Bình Định: Triển khai nhiều hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định, qua 4 năm thực hiện Quyết định 234/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong tỉnh đã quan tâm bố trí các nguồn lực để thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ngày càng tốt hơn.

Về mặt xã hội, nhận thức của một phận người dân được nâng cao, đã cho trẻ tham gia các lớp tập huấn phòng chống tai nạn thương tích (TNTT) như: học bơi, học làm chiến sỹ phòng cháy chữa cháy, học kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu. Bên cạnh đó, ngày càng nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm đến công tác phòng, chống đuối nước trẻ em nên đã đầu tư một số hồ bơi, khu vui chơi dành cho trẻ em, đồng thời tổ chức trao tặng mũ bảo hiểm cho trẻ em.

Theo thống kê, từ đầu năm 2016 đến 31/3/2020, tỉnh Bình Định có 3.045 trẻ em mắc TNTT. Loại hình TNTT mắc phải nhiều nhất là ngã (715 trường hợp), ngộ độc các loại (564), tai nạn giao thông (526), bỏng/cháy (413), súc vật cắn (395), cắt/đâm (163), chết đuối/đuối nước (131), còn lại rơi vào các trường hợp TNTT khác như: bạo lực, ngạt thở/hóc nghẹn, điện giật...Tổng số người chết là 144 người, trong đó chết do đuối nước cao nhất, lên đến 105 người, đứng thứ hai là tai nạn giao thông 22 người.

Qua thống kê cho thấy, phần lớn trẻ em mắc TNTT do tai nạn giao thông, té ngã, đuối nước và nơi xảy ra tai nạn thường ở cộng đồng. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra TNTT trẻ em, nhưng có thể tập trung vào một số nhóm nguyên nhân chính. Đó là, môi trường sống thiếu an toàn, thiên tai lũ lụt và nhận thức và hiểu biết chung về TNTT trẻ em chưa đúng mức. Về phía trẻ em, do ở độ tuổi hiếu động, tò mò, thích khám phá, thích thử thách, muốn thể hiện mình, dễ bị lôi kéo, kích động…có thể dẫn đến những hành vi nguy hiểm gây TNTT cho bản thân, bạn bè như: đi xe lạng lách, đánh võng, leo trèo, đá bóng dưới lòng đường, nghịch nước, nghịch lửa, chụp ảnh bên đường sắt ngay trong lúc tàu chạy qua… trong khi các em còn thiếu các kỹ năng ứng phó khi gặp phải tình huống TNTT.

Mở lớp dạy bơi cho trẻ em ở thị xã An Nhơn phòng chống đuối nước

Những năm qua, tỉnh Bình Định đã triển khai nhiều hoạt động, thực hiện có hiệu quả Quyết định 234/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em. Công tác truyền thông đượcxác định là biện pháp chủ yếu nhằm góp phần hạn chế tình trạng tai nạn thương tích xảy ra ở trẻ em. Trong giai đoạn 2016- 3/2020, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các sở, ngành, địa phương đã tích cực tổ chứctuyên truyền rộng rãi các nội dung phòng, chống TNTT trẻ em trên các phương tiện thông tin đại chúng như Báo Bình Định, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, website, bản tin của từng ngành, fanpage "treem binhdinh", tổ chức triển khai tuyên truyền trực tiếp tại một số trường học, cộng đồng.

Ngoài ra còn tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền hấp dẫn khác như: Tổ chức Diễn đàn Phòng, chống TNTT trẻ em với các hình thức "Rung chuông vàng" tìm hiểu kiến thức và hình thức sân khấu hóa tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành. Tổ chức Lễ phát động phòng chống đuối nước trẻ em tại huyện Tuy Phước, trao tặng mũ bảo hiểm và cặp phao cứu sinh cho trẻ em học sinh thường đi học qua vùng sông nước. Tổ chức Lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi phòng chống đuối nước, qua đó tuyên truyền, kêu gọi mọi người hãy tập bơi để rèn luyện thân thể và phòng chống đuối nước, trong đó tập trung đến nhóm đối tượng là trẻ em. Các địa phương cũng đã tổ chức hàng trăm buổi truyền thông trực tiếp, các hội thi, diễn đàn về phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em với sự tham gia của hàng ngàn lượt trẻ em.

Đi đôi với công tác truyền thông, tỉnh chú trọng xây dựng các mô hình Phòng chống TNTT cho trẻ em đạt hiệu quả cao như: Mô hình "Ngôi nhà an toàn" Phòng chống TNTT cho trẻ em do Sở LĐ-TB&XH chủ trì, mô hình "Cộng đồng an toàn" do ngành Y tế triển khai và mô hình "Trường học an toàn" do ngành giáo dục phối hợp với ngành y tế tổ chức.

Đặc biệt là mô hình phòng, chống đuối nước trẻ em, xuất phát từ thực tế tỉ lệ tử vong do đuối nước chiếm tỉ lệ cao, vì vậy các hoạt động phòng chống đuối nước trẻ em được các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh hết sức chú trọng và triển khai nhiều hoạt động. Sở LĐ-TB&XH đã xây dựng và triển khai kế hoạch phối hợp với 15 sở, ngành, hội đoàn thể liên quan của tỉnh đã tiến hành ký kết kế hoạch và triển khai thực hiện chương trình phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2016 – 2020.

Trẻ em trao đổi về vấn đề quyền trẻ em

Hiện nay, cơ sở vật chất để triển khai các hoạt động dạy bơi, học bơi trên địa bàn tỉnh Bình Định ngày một phát triển. Có 12 nhà thi đấu đa năng, có 22 hồ bơi, bể bơi, 5 hồ bơi lắp ráp, 3 công viên nước. Theo đó, tất cả 11/11 huyện, thị xã, thành phố đều có hồ bơi và triển khai các hoạt động dạy bơi cho trẻ em. Riêng 2 huyện nghèo Vân Canh, Vĩnh Thạnh được Tỉnh Đoàn hỗ trợ 1 hồ bơi di động/địa phương đặt tại Trung tâm sinh hoạt thanh thiếu nhi của huyện để dạy bơi cho thiếu nhi. Đối với huyện nghèo An Lão cũng có hồ bơi do tư nhân đầu tư.

Trên địa bàn tỉnh cũng có một số cá nhân đã tự đầu tư xây dựng các hồ bơi, bể bơi di động đặt tại địa phương tổ chức dạy bơi cho trẻ em như: Hồ bơi Minh Thành (Tây Sơn), hồ bơi Water park, hồ bơi Hoàng Yến (An Nhơn), một số hồ bơi ở Tuy Phước, Hoài Nhơn, Phù Mỹ; một số hồ bơi di động được lắp tại các trường học trên địa bàn thành phố Quy Nhơn trong đó ưu tiên dạy bơi miễn phí cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Làng Trẻ em SOS Quy Nhơn đặt tại Trường: Tiểu học Kim Đồng, Tiểu học Nguyễn Khuyến, THCS Lê Hồng Phong. Phong trào dạy bơi và học bơi phát triển mạnh tại các địa phương, nhất là trong dịp hè hàng năm đã có hàng ngàn trẻ em tham gia các lớp học bơi. Đây được xem là mô hình, hoạt động chủ lực, hiệu quả trong việc phòng, chống đuối nước ở trẻ em.

NGỌC MINH

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/binh-dinh-trien-khai-nhieu-hoat-dong-phong-chong-tai-nan-thuong-tich-tre-em-20200712104442967.htm