Bình Dương: Chính quyền ở đâu khi sông Thị Tính, sông Sài Gòn đang bị 'bức tử'?

Nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng, cần thanh kiểm tra xử lý trách nhiệm người đứng đầu tại các địa phương, trong đó có Bình Dương về việc để xảy ra vi phạm trong trật tự xây dựng.

Công trình xây dựng ngay ven hành lang sông

Công trình xây dựng ngay ven hành lang sông

Thời gian qua, nhiều thông tin phản ánh về việc trên địa bàn hai xã Phú An và An Tây , thị xã Bến Cát, xuất hiện nhiều công trình xây dựng trái phép, lấn chiếm hành bảo vệ đường sông , đê bao dọc bờ sông Thị Tính, sông Sài Gòn. Những công trình này có hạng mục được xây dựng kiên cố, bề thế “bức tử” 2 dòng sông thơ mộng nhiều năm nhưng chưa được kiểm tra, xử lý triệt để.

Dư luận cũng “nóng” lên khi phản ánh trong những công trình vi phạm có cả những công trình được cho là có liên quan tới người nhà quan chức tỉnh Bình Dương. Về góc độ quản lý, chính quyền lại kêu khó vì không thể tiếp cận và xử lý triệt để các công trình.

Ngoài vi phạm về trật tự xây dựng, người dân cũng phản ánh tình trạng vi phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng diễn ra phổ biến trên địa bàn thị xã Bến Cát, đặc biệt là trên sông Sài Gòn đoạn gần sông Thị Tính, khu vực này còn xuất hiện công trình trên diện tích đất rộng khoảng 9.000m2.

Theo đó, thửa đất trên được cấp GCN QSDĐ ngày 19/9/2016, thuộc bản đồ tờ bản đồ số 29, thửa đất số 638. Trong đó có khoảng 2.250m2 đất thuộc hành lang bảo vệ sông và 441m2 đất đê bao. Theo quy hoạch thì đây lại là đất trồng cây lâu năm, không được phép xây dựng. Người được cho là chủ sở hữu khu đất này là bà Phạm Mai Hoa (sinh năm 1966, trú tại phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) đã có hiện tượng đổ đất đá san lấp, lấn ra tận mép bờ sông Sài Gòn với diện tích lên đến hàng nghìn mét vuông.

Khoảng cuối năm 2016, vị trí này được cho là đã đổ đất làm kè lấn chiếm hàng ngàn mét vuông lòng sông, xây tường rào và công trình kiên cố nằm trên đất hành lang bảo vệ sông và bảo vệ đê bao, đóng cọc bê tông nổi trên sông để làm nhà thủy tạ và làm cầu tàu không phép,...Người dân nơi đây cho rằng bà Phạm Mai Hoa là vợ cán bộ tỉnh Bình Dương nên mới để xảy ra việc lấn sông, xây dựng công trình nên lấn sông, xây dựng công trình "khủng" như thế?

Bản đồ khu đất nhà bà Hoa nằm ngay ven sông Sài Gòn

Suốt một thời gian dài, người dân địa phương xôn xao việc tại sao công trình hoành tráng trên khu đất quy hoạch trồng cây lâu năm của bà Hoa lại có thể “qua mặt” được chính quyền sở tại và tồn tại bấy lâu nay. Dư luận hoài nghi và đặt câu hỏi liệu rằng có phải bà Hoa là vợ của lãnh đạo Tỉnh ủy Bình Dương, nên mới được chính quyền “ưu ái” hay không?

Trao đổi với báo chí, bà Hoa lại cho biết, về thông tin phản ánh có công trình xây dựng trái phép trên đất hành lang an toàn bờ sông và đê bao thì sẽ có các cơ quan chức năng kiểm tra.

Theo đó bà Hoa khẳng định bà làm gì cũng đều xin phép hết và trên đất của bà Hoa không có xây dựng hành lang bờ sông. Bà Hoa cũng cho biết bà chỉ xây dựng công trình tạm trên đất chứ không có công trình kiên cố.

