Bình Dương: 'Đại gia' vay bạn hơn chục tỷ rồi vội vàng tẩu tán tài sản?

Ông Trần Minh vay của bà Thủy số tiền hơn 13 tỷ đồng để làm vốn lưu động của hai công ty. Khi đến hẹn, ông Minh không trả nợ. Vụ án dân sự sau đó được tòa án giải quyết và bà Thủy thắng kiện nhưng 6 năm nay đương sự vẫn chưa nhận được tiền.

Vay tiền rồi lên kế hoạch tẩu tán tài sản?

Vừa qua, báo CL&XH nhận được đơn cầu cứu của anh Nguyễn Hoàng Khanh (ngụ Khu 10, phường Chánh Nghĩa, TP.TDM, tỉnh Bình Dương, là người đại diện theo ủy quyền của bà Nguyễn Thị Thủy). Trong đơn, anh Khanh khẳng định vụ án dân sự đã có quyết định số 187/2011/QĐST – DS ngày 23/12/2011 của Tòa án Nhân dân TX. Thủ Dầu Một (Bình Dương) nhưng hơn 6 năm qua đương sự vẫn chưa được thi hành án.

Theo trình bày của anh Khanh, vào ngày 26/4/2011, bà Nguyễn Thị Thủy (SN 1964, ngụ TX. Tân Uyên, Bình Dương) có cho ông Trần Minh (SN 1961, ngụ khu phố 6, phường Phú Cường, TP.TDM, tỉnh Bình Dương) vay mượn với số tiền 13.500.000.000 đồng. Ông Minh vay tiền để đưa vào vốn lưu động của Công ty TNHH Hiệp Lợi và Công ty TNHH Trường Phát. Khi vay, ông Minh đã làm giấy cam kết trả nợ cho bà Thủy trong thời gian 3 tháng.

Đơn ông Khanh gửi cơ quan chức năng

Đơn ông Khanh gửi cơ quan chức năng

Tuy nhiên, khi đến thời hạn trả nợ thì ông Minh cố tình né tránh, tìm cách hứa hẹn rồi không chịu trả tiền cho bà Thủy. Thời gian trôi qua, cảm thấy khoản nợ khó đòi, bà Thủy phải gửi đơn khởi kiện ra tòa. Vụ án dân sự sau đó được Tòa án Nhân dân thị xã (nay là thành phố Thủ Dầu Một), tỉnh Bình Dương thụ lý giải quyết. Sau khi nhận quyết định thắng kiện của tòa án, bà Thủy vẫn không được ông Minh tự nguyện thi hành án. Lúc bấy giờ, bà Thủy buộc gửi hồ sơ đề nghị Cục Thi hành án dân sự Bình Dương can thiệp.

Thế nhưng, 6 năm trôi qua, bà Thủy vẫn chưa nhận lại được số tiền ông Minh vay mượn, dù người bị thi hành án có nhiều tài sản để thực hiện nghĩa vụ trả nợ. “Ông Minh đã lợi dụng sự tín nhiệm của tôi để vay tiền sau đó tìm cách “trốn nợ”. Khi tôi đòi tiền không được, làm căng lên thì ông Minh tìm cách tẩu tán tài sản bằng cách chuyển nhượng tài sản cho người thân. Tuy nhiên, việc chuyển nhượng tài sản và phần vốn góp trong công ty TNHH cho người thân chưa được cơ quan chức năng công nhận”, bà Nguyễn Thị Thủy bức xúc.

Vì sao cơ quan chức năng chưa thi hành được bản án?

Ông Trần Minh, người bị thi hành án hiện sở hữu nhiều tài sản bao gồm phần vốn góp ở hai công ty và tài sản riêng nhưng vì sao cơ quan chức năng chưa thi hành án? Ông Nguyễn Hoàng Khanh (đại diện ủy quyền của bà Nguyễn Thị Thủy).

Giấy vay tiền giữa bà Thủy và ông Minh

Phía thi hành án cũng cho rằng, khó để thi hành án tài sản của ông Minh tại hai công ty trên vì ông này đã chuyển nhượng tài sản của mình cho người thân. Cụ thể, đối với công ty TNHH Hiệp Lợi, ông Trần Minh lập hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ giá trị vốn góp là 12.800.000.000 đồng cho ông Võ Văn Lâm và ngày 12/8/2011 được sở Kế hoạch & Đầu tư tiếp nhận hồ sơ, đăng ký thay đổi lần 2 ngày 16/8/2011.

Đối với Công ty TNHH Trường Phát, ông Trần Minh góp vốn 10% (tương đương 3.287.330.000 đồng) trong khi tài sản công ty đang thế chấp ngân hàng và nợ bà Thủy thì ông Minh chuyển nhượng toàn bộ giá trị vốn cho bà Võ Thị Phương Thảo và được sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Bình Dương đăng ký thay đổi lần 10 vào ngày 29/6/2011.

Điều đáng nói, Sở Kế hoạch & Đầu tư đã chấp thuận sự chuyển nhượng, trong khi phía Công ty Hiệp Lợi và Trường Phát chưa chấp hành các quy định pháp luật về thuế, điều chỉnh biến động về tài sản tại Cơ quan Thuế và Sở TN&MT Bình Dương, việc này ảnh hưởng đến nghĩa vụ thi hành án sau này của ông Trần Minh.

Theo đó, quy định khi thực hiện việc chuyển nhượng giá trị vốn góp trong công ty thì người chuyển nhượng phải kê khai giá trị chuyển nhượng để xác định việc nộp thuế. Tuy nhiên, ông Trần Minh chưa đăng ký kê khai thuế về việc chuyển nhượng phần vốn góp nêu trên theo quy định.

