'Binh đoàn xanh'- điểm tựa của nhân dân vùng biên giới Tây Nguyên

Những năm gần đây, Binh đoàn 15 chịu ảnh hưởng lớn của giá các sản phẩm mủ cao su xuống thấp, biến đổi khí hậu, yêu cầu tái cơ cấu doanh nghiệp, làm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) và đời sống cán bộ, người lao động gặp nhiều khó khăn. Trong hoàn cảnh đó, thực hiện Cuộc vận động 'Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ' (viết tắt là CVĐ) đã khơi dậy truyền thống, tinh thần tự lực, tự cường của 'binh đoàn xanh' trong 'vượt khó', hoàn thành nhiệm vụ chính trị và làm điểm tựa vững chắc cho nhân dân trên vùng biên giới Tây Nguyên.

Nhân tố con người trong khó khăn

Những năm qua, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Binh đoàn 15 luôn phát huy tốt thế mạnh, “vốn quý” là truyền thống đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ đổi mới và phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ được tôi luyện, thử thách nhiều năm trong điều kiện gian khổ trên vùng đất Tây Nguyên để nỗ lực vươn lên hoàn thành nhiệm vụ. Một trong những giải pháp căn bản, hiệu quả được binh đoàn triển khai là kết hợp CVĐ với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 87-CT/QUTW của Thường vụ Quân ủy Trung ương về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII); lấy xây dựng con người, xây dựng tổ chức vững mạnh làm nền tảng, tiền đề triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Binh đoàn 15 phối hợp với địa phương xây dựng nông thôn mới.

Để vượt qua khó khăn, thách thức, cấp ủy chỉ huy các cấp phát huy tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, chủ động tái cơ cấu, sắp xếp lại tổ chức và hoạt động SXKD theo hướng: Tinh gọn, hiệu quả, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh bền vững. Muốn vậy, mọi cán bộ, nhân viên, người lao động được giáo dục, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, thực hành tiết kiệm, đoàn kết, đồng thuận, chia sẻ khó khăn với tập thể. Trong đó, cán bộ chủ trì các cấp và đảng viên nêu gương đi đầu, thực hiện triệt để chiến lược: “Lấy ngành sản xuất, chế biến cao su làm ngành kinh doanh cốt lõi, cắt bỏ những hoạt động đầu tư không hiệu quả. Chủ động đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi; lấy ngắn nuôi dài, cơ cấu lại vốn, tài sản, nâng cao hiệu quả SXKD và sức cạnh tranh trên thị trường”. Nhờ đó, trong điều kiện khó khăn, hoạt động SXKD của binh đoàn vẫn được triển khai đồng bộ, đúng định hướng, đúng pháp luật. Chỉ tính riêng năm 2018, binh đoàn đã trồng mới 974,60ha cao su; 43,95ha cây điều; đạt 100% kế hoạch. Sản lượng mủ cao su quy khô đạt 39.638 tấn = 103,53% kế hoạch, năng suất bình quân đạt 1,7 tấn/ha; sản lượng cà phê quả tươi đạt 2.740 tấn, năng suất bình quân đạt 13 tấn/ha… Doanh thu đạt 1.674 tỷ đồng, bảo đảm thu nhập bình quân cho người lao động hơn 5.700.000 đồng/người/tháng.

Hằng năm, binh đoàn quán triệt và thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ sẵn sàng chiến đấu. Năm 2018, đã phối hợp với Quân khu 5 và các lực lượng của bộ tham gia diễn tập chỉ huy-tham mưu một bên, hai cấp trên bản đồ, có một phần thực binh theo kế hoạch A3 trên địa bàn Tây Nguyên đạt kết quả tốt, được Bộ Quốc phòng đánh giá cao. Tổ chức nhiều đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng với phương châm “kỷ cương, tình thương, trách nhiệm” gắn với các phong trào: “Học tập nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Thanh niên Binh đoàn học tập và làm theo lời Bác”, “Vườn cây thanh niên kiểu mẫu”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Sạch vườn cây, sạch nhà, đẹp đơn vị”... của tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên, hội phụ nữ các cấp đã tạo ra sức mạnh tổng hợp, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của binh đoàn.

