Bình Định ban hành chương trình hành động số 21

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định vừa ban hành chương trình hành động số 21-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Một góc TP Quy Nhơn (ảnh: Dũng Nhân).

Một góc TP Quy Nhơn (ảnh: Dũng Nhân).

Mục tiêu tổng quát của chương trình hành động là đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực trên toàn tỉnh, có tính liên kết với cả vùng, khu vực và cả nước; quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị có tính bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu; kết cấu hạ tầng của đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại.

Chương trình còn đề ra mục tiêu kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững; chất lượng sống tại đô thị ở mức trung bình khá trở lên, bảo đảm đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho cư dân đô thị; phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy.

Tầm nhìn đến năm 2045, tỷ lệ đô thị hóa tỉnh Bình Định thuộc nhóm cao của khu vực miền Trung. Hình thành chuỗi đô thị phía Nam của tỉnh trở thành vùng đô thị động lực của vùng kinh tế duyên hải miền Trung và Tây Nguyên có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo hài hòa các tiêu chí về đô thị hiện đại, thông minh, xanh và giàu bản sắc.

Đáng chú ý trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của chương trình hành động là hình thành chuỗi các đô thị vùng phía Nam của tỉnh (bao gồm các đô thị Quy Nhơn, An Nhơn, Tuy Phước, Cát Tiến, Canh Vinh) trở thành vùng đô thị động lực cho cả tỉnh, có tính kết nối vùng duyên hải miền Trung và khu vực Tây Nguyên với hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phát triển đồng bộ, hiện đại.

Trung tâm thị xã An Nhơn (ảnh: Dũng Nhân).

Đồng thời, thí điểm hình thành chuỗi đô thị ven biển với đặc thù kinh tế biển gắn với dịch vụ du lịch, hậu cần nghề cá, phát triển nuôi, trồng thủy hải sản và chế biến với công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, lấy đầm Đề Gi là trung tâm; tiếp tục đầu tư phát triển đô thị Hoài Nhơn là trung tâm động lực vùng, cực tăng trưởng phía Bắc của tỉnh; quy hoạch và định hướng phát triển đô thị Quy Nhơn trở thành trung tâm văn hóa vùng duyên hải Trung bộ.

Bên cạnh đó, địa phương này đẩy mạnh liên kết phát triển Nam Bình Định - Bắc Phú Yên và Bình Định - Gia Lai - Kon Tum, gắn với hành lang kinh tế Bắc - Nam và Đông Tây. Lấy chuỗi đô thị phía Nam, sân bay Phù Cát, cảng Quy Nhơn, các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu khoa học, trung tâm phần mềm để tạo sức mạnh tổng hợp làm nền tảng kết nối, nhất là trong xúc tiến đầu tư, thương mại, chuyển giao và ứng dụng công nghệ, đầu tư kết cấu hạ tầng…

Ngoài ra, Bình Định còn phát triển kinh tế dịch vụ, công nghiệp chế tạo tiên tiến có tính chiến lược, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, kinh tế du lịch, thể thao… ; khuyến khích các đô thị xây dựng thương hiệu gắn với thúc đẩy phát triển kinh tế đô thị; chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao tại các đô thị; khuyến khích xây dựng mô hình kinh tế ven biển có tính đặc thù, trung tâm đổi mới sáng tạo gắn với các sản phẩm chiến lược và thế mạnh của từng đô thị.

Đình Phùng

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/binh-dinh-ban-hanh-chuong-trinh-hanh-dong-so-21-post475948.html