Bình Dương cần chú trọng đào tạo nghề cho nông dân

Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đề nghị tỉnh Bình Dương chú trọng đào tạo nghề cho nông dân, tiếp tục quan tâm vấn đề dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân; thực hiện tốt việc xây dựng và phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân để nguồn vốn mang lại hiệu quả thiết thực hơn.

Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Đề án 61 Trung ương làm việc với Tỉnh ủy Bình Dương - Ảnh: PC

Chiều 11/10, Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Đề án 61 Trung ương do đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án 61 Trung ương làm Trưởng đoàn đã làm việc với Tỉnh ủy Bình Dương về kết quả thực hiện Kết luận số 61-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 673/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Kết luận số 61-KL/TW ngày 03 tháng 12 năm 2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020” và Quyết định số 673/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 10 tháng 05 năm 2011 về việc “Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011-2020”.

Tại buổi làm việc, báo cáo với Đoàn kiểm tra, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lộc cho biết, trong thời gian qua, với vai trò là cơ quan thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo 61, Hội Nông dân tỉnh Bình Dương đã chủ động phối hợp với các sở, ngành ký kết và triển khai hiệu quả các chương trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Cụ thể, Hội Nông dân tỉnh đã ký quy chế phối hợp với UBND tỉnh và chương trình phối hợp với 24 sở, ngành, công ty, doanh nghiệp. Đồng thời, Hội đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở ngành liên quan tổ chức các hoạt động tư vấn, dạy nghề hỗ trợ nông dân; hướng dẫn các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp; tổ chức thực hiện trên 300 mô hình hỗ trợ cho nông dân có hiệu quả... Qua đó, lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh đã có nhiều đổi mới, đời sống vật chất tinh thần của nông dân ngày càng được nâng cao.

Tính đến cuối năm 2017, thu nhập bình quân đầu người tỉnh Bình Dương đạt 120 triệu đồng, trong đó khu vực nông thôn đạt khoảng 57,6 triệu đồng. Tỉnh không còn hộ nghèo theo tiêu chí quốc gia, số hộ nghèo theo tiêu chí của tỉnh là hơn 3.200 hộ (chiếm 1,09%). Đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có 46/48 xã và 2 huyện, thị đạt chuẩn nông thôn mới.

Cùng với sự phát triển của tỉnh, kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn được tỉnh Bình Dương quan tâm đầu tư, đáp ứng được nhu cầu của nhân dân nông thôn và thành thị. Công tác Hội và phong trào nông dân được đổi mới, phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Vị trí, vai trò của Hội Nông dân trong việc tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội ở địa phương ngày càng nâng cao.

Hiện có 9/9 huyện, thị, thành phố đã thành lập Ban vận động Quỹ hỗ trợ Nông dân, có 8/9 huyện, thị, thành Hội được ngân sách hỗ trợ phát triển Quỹ với số tiền 6,3 tỷ đồng. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm nay, các cấp Hội Nông dân của tỉnh Bình Dương đã được ngân sách ủy thác, vận động các đơn vị, tổ chức và cá nhân ủng hộ, cho mượn và bổ sung từ phí cho vay với số tiền hơn 15 tỷ đồng. Nâng tổng nguồn vốn toàn tỉnh đang quản lý là hơn 127 tỷ đồng; trong đó đã hỗ trợ cho hơn 4.200 hộ vay, đầu tư 299 dự án và thành lập 299 tổ hợp tác liên kết sản xuất.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương đã cho biết, định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh Bình Dương đang tập trung hiện nay là nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp đô thị. Tuy tỷ trọng ngành nông nghiệp chỉ chiếm 3,7% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp đều tăng cao sau hàng năm. Trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp ở Bình Dương đạt trên 95 triệu đồng/ha/năm; đặc biệt, nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao trong ngành nông nghiệp có thu nhập bình quân trên 1 tỷ đồng/ha/năm như mô hình cây ăn trái có múi…

Tại buổi làm việc, Tỉnh ủy Bình Dương đã đề xuất, kiến nghị với Ban Chỉ đạo Đề án 61 Trung ương tổng kết đánh giá việc tổ chức thực hiện Đề án 61, đề xuất Ban Bí thư và Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ mới phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, xem xét các nhóm nội dung của Đề án, nếu không còn phù hợp thì giao tỉnh chủ động và chuyển giao giải pháp thực hiện, gắn với Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Tỉnh ủy Bình Dương mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương tạo cơ chế thuận lợi giúp tổ chức Hội chủ động làm cầu nối cho nông dân thực hiện liên kết 04 nhà và mô hình sản xuất chuỗi hàng hóa, tạo cơ chế hỗ trợ cho nông dân đầu vào và đầu ra…

Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu kết luận buổi làm việc - Ảnh: PC

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đánh giá cao kết quả của Bình Dương trong công tác phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Đồng thời nhấn mạnh, tỷ trọng nông nghiệp và lao động nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh Dương thấp, nhưng nông nghiệp công nghệ cao chiếm tỷ trọng cao, điều này phù hợp với định hướng phát triển hiện nay.

Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đề nghị thời gian tới, tỉnh Bình Dương chú trọng đào tạo nghề cho nông dân, tiếp tục quan tâm vấn đề dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân; thực hiện tốt việc xây dựng và phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân để nguồn vốn mang lại hiệu quả thiết thực hơn. Đặc biệt, tỉnh Bình Dương cần tiếp tục nâng cao vai trò, vị trí để phát huy vai trò chủ thể của Hội Nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông dân và xây dựng nông thôn mới.../.

Phạm Cường

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/kinh-te/binh-duong-can-chu-trong-dao-tao-nghe-cho-nong-dan-501144.html