Bình Định: Gỡ vướng bảo hiểm để 'tàu 67' sớm ra khơi

Lãnh đạo tỉnh Bình Định, đề nghị Công ty Bảo hiểm PJICO sớm bán bảo hiểm cho chủ tàu 67, tránh tình trạng nằm bờ vì không mua được bảo hiểm cho tàu cá.

Tại cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc bảo hiểm tàu cá đóng mới theo Nghị định 67, do tỉnh Binh Định tổ chức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu, đề nghị Tổng công ty CP Bảo hiểm PJICO sớm bán bảo hiểm, tránh tình trạng nằm bờ dài ngày, vì không mua được bảo hiểm.

Do nằm bờ lâu ngày, nhiều tàu cá vỏ thép bị hoen rỉ

Do nằm bờ lâu ngày, nhiều tàu cá vỏ thép bị hoen rỉ

Thực tế cho thấy: ngư dân, ngân hàng và công ty bảo hiểm, ai cũng muốn “nắm cái cán”, chưa có tiếng nói chung, trong vấn đề bảo hiểm cho “tàu 67”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu cho biết, phải sớm có giải pháp tháo gỡ, cụ thể trách nhiệm của ngư dân, công ty bảo hiểm. Tàu 67 không chỉ là tàu KTTS mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Bình Định hiện có 61 “tàu 67” đóng mới, hiện, có 4 tàu bị chìm, 3 tàu vỏ thép dịch vụ hậu cần nằm bờ, không hoạt động, còn lại 54/61 tàu hoạt động KTTS.

Tuy nhiên, từ tháng 8.2019 đến nay, Công ty Bảo hiểm PJICO Bình Định (thuộc Tổng công ty CP Bảo hiểm PJICO) không bán bảo hiểm, khiến ngư dân để tàu nằm bờ.

Không có bảo hiểm, ngư dân muốn ra khơi cũng không được, phần vì trái quy định của Nhà nước, phần vì tàu là tài sản từ vốn vay ngân hàng, nên bên cho vay cũng không cho tàu ra khơi, bởi rủi ro, tổn thất quá lớn.

Hiện, cả tỉnh có 29 tàu hết hạn bảo hiểm, phải nằm bờ. Nếu tính đến 1.1.2020, số tàu hết hạn bảo hiểm tăng lên 37 tàu và đến tháng 7.2020 thì toàn bộ đội “tàu 67” gồm 57 tàu của ngư dân Bình Định sẽ hết hạn bảo hiểm.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc, cho biết: “Mặc dù tỉnh đã nhiều lần gửi văn bản kiến nghị, nhưng Tổng công ty CP Bảo hiểm PJICO vẫn chưa có câu trả lời chính thức.

Họ không bán bảo hiểm thì tàu tiếp tục nằm bờ, ngư dân không có thu nhập, và hệ lụy là không có tiền trả nợ ngân hàng. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67”.

Nhiều tháng qua, tàu vỏ thép BĐ 99016 TS của ngư dân Lê Văn Thãi, xã Cát Khánh (huyện Phù Cát) phải phơi mình tại cảng Đề Gi, vì hết hạn bảo hiểm, nhưng không mua được hợp đồng mới.

Ông Thãi cho biết: “Tàu tôi mua bảo hiểm tháng 7.2018 với số tiền hơn 50 triệu đồng; trong đó Nhà nước hỗ trợ 50%; giá trị bảo hiểm con tàu hơn 11 tỷ đồng. Khi hết hạn, Công ty CP Bảo hiểm PJICO Bình Định từ chối bán bảo hiểm.

Đến nay, tôi chỉ mới trả nợ cho ngân hàng được hơn 400 triệu đồng, mà tàu thì nằm bờ, biết lấy đâu ra tiền trả nợ”.

Chia sẻ khó khăn với ngư dân, ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, cho hay: “Các “tàu 67” nằm bờ, ngân hàng không cơ cấu lại các khoản nợ. Còn công ty bảo hiểm từ chối bán bảo hiểm, dẫn đến tình trạng ngư dân bức xúc khiếu nại, khiếu kiện.

Tại huyện Hoài Nhơn có 3 “tàu 67” bị chìm trên biển, đến giờ các chủ tàu cũng chưa nhận được tiền bồi thường bảo hiểm”.

Theo Tổng công ty CP Bảo hiểm PJICO - đơn vị được Bộ Tài chính chỉ định bán bảo hiểm “tàu 67” cho ngư dân Bình Định, thời gian qua, có nhiều vụ chìm tàu không rõ nguyên nhân, không tìm được xác tàu, số vụ chìm tàu tăng đột biến, khiến đơn vị tổn thất nặng. Riêng tháng 7.2019, có 7 vụ (kể cả tàu cá vỏ gỗ), tổng thiệt hại hơn 40 tỷ đồng.

