnh Bình Định tiếp cận hiện trường đưa hai nạn nhân ra ngoài. Tuy nhiên, cả hai công nhân này đều đã tử vong.

Trước đó, khoảng 12h30 ngày 11/4, các thuyền viên trên tàu Thành Công 98 của Công ty TNHH dịch vụ thương mại Thành Mỹ Phát (trụ sở giao dịch tại tỉnh Đồng Nai) đang cập cầu cảng Công ty Cổ phần Tân Cảng miền Trung (ở phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn) gồm thủy thủ, thợ máy xuống hầm hàng số 6 để làm vệ sinh thì 3 người tử vong do ngạt khí.

3 giờ đồng hồ trước đó, tàu Thành Công 98 mới cập cầu cảng Công ty Cổ phần Tân Cảng miền Trung để tiếp nhận 2.500 tấn mật mía đường. Trước giờ bốc hàng, 12 thuyền viên trên tàu thay phiên nhau xuống hầm tàu làm vệ sinh, kiểm tra van, đường ống.

Đầu tiên, hai thủy thủ Quân và Hòa xuống hầm để kiểm tra thì gặp khí gas phát sinh từ những vết mật mía chuyến hàng trước còn sót lại nên bị ngạt.

Nghe tiếng kêu cứu dưới hầm, thợ máy Sáu thả dây thừng lao xuống cứu nhưng hai thủy thủ nói trên đã bị ngất, không thể cầm lấy dây. Khí gas từ mật mía quá mạnh, khiến anh Sáu cũng rơi xuống hầm.

Điều tra của lực lượng chức năng cho thấy, Tàu Thành Công 98 là tàu chở mật rỉ đường. Tàu này tuy có xả nước vào hầm khi di chuyển để đi cho êm, nhưng lượng mật còn sót lại trong hầm chuyển hóa lên men thành rượu, do quá trình di chuyển dài ngày đã tạo ra khí CO2 và các khí khác, làm mất khí ôxi.

Trong cứu nạn, cứu hộ trong vòng 30 giây nếu lượng khí ôxi cung cấp không đủ có thể khiến người bình thường bị ngất, tối đa 3 phút là tử vong. Nên khi hai người đầu tiên xuống hầm liền bị ngạt, ngất tại chỗ, người kế tiếp xuống cứu cũng vậy.

Thiếu kiến thức phòng ngừa

Theo y học, ngạt là hiện tượng ngừng cung cấp ôxi và thừa khí CO2 trong cơ thể. Bình thường trong không khí, ôxi chiếm 20,96%, CO2 chiếm 0,04%...

Thực nghiệm ngạt cho thấy khi ôxi trong phòng kín giảm 12 - 14%, CO2 tăng lên 6 - 8% thì xuất hiện các triệu chứng: nhức đầu, thở nhanh, huyết áp tăng... Khi ôxi còn 8% và CO2 tăng lên 12% sẽ xảy ra tử vong và thông thường thời gian chịu đựng ngạt của con người không quá 5 phút.

Những người thường xuyên rèn luyện sức khỏe tốt như thợ lặn, vận động viên bơi lội, marathon... có thể chịu đựng hơn 10 phút.

Theo các chuyên gia, khi xảy ra sự cố tai nạn chết ngạt, không nên vội vàng giải cứu để dẫn đến chết chùm, mà khẩn báo cho cơ quan chức năng càng sớm càng tốt; đồng thời tìm mọi biện pháp phá dỡ, mở toang các cửa thoát khí hầm tàu, kho hàng, bể ngầm, đường ống để thoát khí độc.

Tùy theo hiện trường xảy ra sự cố là giếng nước, bể ngầm, đường cống, hầm tàu vận tải biển, kho thực phẩm, kho đông lạnh… sẽ triển khai phương án và sử dụng công cụ, thiết bị cứu nạn phù hợp.

Ở bất kỳ hiện trường tai nạn ngạt khí nào, người cứu nạn cần phải mang mặt nạ phòng độc và bình dưỡng khí trước khi tiếp cận hiện trường; đồng thời dùng quạt gió để phân hủy khí độc, tăng cường ôxi…

Trong đời sống thường nhật, đã có không ít trường hợp ngạt khí do tai nạn lao động khiến nhiều người tử vong. Nguyên nhân do chủ quan và thiếu kiến thức phòng ngừa nên những vụ ngạt khí vẫn tái diễn.

Để phòng ngừa và giảm thiểu nỗi đau mang tên chết ngạt do tai nạn lao động, trước khi tiếp cận những nơi có khả năng nhiều khí độc, người lao động không nên chủ quan mà cần chủ động kiểm tra an toàn hiện trường, tạo không gian thông thoáng…

Thắng Mỹ

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/binh-dinh-2-cong-nhan-chet-ngat-duoi-ham-tau-d78022.html