Bình Định: Thiếu tiền xử lý “điểm nóng" môi trường?

Bình Định vốn yên bình và có rất nhiều cảnh đẹp, hiện đang là “địa chỉ du lịch” thu hút du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để có được điều này, ngành chức năng trong tỉnh đã phải tốn rất nhiều tiền bạc, công sức để “giải quyết” những “điểm nóng” ô nhiễm môi trường như kho bom, khí độc, bãi rác...

Rác, bom và... khí độc “Điểm nóng” đầu tiên phải kể đến là bãi rác núi Bà Hỏa (nằm tại Khu vực 4 phường Quang Trung, TP. Quy Nhơn) có tổng diện tích 7,5 ha, trong đó 4 ha thực hiện việc chôn lấp rác. Bãi rác này đóng cửa từ năm 2001 và hiện tại đã đổ đất che phủ tầng mặt dày 0,5 mét trên diện tích 1,3 ha. Tuy nhiên, khoảng 2,7 ha còn lại của khu chứa rác vẫn chưa có biện pháp xử lý môi trường theo đúng quy định. Bãi rác núi Bà Hỏa nằm trong danh mục dự án xử lý triệt để ô nhiễm môi trường và các dự án xử lý các điểm nóng về môi trường, do UBND TP. Quy Nhơn quản lý trực tiếp. TP. Quy Nhơn yên bình và đang là điểm du lịch hấp dẫn, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Thế nhưng, ngay tại phường Quang Trung, TP. Quy Nhơn lại hiện diện 1. Kho bom có diện tích 105 ha do Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Định quản lý. Theo quyết định 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng, việc xử lý Kho bom này phải hoàn tất trong giai đoạn 2003-2005 với kinh phí thực hiện khoảng 4 tỷ đồng. Ngay trong năm 2005, Kho bom phường Quang Trung đã thực hiện việc xử lý triệt để ô nhiễm theo đúng tiến độ. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã thu gom xử lý bom mìn, vật liệu nổ, chất độc CS trong khu vực (ở độ sâu 2m trở lại). Thế nhưng, “điểm nóng” nhất về ô nhiễm môi trường tại tỉnh Bình Định phải nhắc đến là Bệnh viện Đa khoa khu vực Bồng Sơn. Bệnh viện nằm tại Thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn và do Sở Y tế quản lý trực tiếp. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, việc xử lý môi trường tại đây phải thực hiện trong giai đoạn 2003 – 2007 với kinh phí thực hiện khoảng 1,5 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh (xây dựng hệ thống xử lý nước thải 1 tỷ đồng, lắp đặt lò đốt chất thải y tế 0,5 tỷ đồng). Mặc dù đã “triển khai thực hiện các biện pháp xử lý triệt để” (xây dựng hệ thống xử lý nước thải và lắp đặt lò đốt chất thải y tế...), nhưng đến nay, hệ thống xử lý nước thải đã xuống cấp, không đạt yêu cầu (lò đốt chất thải y tế vẫn hoạt động ổn định). Bệnh viện Lao và Bệnh phổi (nằm tại phường Nhơn Phú, TP.Quy Nhơn). Đơn vị này phải xử lý triệt để việc ô nhiễm môi trường trong giai đoạn 2003 - 2007 và tốn không ít tiền bạc (1,5 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh để xây dựng hệ thống xử lý nước thải; 2,8 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Áo, để lắp đặt lò đốt chất thải y tế). Nhờ có số tiền lớn mà đơn vị đã đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải và lắp đặt lò đốt chất thải y tế HOVAL MZ4. Thế nhưng, đến thời điểm này, hệ thống xử lý nước thải đã xuống cấp, không đạt yêu cầu. Thiếu tiền thực hiện Đánh giá việc thực hiện các dự án xử lý triệt để ô nhiễm môi trường theo quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn Bình Định, UBND tỉnh Bình Định tóm lược: “Về cơ bản, hầu hết các cơ sở đã hoàn thành việc xử lý ô nhiễm triệt để theo chỉ đạo của Chính phủ và đang đánh giá lại hiệu quả hệ thống xử lý để làm thủ tục rút tên ra khỏi danh sách. Riêng Bãi rác núi Bà Hỏa đang lập dự án đóng cửa và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, do thời gian thực hiện kéo dài nên hiện tại hệ thống xử lý nước thải tại Bệnh viện Lao & bệnh phổi và Bệnh viện Đa khoa khu vực Bồng Sơn đã xuống cấp!”. Tuy nhiên, khi đề cập đến “công việc sắp tới”, ông Lê Hữu Lộc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nói rất nhiều đến “kinh phí khó khăn” và lắc đầu: “Việc thực hiện công tác xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng lấy từ bốn nguồn (vốn vay ODA, tỉnh, Bộ Quốc phòng, cơ sở) nên rất khó khăn!”. Quy Nhơn – Mai Minh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://baodaidoanket.net/ddk/mdNews.ddk?id=15982