Ông Phạm Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty CP Bảo hiểm PJICO, cho biết: “Chúng tôi khẳng định không có chỉ đạo dừng bán bảo hiểm “tàu 67”. Đơn vị chỉ tạm dừng để đánh giá, sắp xếp lại quy trình cấp bảo hiểm, giải quyết bồi thường theo luật định.

Sau cuộc họp tại UBND tỉnh Bình Định, chúng tôi khảo sát thực tế, để đánh giá lại giá trị các con tàu, để xác định giá trị bảo hiểm, và sẽ sớm bán bảo hiểm cho ngư dân.

Trong quá trình kiểm tra thực tế, nếu ngư dân thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Thủy sản, như: Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, có đầy đủ văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng, thợ máy tàu cá, danh sách thuyền viên… chúng tôi sẽ bán bảo hiểm ngay”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu nhìn nhận: PJICO có quyền đánh giá lại giá trị các con “tàu 67” để bán bảo hiểm cho ngư dân. UBND tỉnh cũng đề nghị PJICO làm lại trong thời gian nhanh nhất, và khoa học, để xác định khấu hao tài sản và bán bảo hiểm trở lại cho ngư dân.

Đồng thời chỉ đạo Sở NN&PTNT, các huyện, thành phố ven biển, phải nhanh chóng vào cuộc phối hợp đồng bộ cùng PJICO, và ngân hàng tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân, tiếp cận các quy định mua bảo hiểm tàu cá sớm nhất.

Khánh Hòa: Giúp ngư dân vững tâm bám biển

Những năm qua, Liên đoàn Lao động Khánh Hòa đã tập trung vận động ngư dân gia nhập các nghiệp đoàn nghề cá. Nhờ đó, đã trở thành điểm tựa, giúp ngư dân vững tâm bám biển.

Được biết, từ năm 2013 đến nay, Công đoàn tỉnh đã thành lập được 9 nghiệp đoàn nghề cá, phát triển hơn 1.400 đoàn viên là chủ tàu và thuyền viên.

Các nghiệp đoàn giúp ngư dân an tâm bám biển

Sau khi thành lập, các nghiệp đoàn thực hiện tốt nhiệm vụ, quy tụ, gắn kết ngư dân, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau khi đang hành nghề trên biển. Năm 2019, chỉ tính riêng các chủ tàu ở TP. Nha Trang, đã khai thác được hơn 30.000 tấn thủy sản.

Bình quân, mỗi đoàn viên có thu nhập 10 triệu đồng/người/tháng. Ngư dân Trần Văn Mây, đoàn viên Nghiệp đoàn xã Phước Đồng, chia sẻ: “Từ ngày gia nhập nghiệp đoàn, những chuyến biển dài ngày ở Trường Sa luôn có anh em song hành.

Những lúc máy hỏng, các bạn tàu đều ứng cứu, hỗ trợ kịp thời, tạo sự vững tâm ngoài khơi xa”.

Mặt khác, các nghiệp đoàn nghề cá, đã tuyên truyền về Luật biển, vùng đánh bắt của Việt Nam, không khai thác vùng biển nước láng giềng, và chính sách khuyến khích ngư dân khai thác vùng biển khơi.

Mở lớp tập huấn xử lý tình huống tai nạn trên biển, giúp đoàn viên nâng cao tay nghề, hiểu biết pháp luật, an toàn lao động, chiến lược của Nhà nước trong phát triển nghề cá.

Tiêu biểu, Nghiệp đoàn Vĩnh Trường đã vận động được 120 triệu đồng, Nghiệp đoàn Phước Đồng: 65 triệu đồng… hỗ trợ cho 3 tàu bị chìm; hàng chục đoàn viên bị tai nạn trên biển; hơn 100 đoàn viên có hoàn cảnh khó khan.

Với sự hỗ trợ của Liên đoàn Lao động tỉnh, các nghiệp đoàn đã trao tặng hơn 1.000 suất quà, mỗi suất 300.000 đồng cho con em ngư dân có hoàn cảnh khó khăn học giỏi.

Ông Nguyễn Hòa - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, cho biết, các nghiệp đoàn đã thực sự trở thành nơi kết nối ngư dân trong sản xuất cũng như trong đời sống.

Luôn nắm bắt thuận lợi, khó khăn, tâm tư của đoàn viên, để giúp ngư dân an tâm bám biển, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân trên biển.

