Bình Dương đầu tư giao thông công cộng:Giải pháp phát triển đô thị tương lai

Theo lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Bình Dương, hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt được triển khai thực hiện từ năm 2003. Đến nay, toàn tỉnh có 28 tuyến xe buýt, trong đó có 17 tuyến nội tỉnh, 11 tuyến liên tỉnh; 11 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt với 235 phương tiện. Tuy nhiên, việc lựa chọn phương tiện công cộng đi lại của người dân vẫn còn nhiều hạn chế, trong đó có nguyên nhân là các phương tiện vận chuyển của nhiều doanh nghiệp đã cũ kỹ, lạc hậu, chất lượng thấp.

Xe buýt nhanh Becamex Tokyu

Xe buýt nhanh Becamex Tokyu

Thực hiện Dự án “Nâng cao năng lực quản lý hệ thống giao thông tập trung chủ đạo và giao thông công cộng tỉnh Bình Dương”, Sở GTVT tỉnh Bình Dương đã và đang phối hợp với Đoàn nghiên cứu dự án của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) thực hiện các hoạt động nhằm thúc đẩy việc chuyển đổi từ phương tiện giao thông cá nhân sang phương tiện giao thông công cộng tại Bình Dương…

Hiện nay, xe buýt nhanh đô thị Becamex Tokyu đang vận hành song song hai tuyến từ Tòa nhà Becamex Tower ở đại lộ Bình Dương đến Thư viện tỉnh, theo đường Phạm Ngọc Thạch đến Trung tâm Hội nghị - Triển lãm tỉnh, cổng chính Trung tâm Hành chính tập trung của tỉnh sang Tòa nhà Aroma và kết thúc tại Đại học Quốc tế miền Đông. Tuyến thứ hai cũng khởi hành tại Becamex Tower mở rộng sang sân vận động Gò Đậu đến bến xe khách tỉnh, theo đường Cách Mạng Tháng Tám vào Trung tâm TP. Thủ Dầu Một liên thông sang Thành phố mới Bình Dương bằng đường Phạm Ngọc Thạch, đi qua các trường học, nhà văn hóa, khu dân cư và kết thúc hành trình như tuyến thứ nhất.

Để rút ngắn hành trình giữa các trục giao thông đô thị Bình Dương - TP. Hồ Chí Minh - Đồng Nai, tỉnh Bình Dương vừa lập Dự án Phát triển hạ tầng giao thông và tuyến xe buýt nhanh (BRT) Thành phố mới Bình Dương - Suối Tiên. Tuyến BRT này sẽ kết nối các đô thị Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một, Thành phố mới Bình Dương với TP. Hồ Chí Minh, góp phần gia tăng số người sử dụng tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), thúc đẩy việc sử dụng giao thông công cộng và là cơ sở để kéo dài tuyến metro số 1 về phía Bình Dương, Đồng Nai.

Trong đề xuất thực hiện dự án, tỉnh Bình Dương nhận định với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và đô thị nhanh, cùng với việc hình thành nhiều khu công nghiệp tập trung, thu hút nhiều lao động từ các tỉnh đến làm việc, sinh sống nên sẽ gây áp lực với hệ thống giao thông trên địa bàn. Để giải quyết vấn đề UTGT trong tương lai gần đòi hỏi phải xây dựng hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, tốc độ cao và kết nối với các tuyến đường bộ, đường sắt đô thị, tàu điện ngầm…

Quá trình quy hoạch phát triển đa dạng các loại hình, phương tiện giao thông công cộng của Bình Dương đang được các cơ quan nỗ lực thực hiện để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong tương lai. Ngay bây giờ, việc thay đổi thói quen sử dụng phương tiện cá nhân của người dân sẽ góp phần giảm bớt áp lực UTGT là rất cần thiết.

Trong đề án phát triển hệ thống giao thông công cộng tại địa phương này đến năm 2025 và tầm nhìn sau năm 2025, việc quy hoạch 4 tuyến chính sẽ đưa hệ thống giao thông này trở thành hình thức đi lại có tầm quan trọng cho người dân trong tương lai.

Trên trục hướng tâm sẽ xây dựng mạng lưới hướng tâm về Thành phố mới, phát triển giao thông công cộng kết nối với TP. Thủ Dầu Một, các huyện, đô thị vệ tinh cũng như với các tỉnh, thành lân cận; tăng cường kết nối giữa các quận, huyện, các khu dân cư tập trung; khu thương mại, du lịch, khu công nghiệp…, đặc biệt ưu tiên phát triển loại hình giao thông công cộng khối lượng lớn (đường sắt đô thị và BRT). Tuyến vành đai sẽ kết nối các đô thị vệ tinh, giảm lưu lượng hành khách đi vào khu trung tâm. Trên các trục này chỉ sử dụng loại hình buýt thường và giao thông công cộng đường sông; xem xét phát triển giao thông công cộng khối lượng lớn trên một số tuyến đi trên các trục giao thông quan trọng như QL13 và ĐT743. Tuyến nhánh sẽ kết nối các khu vực của tỉnh ra các tuyến hướng tâm và tuyến vành đai thông qua các đường đô thị thứ yếu, đường khu vực. Các tuyến còn có vai trò kết nối các đô thị vệ tinh ở phía Bắc với Đồng Xoài, Tây Ninh và Bình Phước.

Giai đoạn sau năm 2025, mạng lưới giao thông về cơ bản đã hoàn thiện các trục chính, mức độ phát triển kinh tế - xã hội cao, nhu cầu đi lại lớn, vì vậy trên các trục chính của tỉnh đã và đang được đầu tư xây dựng các làn đường dành riêng cho các tuyến BRT.

Cơ quan quản lý giao thông công cộng cũng đã nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức quản lý giao thông công cộng dựa trên nền tảng là Trung tâm Quản lý và Điều hành Vận tải hành khách công cộng nhằm quản lý toàn bộ hệ thống giao thông công cộng (đường sắt đô thị, xe buýt, taxi…); ký hợp đồng vận chuyển hành khách bằng xe buýt và đường sắt đô thị để quản lý về chất lượng dịch vụ và ATGT; cung cấp cho hành khách và quản lý thông tin hoạt động về vận tải hành khách công cộng; xây dựng khung chính sách phát triển giao thông công cộng; nghiên cứu hệ thống thu tiền vé điện tử sử dụng thẻ thông minh…

Về công tác tuyên truyền, Bình Dương cũng khuyến khích người dân tham gia và sử dụng giao thông công cộng để mọi người dân hiểu rõ lợi ích, tác dụng của việc sử dụng hình thức này. Để từng bước hình thành mạng lưới tuyến, tạo thói quen cho người dân sử dụng giao thông công cộng đi lại hàng ngày cần phải có chính sách trợ giá của Nhà nước để hỗ trợ giá vé cho các loại hình xe buýt, đường sắt đô thị và buýt đường sông; chính sách miễn vé cho các đối tượng chính sách, người khuyết tật; giảm giá vé tháng cho các đối tượng là sinh viên và học sinh...

LỆ MỸ

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/binh-duong-dau-tu-giao-thong-cong-conggiai-phap-phat-trien-do-thi-tuong-lai-d73680.html