Bản án của tòa buộc ông Minh trả tiền cho bà Thủy

Trong khi đó, Sở TN&MT tỉnh Bình Dương cho biết đối với công ty Hiệp Lợi và công ty Trường Phát có thay đổi thành viên do việc chuyển nhượng phần góp vốn, không thay đổi tên của công ty vẫn phải thực hiện việc đăng ký biến động. Thế nhưng, phía công ty chưa đến Sở TN&MT để đăng ký biến động theo quy định.

Liên quan đến vụ việc, phía Cục Thuế tỉnh Bình Dương khẳng định, ông Trần Minh lập hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp của mình tại hai công ty trên nhưng chưa kê khai nộp thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng vốn. Điều đáng nói hơn, chính bà Huyền Vân và ông Trần Minh đã khẳng định tại cơ quan Thi hành án rằng việc ông Minh chuyển nhượng vốn góp tại hai công ty này là theo sự sắp xếp của ông Phạm Văn Nghe.

Vì sự sắp xếp này nên việc chuyển nhượng chỉ thực hiện trên giấy tờ mà chưa hề thực hiện thủ tục chuyển vốn góp – nhận tiền giữa ông Minh – bà Thảo và Ông Minh – Ông Lâm. Vậy có phải ông Minh, bà Vân tự khẳng định việc chuyển nhượng là trốn tránh nghĩa vụ thi hành án của ông Minh? Việc ông Trần Minh chuyển nhượng vốn cho bà Võ Thị Phương Thảo là hợp đồng giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ thi hành án của ông Minh.

Ông Khanh bày tỏ quan điểm, nếu số tiền hơn 13 tỷ đồng ông Minh vay để phát triển công ty thì công ty buộc phải có nghĩa vụ trả nợ kể cả khi ông Minh chuyển nhượng vốn góp. Tuy nhiên, nếu ông Minh vay với tư cách cá nhân thì mọi tài sản gắn liền với cá nhân ông đều phải được thi hành án. Nếu nói ông Minh không có tài sản để thi hành án thì không đúng với thực tế. Bởi vì, tài sản bất động sản dùng để xây dựng công ty là của ông Minh, căn nhà khang trang nơi ông Minh đang sinh sống. Hơn nữa, vợ ông Minh nguyên Trưởng phòng Bảo trợ xã hội thuộc sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương nên gia đình ông Minh kinh tế rất khá giả.

“Với khối tài sản và gia thế của gia đình ông Minh hiện có thì số nợ hơn 13 tỷ đồng của bà Thủy là rất nhỏ. Tuy nhiên, ông Minh cố tình không trả vì có sự hậu thuẫn của người thân. Phía cục Thi hành án thì “ngó lơ” khiến người được thi hành án hoang mang, tổn thất kinh tế, ảnh hưởng tinh thần. Tôi biết có người đứng sau tác động vì khi gửi đơn tranh chấp dân sự nhưng công an khu vực lại mời tôi lên để “hù dọa” những việc không liên quan”, ông Khanh nói. Được biết, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương khi nhận được đơn phản ánh của đương sự Nguyễn Hoàng Khanh, đại diện chính quyền đã gửi công văn chỉ đạo đơn vị liên quan xem xét, xử lý vụ việc.

Trước diễn biến vụ việc, câu hỏi đặt ra là, vì sao khi bà Thủy đòi nợ, ông Minh lại gấp rút chuyển nhượng tài sản cho người khác? Và, những người được ông Minh chuyển nhượng đều là người thân trong gia đình.

Thời gian ông Minh vay tiền bà Thủy là tháng 4/2011 nhưng chỉ sau 2 tháng sau (tức tháng 6/2011) lại làm hồ sơ chuyển nhượng toàn bộ tài sản cho người thân?! Quá trình thực hiện hợp đồng chuyển nhượng lại chưa đúng pháp luật như đã đề cập ở trên.

Có thể hiểu, việc ông Minh chuyển nhượng phần góp vốn của mình ở hai công ty chỉ là để hợp thức hóa nhằm “né” việc thi hành án của mình. Được biết, Tòa án Nhân dân TX. Thuận An trước đó đã công nhận các hợp đồng chuyển nhượng tài sản của ông Minh.

Do đó, để thi hành án tài sản của ông Minh tại hai công ty nói trên là rất khó để thực hiện. Tuy vậy, để thi hành án cho bà Thủy thì không phải không còn cách vì ông Minh không chỉ có tài sản tại hai công ty trên.

Thiết nghĩ, các ban, ngành liên quan cần sớm vào cuộc xác minh làm rõ vụ tranh chấp dân sự này nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho đương sự nhằm tránh bức xúc khiếu kiện kéo dài ảnh hưởng xấu trong dư luận.

Công ty Trường Phát nơi ông Minh gốp vốn

Liên quan đến vụ việc, luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, Luật Thi hành án dân sự năm 2014 quy định: “Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu thi hành án của đương sự, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định thi hành án; trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định thi hành án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành quyết định thi hành án đó. Đương sự có quyền đề nghị được thông báo tình trạng giải quyết việc thi hành án.

Việc trao đổi với cơ quan thi hành án cần phải thực hiện bằng văn bản để có căn cứ khiếu nại nếu có dấu hiệu của hành vi không vô tư, khách quan hoặc vi phạm pháp luật của chấp hành viên. Đương sự cũng có quyền đề nghị bằng văn bản tới thủ trưởng cơ quan thi hành án, Viện trưởng Viện Kiểm sát cùng cấp đề nghị tích cực tổ chức, giám sát việc thi hành án để bảo đảm quyền lợi hợp pháp.

Nhân Tâm

Nguồn CL&XH: http://conglyxahoi.net.vn/ket-noi-ban-doc/binh-duong-dai-gia-vay-ban-hon-chuc-ty-roi-voi-vang-tau-tan-tai-san-8808.html