Bình Định: Sửa khu lấn biển Quy Nhơn, không 'đụng chạm' tiền ngân sách

Khu lấn biển Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) sẽ được nạo vét một phần mang lên bờ trả lại độ cong cho bãi biển và xây dựng công viên công cộng, khu dịch vụ du lịch thương mại, khách sạn nhưng không dùng đến tiền ngân sách.

Lấn biển bỏ hoang, ‘nhức mắt’ lắm!

“Ròng rã chờ đợi, dự án chỉ là khu đất hoang hóa, cây cỏ um tùm, rào tôn kín mít. Lấn biển rồi bỏ hoang đã làm xấu đi danh xưng ‘vầng trăng khuyết’ biển Quy Nhơn, lòng dân thì bức bối, khó chịu”, ông Nguyễn Trung (70 tuổi) chỉ tay về khối đất khủng nhô ra mặt biển với vẻ mặt đầy đau xót, tỏ vẻ không hài lòng bởi hậu quả sau 6 năm quyết định cho lấn biển từ chính quyền.

Khu lấn biển khu vực Mũi Tấn sẽ được nạo vét một phần mang lên bờ. Ảnh: Dũ Tuấn.

Khu lấn biển khu vực Mũi Tấn sẽ được nạo vét một phần mang lên bờ. Ảnh: Dũ Tuấn.

Theo tìm hiểu của Dân Việt, khu lấn biển này bắt nguồn từ việc tỉnh Bình Định đồng ý cho doanh nghiệp san lấp đoạn Mũi Tấn lấn biển Quy Nhơn với mục đích ban đầu xây dựng ga cáp treo.

Bãi biển Quy Nhơn có hình 'vầng trăng khuyết' khi chưa bị lấn biển. Ảnh tư liệu.

Tuy nhiên, cáp treo đã ‘đứt gánh’ giữa chừng, trong đó ít nhiều có lý do giữa chính quyền và nhà đầu tư đã không cùng tiếng nói, trong câu chuyện sử dụng khu lấn biển.

Anh Phan Đình Hiếu (44 tuổi, ở phường Lê Hồng Phong) cho biết, việc lấn biển rồi bỏ hoang khiến người dân và du khách đến Quy Nhơn ‘nhức mắt’ ghê lắm.

“Sau lấn biển, bùn đen xuất hiện và gây hệ lụy khó lường. Chuyện lấn biển thì cũng đã thực hiện rồi, không thể nào trả lại nguyên thực trạng ban đầu. Nhưng nếu bỏ hoang quá lâu sẽ phí phạm quỹ đất ven biển, cần có biện pháp nạo vét, cải tạo cảnh quan, đừng để người dân phàn nàn thêm nữa”, anh Hiếu kiến nghị.

Mất đến 6 năm ‘thuyết phục’

Cuối năm 2018, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định Phan Cao Thắng ký Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu lấn biển Mũi Tấn.

Theo đó, tổng diện tích quy hoạch khoảng 7,3ha, cơ cấu sử dụng đất được chia làm 2 khu chức năng chính gồm: Khu công viên cây xanh vui chơi giải trí, bãi đậu xe (4,94ha), khu dịch vụ du lịch thương mại, khách sạn cao tầng, bến tàu ca nô du lịch (1,66ha) và đất mở rộng đường giao thông (0,7ha).

Tuyến đường Xuân Diệu nằm ven biển Quy Nhơn sẽ được mở rộng. Ảnh: Dũ Tuấn.

Theo Chủ tịch UBND TP.Quy Nhơn Ngô Hoàng Nam, hệ lụy của việc lấn biển đã xảy ra và tới đây, tỉnh Bình Định dự kiến xắn tay khắc phục bằng cách nạo vét một phần diện tích từ 12ha giảm còn khoảng 7ha.

“Sẽ xây tuyến kè ven biển kiên cố, uốn cong theo độ cong tự nhiên của bãi biển mới mong dẹp được hiện tượng bùn đen. Việc nạo vét, xây dựng chắc chắn được chú trọng, có đánh giá tác động môi trường hoàn chỉnh trước khi thực hiện để tránh ảnh hưởng xung quanh biển Quy Nhơn. Ngoài ra, tuyến đường ven biển Xuân Diệu có bề rộng lòng đường từ 12m sẽ được nâng cấp lên 15m, tạo không gian giao thông ven biển thông thoáng”, ông Nam nói.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho rằng, khu lấn biển tồn tại nhiều năm nay, nhưng phải mất đến 6 năm ‘thuyết phục’ thì nhà đầu tư mới đồng ý thực hiện triển khai theo đề nghị của tỉnh.

“Thực tế bối cảnh vào lúc đó là như vậy. Tỉnh khát khao phát triển du lịch, tuy nhiên chúng tôi và nhà đầu tư lại không cùng tiếng nói chung, đến nay họ mới chấp thuận”, ông Dũng cho hay.

Sửa nhưng không đụng đến ngân sách!

Theo Chủ tịch tỉnh Bình Định, tỉnh đã yêu cầu nhà đầu tư làm quy hoạch 1/500 theo hướng xây kè ven biển, xén bớt một phần khối lượng đất, đá mang lên bờ và trả lại độ cong tự nhiên cho bãi biển. Việc này, nhà đầu tư đồng ý bỏ tiền ra thực hiện, tỉnh không dùng đến tiền ngân sách.

“Một phần diện tích nhỏ phía sát Hải Đoàn 48 họ sẽ dùng để xây dựng khách sạn, đảm bảo không bị che khuất. Ngoài ra, có bến du thuyền để tàu ra vào đưa đón khách đi tham quan biển, làm thương mại dịch vụ, chứ không xây biệt thự và tất cả đều làm theo hướng mở, trả lại đường cong cho biển.

Chấp nhận dùng phần nhỏ để làm khách sạn vì nếu không có khách sạn thì không thể thu hút nhà đầu tư thực hiện theo đề nghị của tỉnh. Đặc biệt, diện tích lớn nhất sẽ làm công viên phục vụ cộng đồng, sau khi hoàn thành nhà đầu tư sẽ giao lại cho địa phương quản lý”, ông Dũng chia sẻ.

Quy Nhơn đang xây dựng đô thị khác biệt, người dân không bị rào chắn khi xuống biển. Ảnh: Dũ Tuấn.

Ông Dũng cũng nói rằng, quy hoạch khu Mũi Tấn lần này đã được làm rất kỹ lưỡng, lấy ý kiến người dân và nhận được phản hồi tích cực, yêu cầu khẩn trương làm dự án, xây dựng công viên trước Tết năm nay.

“Thiết kế hiện nay là phù hợp, tương lai trên khu lấn biển sẽ có công viên công cộng, phần diện tích nhỏ là khu khách sạn, thương mại dịch vụ, bến du thuyền, không có biệt thự. Tuy nhiên, chúng tôi ưu tiên nạo vét, làm bờ kè và công viên trước để trả lại không gian công cộng cho người dân, còn việc xây khách sạn chỉ mới đang dừng lại ở mức quy hoạch. Cho xây dựng bao nhiêu tầng, làm ra sao thì sau này sẽ có bước thiết kế cụ thể, giải pháp an toàn công trình mới quyết định”, ông Dũng khẳng định.

Dũ Tuấn

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/binh-dinh-sua-khu-lan-bien-quy-nhon-khong-dung-cham-tien-ngan-sach-970056.html