Bình Định: Không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế thuần túy

Kinhtedothi – Đó là thông điệp chính quyền tỉnh Bình Định khẳng định tại buổi thông tin dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn và Cảng chuyên dùng Khu liên hợp gang thép Long Sơn.

Dự án động lực phát triển kinh tế

Ngày 30/5, ông Hồ Quốc Dũng – Bí thư Tỉnh ủy và ông Phạm Tuấn Anh – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cùng lãnh đạo các sở ngành, địa phương đã có mặt tại huyện Hoài Nhơn để thông tin dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn và Cảng chuyên dùng Khu liên hợp gang thép Long Sơn. Tham dự còn có người dân thôn Lộ Diêu (thuộc xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn), nơi dự án dự kiến được triển khai.

Lãnh đạo tỉnh Bình Định tổ chức thông tin dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn và Cảng chuyên dùng Khu liên hợp gang thép Long Sơn.

Lãnh đạo tỉnh Bình Định tổ chức thông tin dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn và Cảng chuyên dùng Khu liên hợp gang thép Long Sơn.

Ông Lê Hoàng Nghi – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định cho biết, việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu liên hợp Gang thép Long Sơn và Cảng chuyên dùng Khu liên hợp Gang thép Long Sơn là phù hợp với phương hướng, mục tiêu, định hướng phát triển mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.

Dự án Khu liên hợp Gang thép Long Sơn và Cảng chuyển dùng Khu liên hợp Gang thép Long Sơn do Công ty CP Gang thép Long Sơn làm chủ đầu tư. Dự án gồm Khu liên hợp Gang thép khoảng 468 ha và Cảng chuyên dùng khoảng 496,9 ha (trong đó, đất trên bờ khoảng 23 ha, mặt nước biển khoảng 473,9 ha).

Dự án Khu liên hợp Gang thép Long Sơn có công suất dự kiến 5,4 triệu tấn/năm. Bao gồm các sản phẩm thép chất lượng cao, thép xây dựng, thép cuộn. Dự án được chia làm ba giai đoạn để triển khai với tổng vốn 56.200 tỷ đồng, dự kiến vận hành toàn bộ dự án vào quý IV/2029.

Còn Cảng chuyên dùng Khu liên hợp Gang thép Long Sơn có công suất 30 - 35 triệu tấn/năm; bề rộng luồng 230 m, cỡ tàu cập bến đến 250.000 tấn.

Một góc biển Lộ Diêu. Ảnh: binhdinh.gov.vn

Ông Lê Hoàng Nghi cũng cho biết, khi hoàn thành dự án góp phần giải quyết việc làm trực tiếp cho hơn 7.500 người (giai đoạn 01 khoảng 3.000 người); thúc đẩy các ngành công nghiệp, công nghiệp phụ trợ, các ngành dịch vụ, cảng biển... tại tỉnh.

Dự án cũng sẽ đóng góp thuế vào ngân sách nhà nước, trong thời gian xây dựng khoảng 4.926 tỷ đồng và khi hoàn thành 3 giai đoạn đi vào sản xuất khoảng 10.395 tỷ đồng/năm.

Qua đó, đóng góp cho tổng sản phẩm địa phương (GRDP) theo giá hiện hành khoảng 20.524 tỷ đồng góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế xã hội thị xã Hoài Nhơn nói riêng và tỉnh Bình Định nói chung.

Không đánh đổi môi trường

Nói thêm về dự án, ông Phạm Anh Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, quan điểm chỉ đạo của tỉnh là thu hút đầu tư, nhưng không bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường, an sinh xã hội của người dân lấy phát triển kinh tế xã hội. Nhà đầu tư vi phạm cam kết về môi trường sẽ xử lý theo quy định.

“Để dự án này được thông qua, trình Chính phủ phê duyệt phải đảm bảo 4 điều kiện là: Công nghệ tiên tiến, hiện đại; Đảm bảo môi trường theo tiêu chuẩn của Việt Nam; Người dân bị ảnh hưởng của dự án khi tái định cư phải có được cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ, tạo sinh kế ổn định, lâu dài hơn; Không vi phạm phạm vi bảo vệ các di tích lịch sử, danh thắng thiên nhiên đã được công nhận trên địa bàn” – ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng cho biết, Khu liên hợp Gang thép Long Sơn được đầu tư đồng bộ dây chuyền sản xuất thép từ khâu thượng nguồn, công nghệ hiện đại phù hợp với tiêu chuẩn của Việt Nam và của Châu Âu.

Quy trình sản xuất khép kín, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, sản phẩm của khâu trước là đầu vào của khâu sau, các phụ phẩm tạo ra trong các công đoạn sản xuất như bụi lò, vẩy cán, xỉ luyện thép đều được thu hồi và đưa vào làm nguyên liệu cho các công đoạn khác.