Điểm tựa vững chắc của nhân dân

Binh đoàn 15 chủ yếu đứng chân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và biên giới Tây Nguyên, tình hình KT-XH chậm phát triển, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn; quốc phòng, an ninh phức tạp và tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định chính trị, xã hội. Vì vậy, Đảng ủy, Bộ tư lệnh binh đoàn xác định đoàn kết, gắn bó, chung tay cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng địa bàn vững mạnh, phát triển KT-XH, nâng cao đời sống nhân dân vừa là trách nhiệm, vừa là vấn đề sống còn của đơn vị. Đó cũng chính là mục tiêu, giải pháp binh đoàn ưu tiên triển khai thực hiện CVĐ trong suốt 5 năm qua. Trên cơ sở phương châm “Binh đoàn gắn với tỉnh, huyện; công ty gắn với huyện, xã; đội sản xuất gắn với thôn, làng; hộ công nhân người Kinh gắn với hộ đồng bào DTTS”, binh đoàn đã triển khai nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả giúp nhân dân, như: “Cây lúa xen canh”, “Vườn rau gắn kết”, “Hũ gạo gắn kết”, “Gắn kết hộ”, “Quỹ tấm lòng nhân ái”, “Thắp sáng đường quê”… Qua đó, hỗ trợ nhân dân 180,6 tấn gạo, 4.500m3 nước sinh hoạt thời điểm giáp hạt, hạn hán; xây dựng hàng trăm ngôi nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, nhà mái ấm công đoàn tặng công nhân, người lao động và hộ nghèo...

Niềm vui bên mái ấm gia đình của người lao động Binh đoàn 15 tại vùng biên Gia Lai.

Điểm nổi bật trong thực hiện CVĐ ở Binh đoàn 15 là gắn chặt và góp phần thực hiện hiệu quả Phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Quân đội chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”. Trong đó, binh đoàn đặc biệt ưu tiên hỗ trợ địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống văn hóa, hỗ trợ tạo sinh kế cho người DTTS thoát nghèo bền vững. Những con số thống kê cho thấy sự đóng góp không nhỏ của cán bộ, công nhân, người lao động binh đoàn đối với vùng đất Tây Nguyên: 261,3km đường giao thông được làm mới, nâng cấp với trị giá 75,374 tỷ đồng; 27 cầu dân sinh được sửa chữa với trị giá 6,7 tỷ đồng; 114,5km kênh mương thủy lợi được nạo vét; 142,7ha ruộng nước được khai hoang, phục hóa; giúp 12.398 lượt hộ dân vốn sản xuất; chi hơn 3,5 tỷ đồng khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân trên địa bàn và hàng tỷ đồng hỗ trợ địa phương xây dựng các công trình văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng... Qua đó, giúp hàng nghìn hộ gia đình DTTS trên địa bàn Tây Nguyên thoát nghèo bền vững.

Nhằm giúp công nhân, người lao động và đồng bào các dân tộc yên tâm “an cư lạc nghiệp” và gắn SXKD với xây dựng, củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh trên tuyến biên giới Tây Nguyên, Binh đoàn 15 đã thực hiện chủ trương phát triển sản xuất đến đâu xây dựng điểm dân cư đến đó, cùng với hệ thống trường học từ bậc mầm non đến trung học phổ thông, bảo đảm các cháu ở mọi lứa tuổi đều được đến trường… hình thành những khu dân cư no ấm, yên bình nằm gần vành đai và gắn với thế phòng thủ trên toàn tuyến biên giới. Bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng, sẵn sàng phối hợp với các lực lượng tác chiến bảo vệ địa bàn, bảo vệ an ninh, chủ quyền biên giới của Tổ quốc khi có tình huống xảy ra.

Đại tá HOÀNG NGỌC THÀNH

Bí thư Đảng ủy, Phó tư lệnh Binh đoàn 15

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/binh-doan-xanh-diem-tua-cua-nhan-dan-vung-bien-gioi-tay-nguyen-581169