Quảng Bình: Làm giàu từ vùng biển bãi ngang

Bằng ý chí và nghị lực của mình, anh Trần Văn Vương (SN 1984), thôn Liêm Bắc, xã Ngư Thủy Nam (Lệ Thủy) đã tận dụng những lợi thế từ vùng biển địa phương để làm giàu chính đáng.

Lò hấp cá của anh Vương, quy mô 5 ha, trên 400 triệu đồng

Sinh ra trong một gia đình ngư dân nghèo thôn Liêm Bắc, xã Ngư Thủy Nam. Đây là vùng biển bãi ngang, thời tiết rất khắc nghiệt. Cuộc sống chủ yếu nhờ vào đánh bắt thủy, hải sản gần bờ.

Năm 2002, tốt nghiệp cấp 3, anh tạm gác giấc mơ vào đại học để hỗ trợ cha mẹ nuôi đàn em. Anh Vương kể: “Thời điểm ấy, tôi cũng muốn đi học tiếp, nhưng nhà nghèo nên đành chịu. Để vơi đi nỗi buồn, và có them nguồn vốn, tôi theo ba đi đánh bắt thủy, hải sản gần bờ”.

Năm 2008, anh lập gia đình. Đời sống khó khăn, đánh bắt thủy hải sản bấp bênh, không đủ tiền trang trải cuộc sống. Cái nghèo cứ bám riết, anh phải trăn trở, tìm hướng đi.

Sau đó, anh tham gia lớp tập huấn nuôi cá lóc trên cát do Đoàn xã Ngư Thủy Nam tổ chức. “Tôi nghĩ nuôi cá lóc phù hợp đất cát, lại tận dụng được thức ăn, khí hậu của địa phương, mang lại hiệu quả cao”, anh Vương chia sẻ.

Nghĩ vậy, anh đã dốc toàn bộ số vốn, cùng nguồn vay từ Ngân hàng chính sách, để xây dựng trang trại nuôi cá lóc. Năm đầu tiên, xây hồ diện tích 200m2 và mua cá giống về nuôi.

Sau gần 5 tháng, cá lớn rất nhanh, giúp anh lãi ròng 40 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả cao, năm thứ 2, anh đã mở rộng diện tích ao khoảng 0,7 ha, nhờ đó, thu nhập đạt trên 100 triệu đồng.

Năm 2010, thấy ngư dân được mùa cá nục nhưng khó bán do thương lái ép giá, anh đã học hỏi mô hình hấp cá khô, gồm một nhà xưởng, 3 sân phơi, trên 200 triệu đồng.

Anh Vương cho biết: “Ban đầu, gặp rất nhiều khó khăn để tìm đầu ra cho sản phẩm. Nhưng vì cố gắng tạo ra những sản phẩm bảo đảm chất lượng, uy tín nên khách tự đến mua”.

Hiện, anh đã có 5 ha, tổng vốn đầu tư trên 400 triệu đồng. Bình quân thu mua 5 tấn cá nục tươi/ngày để hấp, phơi thành cá khô. Giải quyết việc làm cho 20 lao động địa phương, 50 người thời vụ, mức lương 3-3,5 triệu đồng/người/tháng. Trừ chi phí, thu lãi ròng trên 300 triệu đồng/năm.

Nghêu, sò Việt Nam được ưa chuộng tại châu Âu

Xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ của Việt Nam vào châu Âu tăng 35% trong quý III/2019.

Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, EU chiếm 66% tổng giá trị xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ của Việt Nam; riêng nghêu chiếm 35% giá trị.

Ngao (nghêu) được nuôi nhiều ở vùng ven biển Nghệ An. Ảnh tư tiệu

80% giá trị xuất khẩu mặt hàng này sang EU tập trung vào ba thị trường Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Italy. Trong quý III vừa qua, xuất khẩu sang 3 thị trường này tăng mạnh lần lượt ở mức 68%, 13% và 45%.

Hiện, có gần 90 công ty Việt Nam xuất khẩu nghêu sang châu Âu. Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Italy. Đây cũng là ba thị trường chính tại châu Âu tiêu thụ nghêu, sò đã qua xử lý.

Giá nghêu nâu luộc đông lạnh xuất sang Bồ Đào Nha 9 tháng đầu năm từ 1,6 - 1,75 USD/ kg, tại Tây Ban Nha 1,45 đến 1,85 USD/ kg. Nghêu trắng luộc từ 1,2 đến 1,55 USD/ kg. Cồi điệp xuất sang Đan Mạch khoảng 11 USD/ kg.

Theo Vasep, EU ngày càng có nhu cầu cao đối với các sản phẩm vẹm, sò điệp và nghêu, giảm nhu cầu đối với hàu.

An Như (Tổng hợp)

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/binh-dinh-go-vuong-bao-hiem-de-tau-67-som-ra-khoi-post32319.html