“Từ sau sự cố Formosa 2016, Nhà nước đã ban hành nhiều quy định về quản lý môi trường theo hướng chặt chẽ hơn, khắt khe đối với loại hình sản xuất thép. Đối với dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn sử dụng công nghệ chính là sử dụng lò cao để luyện thép - công nghệ tiên tiến nhất đến thời điểm hiện nay; sử dụng quy trình công nghệ khép kín để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến môi trường, nhà máy được lắp đặt quan trắc tự động sau hệ thống xử lý nước thải, khí thải trước khi thải ra môi trường và truyền trực tiếp số liệu về Sở TN&MT, Bộ TN&MT với tần suất 5 phút/lần để theo dõi, giám sát; xây dựng công trình ứng phó sự cố, xây dựng 01 nhà máy xử lý chất thải rắn nội bộ trong dự án... Vì vậy, việc lặp lại sự cố môi trường như Formosa sẽ không xảy ra đối với dự án này” – ông Phạm Anh Tuấn thông tin.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng cho biết, quan điểm của tỉnh là người dân bị ảnh hưởng của dự án khi tái định cư phải có được cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ, tạo sinh kế ổn định, lâu dài hơn. Theo đó, tỉnh đã chuẩn bị 4 khu tái định cư tổng diện tích hơn 100 ha với 1.720 hộ.

Phương án quy hoạch khu tái định cư số 04 khu vực Bang Bang.

“Trong 4 khu tái định cư, Nhà nước sẽ ưu tiên số 1 tại khu tái định cư số 04 khu vực Bang Bang (nằm ở phía Đông Bắc thôn Lộ Diêu, với diện tích 57,85 ha dự kiến bố trí khoảng 700 lô tái định cư cho người dân thôn Lộ Diêu; diện tích mỗi lô từ 200 m2 đến 300 m2) cách vị trí dân cư đang sinh sống khoảng 1 km, để bố trí khu tái định cư cho bà con. Có thể khẳng định, người dân bị ảnh hưởng của dự án khi tái định cư sẽ có được cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ, có sinh kế ổn định, lâu dài hơn và địa danh thôn Lộ Diêu và các tổ chức chính trị xã hội của thôn Lộ Diêu được giữ lại như hiện nay” – ông Phạm Anh Tuấn cho biết.

Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, thời điểm hiện nay, dự án này đang ở giai đoạn đầu là chấp thuận chủ trương đầu tư, còn nhiều giai đoạn kiểm tra, khảo sát, trình đề án lên Chính phủ, các bộ ban ngành Trung ương thẩm định phê duyệt trong các bước sau.

Đây là dự án mang tầm quốc gia, không phải riêng của tỉnh Bình Định, vì vậy đến khi nào dự án đáp ứng đầy đủ các thủ tục đầu tư, được Bộ TN&MT thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định về công nghệ và thiết bị; Bộ Công thương thẩm định và phê duyệt dự án, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt việc chuyển đổi đất rừng…; các Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương có liên quan chấp thuận và được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng.

“Sau khi dự án hoàn thành xây dựng, phải được các Bộ/Ban nghành kiểm tra, phê duyệt các hệ thống bảo vệ môi trường, đảm bảo theo quy định thì mới được đi vào vận hành sản xuất. Dự án vẫn có thể hoàn toàn bị hủy giống như dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội trước đây của Tập đoàn PTT (Thái Lan), nếu như không đáp ứng được yêu cầu theo quy định của pháp luật” – ông Phạm Anh Tuấn khẳng định và cho biết tỉnh sẽ tiếp tục lắng nghe tâm tư nguyện vọng của bà con nhân dân.

Theo Bí thư tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng, các thế hệ người dân Lộ Diêu cũng cần có cái nhìn toàn diện về vùng đất này.

Ông Hồ Quốc Dũng cho biết, ông lớn lên từ nông thôn, trưởng thành và cả cuộc đời gắn bó với quê hương Bình Định nên rất hiểu tâm tư, nguyện vọng của bà con.

"Mỗi khi có một cái gì khác đi lại tạo phản ứng là tất nhiên và chúng tôi hết sức cân nhắc điều này. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải chắt chiu từng cơ hội phát triển cho tỉnh nhà. Bây giờ, nếu không tìm hướng đi cho tỉnh thì chúng ta sẽ như thế nào? Nếu chỉ duy trì như hiện nay, thu ngân sách trừ tiền bán đất thì mới đáp ứng 40% nhu cầu chi cho tỉnh, còn 60% phải xin Trung ương.

Nếu vẫn cuộc sống cũ, đánh bắt nay có mai không, ruộng đồng thì không thể phát triển được nữa (một ha lãi 1,5 triệu/năm; đánh bắt xa bờ rất khó khăn)" - ông Hồ Quốc Dũng cho biết.

Trung Nhân

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/binh-dinh-khong-danh-doi-moi-truong-lay-phat-trien-kinh-te-thuan-tuy.html