Bình Định: Nỗi lo biển 'ngoạm' nhà dân

Mỗi mùa mưa bão, triều cường đi qua, bờ biển Đề Gi ở thôn An Quang Đông, xã Cát Khánh (huyện Phù Cát) lại bị gặm nhấm, bào mòn. Nhiều hộ dân đứng trước nguy cơ mất nhà, tài sản, thấp thỏm nỗi lo cuộc sống gia đình.

Biển xâm thực cuốn phăng nhiều diện tích đất, hàng cây phi lao phòng hộ ven biển ở thôn An Quang Đông, xã Cát Khánh (huyện Phù Cát). Trong ảnh: Các hộ dân có nhà gần bờ biển bị xâm thực đang phấp phỏng lo lắng vì sợ “hà bá” nhấn chìm.

Bờ biển bị sóng cuốn mất

Theo UBND xã Cát Khánh, thời gian gần đây, mưa lũ, triều cường có chiều hướng gia tăng đã làm bờ biển ở phía Nam cảng cá Đề Gi ở thôn An Quang Đông tiếp tục bị xâm thực mạnh. “Triều cường kết hợp sóng biển đã làm chừng 500m bờ biển bị sạt lở, xâm thực vào đất liền khoảng 70m, quật ngã nhiều hàng cây phi lao, cuốn trôi hàng ngàn mét khối đất dọc bờ biển, uy hiếp đến nhà cửa, tài sản của nhiều hộ dân sống trong vùng”, ông Đinh Thành Tiến, Chủ tịch UBND xã Cát Khánh, bày tỏ.

Chị Trần Thị Hường, 31 tuổi, ở thôn An Quang Đông, cho biết: “Trước đây, hiện tượng xâm thực thường diễn ra vào khoảng tháng 11 đến tháng 12 và tự bồi lấp vào tháng 3 đến tháng 4 năm sau. Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây, biển ăn sâu vào đất liền 50-70m thay vì 20-30m rồi tự bồi lấp lại như mọi khi. Nhiều hàng phi lao chắn sóng, phòng hộ ven biển đã bị sóng cuốn trôi. Nhà cửa vì thế cũng ở gần mép sóng hơn”.

Các hộ dân có nhà gần bờ biển bị xâm thực đang phấp phỏng lo lắng vì sợ “hà bá” nhấn chìm.

Có mặt tại bờ biển này, chúng tôi thấy thời tiết trên biển có gió mạnh. Những cột sóng cao 1-2m cũng ập vào bờ mạnh hơn. Sau đợt mưa bão cuối năm 2017, biển ăn sâu vào đất liền. Hiện trường để lại là những hàng cây ven bờ chỉ còn trơ gốc. Nhiều hàng quán và nhà dân dọc bãi biển An Quang Đông chỉ cách biển chừng 30-50m khiến người dân vô cùng lo lắng.

Bà Nguyễn Thị Hiệp, 71 tuổi, ở cách nhà bà Hường chừng 100m, dẫn chúng tôi ra mép biển, nói: Tôi sinh sống ở đây từ năm 1984. Hồi đó, bờ biển cách nhà tôi cũng hơn 300m. Nay, nhà chỉ còn cách biển chừng 40m. Biển xâm thực ngày càng mạnh như thế này, tôi e rằng những hàng phi lao phòng hộ còn lại cũng khó giữ được. Tôi cũng biết kinh phí để xây dựng kè chắn sóng ở đây là rất lớn, trong khi điều kiện kinh tế tỉnh nhà còn khó khăn. Giờ đây, bà con ở địa phương mong chính quyền địa phương, các ngành chức năng tiếp tục theo dõi, kiểm tra hiện tượng biển xâm thực để có phương án đánh giá phù hợp và hỗ trợ di dời dân khi cần thiết. Vào mùa mưa bão hằng năm, lòng tôi cứ lo âu khi nghe tiếng sóng đánh ầm ầm bào mòn dần bờ biển”.

Người dân buôn bán nước giải khát dọc bờ biển Đề Gi ở thôn An Quang Đông đang lo lắng vì bờ biển ngày một bị thu hẹp do biển xâm thực ngày càng nghiêm trọng.

Chủ động ứng phó

Ông Nguyễn Hữu Vui, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định, cho biết sau khi biển xâm thực rừng phi lao phòng hộ ven biển Đề Gi ở thôn An Quang Đông, Sở NN&PTNT đã phối hợp cùng các đơn vị có liên quan đi kiểm tra thực tế. Qua kiểm tra, đơn vị nhận thấy: Hằng năm, từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc kết hợp triều cường lớn, bờ biển tại đây thường bị xói lở, xâm thực vào đất liền khoảng 30-70m kéo dài từ gốc mỏ hàn Đề Gi về phía Nam khoảng 500m; sau đó, từ tháng 2 đến tháng 4 bồi lấp trở lại.

Riêng năm 2017, vào ngày 10-11.4 khu vực này có hiện tượng sạt lở bờ biển làm ngã đổ một số cây phi lao. Sở đã báo cáo UBND tỉnh về tình hình này, sau đó, tỉnh có ý kiến giao cho UBND huyện Phù Cát tuyển chọn đơn vị tư vấn có năng lực đánh giá nguyên nhân và đề xuất biện pháp để khắc phục, nhưng do điều kiện kinh phí khó khăn nên chưa thực hiện được. Đến cuối năm 2017, đặc biệt là trong đợt ảnh hưởng bởi bão số 12, bờ biển đã bị xâm thực mạnh, ăn sâu vào đất liền chỗ rộng nhất 70m kéo dài dọc bờ biển khoảng 500m làm ngã đổ 3 hàng phi lao, với diện tích rừng phòng hộ bị xâm hại gần 2.500m2. Ngày 24.1.2018, Sở NN&PTNT Bình Định tiếp tục kiểm tra hiện trường thì thấy hiện tượng xâm thực đã giảm, đường bờ biển dần được bồi lại.

Người dân sử dụng bao cát để gia cố tạm, hạn chế biển xâm lấn vào đất liền.

Để đảm bảo ổn định bờ biển, việc đầu tư xây dựng kè bảo vệ bờ cần kinh phí lớn. Do vậy, trước mắt, Sở NN&PTNT Bình Định tham mưu cho UBND tỉnh xem xét cho chủ trương và giao cho UBND huyện Phù Cát tổ chức trồng cây phi lao với mật độ dày hơn để bù lại diện tích đã bị ngã đổ, nhằm hạn chế hiện tượng xâm thực sâu vào đất liền, tạo cảnh quan bờ biển. Hiện nay, tỉnh đã giao cho UBND huyện Phù Cát triển khai công việc này.

Ngoài công tác trên, ông Đinh Thành Tiến, Chủ tịch UBND xã Cát Khánh, cho biết thêm: “Hiện tượng biển lấn sâu vào đất liền đang uy hiếp tới 18 hộ dân với 90 nhân khẩu đang sinh sống. Địa phương đang theo dõi sát sao hiện tượng này để có phương án ứng phó kịp thời. Thời gian tới, biển tiếp tục lấn sâu vào đất liền, không có x hướng bồi lấp trở lại như các năm trước thì xã lên phương án, kiến nghị huyện hỗ trợ kinh phí để di dời người dân tới nơi an toàn. Vào mùa mưa bão, xã có phương án di dời dân tới nơi an toàn để tránh trú”.

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/moi-truong/binh-dinh-noi-lo-bien-ngoam-nha-dan-1251803.html