Bình Dương dẫn đầu cả nước về kiểm soát tham nhũng năm 2022

Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2022 được công bố sáng 12/4 cho thấy, năm thứ hai liên tiếp Bình Dương dẫn đầu cả nước, đạt xấp xỉ 8 điểm trên thang 10 về chỉ số kiểm soát tham nhũng.

16.117 người trả lời được lựa chọn ngẫu nhiên từ tất cả 63 tỉnh thành, báo cáo PAPI 2022 cung cấp dữ liệu và thông tin về hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp và đóng góp cho việc xây dựng chính sách, pháp luật quan trọng trong năm 2023.

Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam nhận định, với hàng trăm nghìn dữ liệu được thu thập từ người dân (đối tượng cuối cùng của dịch vụ công), PAPI giúp nhận diện khoảng cách từ chính sách đến thực tiễn, để cung cấp thông tin cho các cơ quan hoạch định chính sách và quản lý ngành.

Bà Ramla Khalidi bày tỏ hy vọng, những dữ liệu được chia sẻ sẽ đem đến góc nhìn chuyên sâu quý báu để Việt Nam tối ưu hơn nữa và hiện thực hóa chương trình nghị sự lập pháp 2023 liên quan đến các Luật Đất đai đang được bàn thảo hay Luật Dân chủ cơ sở mới được Quốc hội thông qua.

Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam

"Báo cáo PAPI 2022 cung cấp nguồn dữ liệu đáng tin cậy dựa trên bằng chứng để chính quyền các cấp nhìn nhận hiệu quả công việc của mình trong những lĩnh vực quan trọng như quản trị Nhà nước, hành chính công, cung ứng dịch vụ công..." bà Ramla Khalidi nhấn mạnh.

Chia sẻ về một số phát hiện chính, bà Ramla Khalidi cho biết, "niềm tin của người dân vào tình hình kinh tế đất nước và của gia đình đã phục hồi mạnh mẽ năm 2022 so với mức thấp kỷ lục năm 2021", tuy nhiên những "tổn thương thành sẹo" mà đại dịch Covid-19 gây ra vẫn còn đó khi các chỉ tiêu về kinh tế vẫn chưa bình thường trở lại.

Nếu năm 2021 y tế và BHYT là vấn đề quan ngại nhất, thì sang 2022 nghèo đói là mối quan ngại lớn nhất. 4 vấn đề quan ngại tiếp theo là tăng trưởng kinh tế, việc làm, chất lượng đường bộ và tham nhũng.

Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng.

TS. Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam đánh giá, báo cáo PAPI giúp các nhà hoạch định kịp thời điều chỉnh chính sách, đổi mới phương thức hoạt động phù hợp với thực tiễn. PAPI đã luôn coi sự hài lòng của người dân là chỉ số quan trọng để phản ánh chất lượng, hiệu quả thực thi chính sách pháp luật, sự tham gia của người dân trong giám sát hoạt động chính quyền. PAPI là một trong những nghiên cứu xã hội lớn và quan trọng nhất ở Việt Nam, ghi dấu những chuyển biến trong quản trị hành chính công ở cấp quốc gia, địa phương trong hơn 10 năm qua.

Ông Dũng cho biết, một nửa số tỉnh, thành phố của cả nước đã tổ chức hội nghị cấp tỉnh, phân tích kết quả của tỉnh mình và thảo luận các giải pháp; 2/3 các tỉnh, thành đã ban hành kế hoạch hành động, chỉ thị mới nhằm cải thiện hiệu quả thực thi chính sách của các cấp chính quyền từ tỉnh đến xã trong những năm tiếp theo.

Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam cho rằng, chỉ số PAPI là những con số “biết nói”, chuyển tải thông điệp từ cảm nhận, suy nghĩ và ý nguyện của người dân.

Hiện trạng ‘chung chi’ để có việc làm trong khu vực nhà nước vẫn khá phổ biến

Với chỉ số "Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương", các tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung có xu hướng đạt kết quả tốt hơn. Trong khi đó, các tỉnh đạt điểm thấp hơn tập trung nhiều ở khu vực Tây Nguyên và vùng ĐBSCL.

Đáng khích lệ là có 18 tỉnh/thành đạt mức điểm cao hơn đáng kể, và khoảng điểm của cả nước tăng nhẹ so với năm 2021. Phân tích sâu hơn cho thấy việc tiếp cận thông tin đất đai của người dân vẫn còn rất hạn chế ở tất cả các tỉnh/thành phố. Người dân cho rằng, giá bồi thường thu hồi đất thấp hơn so với giá giao dịch trên thị trường.

Đối với việc "Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công", báo cáo nêu xu hướng đáng lưu ý nhất là hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công của các cấp chính quyền địa phương có phần giảm sút trong năm 2022, sau khi tăng liên tục trong giai đoạn từ 2015 đến 2021.

Dù chiến dịch phòng, chống tham nhũng được triển khai mạnh mẽ khắp cả nước, chưa tới 75% số người trả lời cho rằng, chính quyền địa phương đã nghiêm túc trong phòng, chống tham nhũng. Ở 42 tỉnh/thành, tỉ lệ này chỉ ở mức dưới 50%.

Tương tự kết quả của những năm trước, hiện trạng ‘chung chi’ để có việc làm trong khu vực nhà nước vẫn khá phổ biến. Tỉ lệ người làm thủ tục hành chính xin cấp mới hoặc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã phải chi ‘lót tay’ giảm ở 34 tỉnh/thành.

Tỉ lệ người sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở bệnh viện công tuyến huyện cho biết họ đã phải trả chi phí ngoài quy định để được chăm sóc tốt hơn dao động từ 40-80% ở 42 tỉnh/thành, tương tự kết quả năm 2021.

Đối mặt với hành vi nhũng nhiễu của cán bộ, công chức, người dân chỉ bắt đầu tố giác khi số tiền bị vòi vĩnh lên tới khoảng 20-43 triệu đồng.

Năm 2022, Bình Dương dẫn đầu cả nước về chỉ số kiểm soát tham nhũng với 7,94 điểm, cao hơn 2,23 điểm so với địa phương xếp chót Điện Biên (5,71). Chỉ số kiểm soát tham nhũng của 5 thành phố trực thuộc trung ương lần lượt là Hà Nội (6,8); Hải Phòng (6,89); Đà Nẵng (6,6); TP.HCM (6,32) và Cần Thơ (6,54)...

Trần Thường

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/binh-duong-dan-dau-ca-nuoc-ve-kiem-soat-tham-nhung-nam-2022-2131612.html