Bình Định: Ồ ạt nuôi tôm, vô tư xả thải phá hủy môi trường

Người dân địa phương than phiền việc nuôi tôm ồ ạt, xả thải lén lút ra môi trường tại các xã Hoài Mỹ, Hoài Hải (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) đã khiến nguồn nước kênh mương, ao hồ bị ô nhiễm, phát tán mùi hôi. Trong khi đó, chính quyền lại lúng túng trong việc xử lý, bảo vệ môi trường.

Vùng tôm “an toàn sinh học”… mất an toàn

Theo lãnh đạo UBND xã Hoài Mỹ, tại địa phương này có 2 vùng nuôi tôm gồm: khu vực Bắc Lý (thôn Công Lương) có diện tích 19ha nằm trong vùng nuôi trồng thủy sản “an toàn sinh học” thuộc Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững và vùng nuôi tôm tự do nằm dọc đầm Nam Lý (thôn Công Lương) với diện tích 18ha.

Tại vùng nuôi tôm dọc đầm Nam Lý, hầu hết việc đào ao nuôi tôm mang tính tự phát. Do không có quy hoạch nên mỗi ao nuôi có một cách cải tạo khác nhau nên việc nuôi, xử lý nước và chất thải của người dân không theo quy trình. Vì vậy, nhiều ao hồ, kênh mương dọc đầm Nam Lý sau thời gian bị nước, chất thải tích tụ đã chuyển sang bốc mùi hôi thối trầm trọng. Nguồn lợi thủy sản ở đầm Nam Lý vì thế cũng suy kiệt nhanh chóng do môi trường sống bị ô nhiễm.

Nước và rác thải ở các ao nuôi tôm tại thôn Công Lương (xã Hoài Mỹ) được vứt ra kênh mương gây ô nhiễm môi trường.

Trong khi đó, vùng nuôi trồng thủy sản “an toàn sinh học” ở khu vực Bắc Lý đã được Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống ao xử lý nước thải. Tuy nhiên, thay vì thực hiện việc xử lý nước thải theo quy trình đã được hướng dẫn người dân lại chọn cách xả thẳng nước, chất thải chưa qua xử lý ra ngoài kênh mương, ao hồ khiến môi trường xung quanh bị ô nhiễm kéo dài.

Theo người dân địa phương, vùng nuôi tôm này được ngăn cách với các khu dân cư ở thôn Kim Giao Trung, Kim Giao Nam (xã Hoài Hải) bằng con kênh rộng chừng 100m. Do vậy, mỗi khi nước, chất thải nuôi tôm được hộ nuôi xả ra đã phát sinh mùi hôi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt của họ.

Tình trạng nuôi tôm tự phát ở thôn Kim Giao Thiện (xã Hoài Hải) đang diễn ra ồ ạt với hàng chục ao nuôi, chủ yếu là nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát. Hầu hết các hồ nuôi tôm ở đây không có hệ thống xử lý nước thải đảm bảo quy trình, làm cho nước mặn và chất thải thấm vào đất dẫn đến nước sinh hoạt bị ô nhiễm, không thể sử dụng được.

Lúng túng xử lý

Theo ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND xã Hoài Mỹ, việc quản lý nuôi tôm còn quá nhiều hạn chế, bất cập. Tại vùng nuôi tôm dọc đầm Nam Lý, chủ yếu do nuôi tôm tự phát nên hệ thống cung cấp nước và xử lý nước thải không có, vì vậy nước, chất thải đều được người nuôi xả thẳng ra môi trường. Trong khi đó, một số hộ dân chưa chấp hành tốt về lịch thời vụ, chưa tự giác trong vấn đề phòng trừ dịch bệnh, tự ý cải tạo hồ nuôi không đúng quy hoạch làm ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư.

Khu vực nuôi tôm thuộc vùng nuôi trồng thủy sản “an toàn sinh học” Bắc Lý tuy có ao xử lý nước thải, nhưng số ít hộ nuôi chưa có ý thức bảo vệ môi trường, lén lút xả ra môi trường.

“Chúng tôi sẽ rà soát lại công tác nuôi tôm trên địa bàn và yêu cầu các hộ nuôi ký cam kết bảo vệ môi trường trong quá trình nuôi. Tới đây, xã sẽ đề nghị ngành Điện lực ngưng cung cấp điện đối với các hộ cố tình vi phạm không chấp hành Luật Bảo vệ môi trường trong việc thả nuôi tôm. Đối với các diện tích hồ nuôi ở vùng tự phát, xã sẽ rà soát, kiểm tra cụ thể và sẽ thu hồi các ao nuôi nếu phát hiện có vi phạm về Luật Đất đai”, ông Dũng cho hay.

Hệ lụy ô nhiễm tại xã Hoài Mỹ bởi chất thải do các ao nuôi tôm xả trực tiếp ra ngoài.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Nguyễn Chí Công - Phó chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn (Bình Định) cho biết, Phòng Kinh tế và Phòng TN&MT huyện vừa tiến hành kiểm tra tình trạng các hộ nuôi tôm xả thải gây ô nhiễm môi trường tại xã Hoài Mỹ và Hoài Hải.

UBND huyện cũng đã có văn bản gửi UBND 2 xã trên, yêu cầu tăng cường công tác quản lý nuôi tôm tại địa phương, khẩn trương kiểm tra, rà soát, tổng hợp danh sách và đề xuất biện pháp xử lý các hộ nuôi tôm xả thải ra môi trường, báo cáo UBND huyện chỉ đạo, giải quyết.

“Lãnh đạo huyện đã yêu cầu Phòng Kinh tế phối hợp với các ngành liên quan, UBND xã Hoài Mỹ và Hoài Hải hướng dẫn các hộ nuôi tôm về lịch thời vụ, quy trình kỹ thuật nuôi tôm nhằm bảo đảm vệ sinh, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm theo quy định”, ông Công cho biết.

Dũ Tuấn

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/ban-doc/binh-dinh-o-at-nuoi-tom-vo-tu-xa-thai-pha-huy-moi-truong-861903.html