Về việc này, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện cảu Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, phát ngôn và việc xử lý vi phạm về trật tự xây dựng tại Bình Dương cho thấy tinh thần thiếu trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước:.

“Xử lý vi phạm trật tự xây dựng cần thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Khi địa phương có công cụ pháp luật trong tay và các điều kiện để thực hiện nó mà nói khó tiếp cận hoặc khó xử lý vi phạm thì chính quyền ở đó đang làm gì? Nói như vậy là để mặc cho tình trạng vô chính phủ trong quản lý trật tự xây dựng. Các cấp Ủy đảng, chính quyền ăn lương nhà nước để thực hiện nhiệm vụ được giao mà phát biểu như vậy thì người dân biết lấy ai để chỗ dựa đây? Phát biểu như vậy là thiếu trách nhiệm và là điều hết sức lo ngại cho vai trò quản lý của cán bộ tại địa phương”, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng nói.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng cho rằng, không loại trừ việc cán bộ địa phương “lờ” đi vi phạm của người ta, hoặc móc ngoặc với vi phạm để trục lợi, đồng thời cho rằng, đây là một vấn đề cần xem xét làm rõ.

Đề cập tới vấn đề quản lý và vi phạm trật tự xây dựng nói trên, trong đó có vụ việc xảy ra tại Bình Dương, Đại biểu Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, cần xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra vi phạm để tránh trường hợp phạt cho tồn tại. Vừa rồi Quốc hội cũng cho ý kiến thảo luận Luật Xây dựng sửa đổi. Sắp tới sẽ biểu quyết thông qua Luật Xây dựng. Trong đó, rất nhiều Đại biểu Quốc hội chỉ ra những bất cập, hạn chế thiếu sót của Luật Xây dựng trong thời gian qua do chính con người gây nên. Đó là việc cấp phép xây dựng, xây dựng không phép, xây dựng trên đất nông nghiệp, chiếm dụng đất xây dựng trái phép, xây dựng trên đất rừng. Trong khi những sai phạm diễn ra nhưng chính quyền địa phương lại tỏ ra “vô hại”.

“Tôi cho rằng, những bất cập hạn chế trong vấn đề quản lý trật tự xây dựng ở đây có dấu hiệu buông lỏng quản lý, thậm chí có nơi mặc nhiên “làm lơ” cho vi phạm. Chỉ khi có báo chí, người dân phản ánh mới lập biên bản đình chỉ nhưng giải quyết chưa đến nơi đến chốn. Hôm nay lập biên bản đình chỉ, ngày mai họ lại xây dựng tiếp với lý do “họ xây chui vào ngày nghỉ nên không biết, không hay”. Khi sự việc “đã rồi” thì xử phạt và… cho tồn tại”, Đại biểu Phạm Văn Hòa nói.

Đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết thêm, vi phạm trật tự xây dựng vẫn diễn ra ở nhiều địa phương là do kỷ cương, phép nước chưa nghiêm, trong khi đó, việc xử lý trách nhiệm quản lý nhà nước ở địa phương thì chưa đâu vào đâu. Người dân và báo chí chưa thấy ông A có vi phạm trong quản lý bị xử lý cách chức, kỷ luật… Đây là những bất cập trong quản lý thời gian qua. Trong Luật Xây dựng sửa đổi có đề cập tới vấn đề trách nhiệm của chính quyền địa phương, người đứng đầu trong cấp phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng khi xảy ra vi phạm. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước những vi phạm (nếu có).

Như vậy có thể thấy, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, sử dụng đất sai mục đích trên địa bàn thị xã Bến Cát, điển hình là xã Phú An và An Tây có diễn biến phức tạp. Đề nghị chính quyền tỉnh Bình Dương vào cuộc chỉ đạo, xử lý triệt để vi phạm còn tồn tại kéo dài. Đồng thời, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý đối với những trường hợp vi phạm nhưng được "ưu ái", tồn tại thời gian qua gây bức xúc trong dư luận.

Lê Nam

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/doi-song/binh-duong-chinh-quyen-o-dau-khi-song-thi-tinh-song-sai-gon-dang-bi-buc-tu-46466.html